Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Tạp chí Kinh tế và Dự báo ra số báo đầu tiên (8/10/1967-8/10/2012), nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã gửi thư chúc mừng, lời chúc mừng nhiệt liệt nhất đến các đồng chí cán bộ, phóng viên, biên tập viên và độc giả của Tạp chí, sức khỏe, hạnh phúc.

45 năm là một chặng đường trong 67 năm lịch sử vẻ vang của ngành kế hoạch và Đầu tư, trong đó có hình bóng về sự phát triển của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh, thay mặt lãnh đạo Bộ chúc Tạp chí ngày càng phát triển không ngừng, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư .

Từ một tờ Tập san Công tác kế hoạch, được xuất bản 45 năm trước đây, Tạp chí Kinh tế và Dự báo ngày hôm nay đã trưởng thành và phát triển vượt bậc không ngừng. Ghi nhận những thành tích và sự đóng góp tích cực của Tạp chí, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1982; Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 1987; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997 và 2007; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các cá nhân là cán bộ, phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Kinh tế và Dự báo qua các thế hệ.

Nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Kinh tế và Dự báo có bề dày lịch sử đáng tự hào. Từ khi thành lập (1967), trải qua bao thăng trầm, thử thách, Tạp chí đã kế thừa xứng đáng, phát huy và bồi đắp truyền thống vẻ vang của ngành Kế hoạch, của nền báo chí cách mạng Việt Nam và bao thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mở đầu Tạp chí số đặc biệt kỳ này, trong chuyên mục Định hướng triển vọng là bài viết Dự báo năm 2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn của tác giả Trần Du Lịch. Bài viết dự báo, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực hơn sau khi tốc độ tăng trưởng quý I/2012 rơi xuống mức thấp và quý II, III lạm phát giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2013.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã xác định được 3 khâu đột phá. Song nguồn lực nào cần được huy động để thực hiện thành công những đột phá trên? Phóng viên Tạp chí đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

Chính sách tín dụng đang gây khó cho doanh nghiệp. Nguyên nhân từ phía nào thì chắc còn nhiều bàn cãi… Giải pháp định hướng chính sách tín dụng thời gian tới sao cho hiệu quả, được đề cập qua bài Cơ cấu lại hệ tín dụng – Cần đổi mới tư duy làm chính sách của tác giả Nguyễn Thị Hiền.

Chuyên mục Đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công, gồm 5 bài viết: Chất lượng số liệu thống kê trong đổi mới công tác kế hoạch; Kế hoạch hóa và cơ cấu lại nền kinh tế; Đầu tư công: đi tìm những cái thật; đổi mới công tác kế hoạch từ đầu tư trung hạn của các tác giả Đỗ Thức, Vũ Quốc Tuấn, Ngô Doãn Vịnh… mỗi bài viết phản ánh những khía cạnh thực tiễn khác nhau về công tác kế hoạch và đưa ra một số vấn đề quan trọng cần khắc phục, giải quyết.

Trong chuyên mục Nghiên cứu trao đổi, bài viết Nợ công của Việt Nam – Thực trạng và giải pháp của tác giả Lê Quốc Lý, đề cập đến giải pháp dài hơi nhằm đảm bảo an toàn nợ công . Tiếp đến là một số bài viết: Cứu doanh nghiệp: Cần đổi mới về tư duy và hành động chính sách của tác giả Nguyễn Đình Cung; Hoàn thiện thể chế trong tái cơ cấu nền kinh tế của tác giả Nguyễn Thường Lạng; 25 năm thu hút FDI: Góc nhìn từ quản lý nhà nước của tác giả Phan Hữu Thắng; Đầu tư phát triển tại Việt Nam sau 5 năm ra nhập WTO của tác giả Nguyễn Đăng Bình; Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư tại Việt Nam của tác giả Phan Thị Thùy Trâm; Hệ quả vĩ mô của chính sách công nghiệp ở Việt Nam của tác giả Vũ Thành Tự Anh; Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của tác giả Đặng Đức Thành; Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng và giải pháp phát triển của tác giả Lưu Văn Nghiêm.

Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP. Hà Nội có 730 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 1.900 doanh nghiệp tạm ngừng kình doanh. Hà Nội đã thực hiện một loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và hỗ trợ thị trường. Quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2012. Nội dung này được truyền tải đến bạn đọc thông qua chuyên mục Hà Nội – lạc quan với kế hoạch 2012

Chuyên mục Kinh tế ngành - địa phương, trong chuyên mục này gồm các nội dung sau: May xuất khẩu Việt Nam: Giải pháp vượt rào cản kỹ thuật của thị trường EU của tác giả Nguyễn Hoàng; Dự báo về đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam của tác giả Phạm Quang Diệu; Hải Dương: Đổi mới tư duy chính sách để thu hút nguồn vốn FDI của tác giả Phạm Minh Thăng.

Trong số ra kỳ này, Tạp chí tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết trong chuyên đề Tuyên truyền pháp luật và bảo vệ môi trường 10 cảnh báo về an ninh môi trường đối với Việt Nam của tác giả Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Đình Hòe. Bài viết muốn nhắn nhủ đã đến lúc các vấn đề về an ninh môi trường ở Việt Nam cần được quan tâm kiểm soát trước khi quá muộn.

Chuyên mục Phổ biến kiến thức trong số ra kỳ này, gồm 2 biết viết đề cập đến vấn đề Ứng phó bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính; Mối liên hệ giữa lãi xuất huy động không điều tiết và rủi ro của ngân hàng của các tác giả Nguyễn Đình Thọ và Đào Thanh Bình..

Chuyên mục Nhìn ra Thế giới, tác giả Đặng Lê Nguyên Vũ, Nancy K.Napier, Vương Quân Hoàng với bài viết Khởi nghiệp và sáng tạo: “Lõi kép” cho tăng trưởng đã chia sẻ việc thoát khỏi vòng xoáy suy giảm hiệu quả là khởi nghiệm và sáng tạo để tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Việc nhìn nhận 1 cách có căn cứ và toàn diện về xu hướng mới của nền kinh tế thế giới để có những điều chỉnh, lựa chọn cho phù hợp với mỗi nền kinh tế, mỗi nhà nước – quốc gia. Vấn đề này được thể hiện rõ qua bài viết Xu hướng phát triển mới và những điều chỉnh của nhà nước – quốc gia của tác giả Phạm Thị Túy, Phạm Quốc Trung

Hưng Yên – điểm đến của nhà đầu tư, đã khép lại Tạp chí số ra kỳ này.