Tăng trưởng xanh vẫn là một trong những nhiệm vụ không thường xuyên

Trong bối cảnh Việt Nam đang gặp phải vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là ô nhiễm môi trường do phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều tỉnh thành song khái niệm tăng trưởng xanh vẫn còn được hiểu mơ hồ trong nhận thức và không mấy ai quan tâm trong hành động.

Mở đầu hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nhận định, dù chúng ta đã có cả Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm, nhưng những kế hoạch chiến lược này được thực hiện riêng lẻ, tách biệt với tăng trưởng xanh.

Chiến lược tăng trưởng xanh là cần thiết, nhưng chưa được đưa vào công tác thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.

“Đâu đó các địa phương coi tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ không thường xuyên, thỉnh thoảng nhớ đến, công tác thực hiện còn hời hợt chưa đúng tầm của tăng trưởng xanh”, ông Hiếu chia sẻ.

Nhận định của ông Hiếu khiến người nghe liên tưởng tới lý do mà Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung đã chỉ rõ tại hội thảo cùng tên do chính CIEM tổ chức vào ngày cuối tháng 10 năm ngoái. Ông Cung khi đó đã thẳng thắn chỉ ra rằng, chính quyền địa phương cũng không có sức ép thực hiện, không thấy đây là việc cần phải ưu tiên thực hiện.

"Với chính quyền địa phương, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn là áp lực, vẫn là thành tích. Còn “xanh” hay “không xanh” chưa không phải là chỉ tiêu đánh giá", TS. Cung nói.

Để khắc phục, Viện trưởng Cung nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, các địa phương cần lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển cấp địa phương, làm địa phương trước rồi áp dụng cho cả nước. Tăng trưởng xanh phải là chủ đạo chứ không phải đi bên lề trong tư duy phát triển. Nếu chúng ta không thực hiện, sẽ không còn đà tăng trưởng, nền kinh tế sẽ rơi vào nguy cơ càng dốc nguồn lực tăng trưởng thì càng thụt lùi. Tăng trưởng kinh tế giảm sút, năng suất thấp, màu xanh ít đi".

Đi sâu hơn về kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn độc lập cho biết, có 4 lý do phải lồng ghép nhiệm vụ chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ nhất là do Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại địa phương. Đến nay đã có nhiều bộ và địa phương đã có kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo ngành/địa phương.

Thứ hai, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, lồng ghép vào kế hoạch kinh tế - xã hội là cách tốt nhất để “địa phương hóa” các mục tiêu chiến lược.

Thứ ba, yêu cầu của Thủ tướng về việc phải lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch kinh tế - xã hội.

Cuối cùng, theo bà Dung là hiện nay còn rất ít các nội dung tăng trưởng xanh được phản ánh trong kế hoạch kinh tế - xã hội địa phương. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu.

Thiếu nguồn lực, tăng trưởng xanh chỉ mang tính hình thức

Hiện nay, mặc dù vấn đề tăng trưởng xanh là cấp thiết trong mục tiêu phát triển, nhưng nguồn lực được bố trí ở địa phương không nhiều.

Ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ, hiện chẳng có kinh phí nào cho tăng trưởng xanh, không có tài khóa quốc gia cho tăng trưởng xanh. Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhiều địa phương không quan tâm đến tăng trưởng xanh, một thước đo của nhiều nước phát triển về hiệu quả sử dụng nguồn lực cho tăng trưởng.

Đồng tình với nhận định của ông Hiếu, TS. Lê Viết Thái, chuyên gia của GIZ thẳng thắn, nếu không lồng ghép, thì tăng trưởng xanh chỉ mang tính hình thức.

“Mang tính hình thức bởi vì Quốc hội và HĐND không phê duyệt các kế hoạch này, khiến nguồn lực để đảm bảo cho việc thực hiện các kế hoạch đó là không ổn định”, ông Thái lý giải.
TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, nhận thức về lồng ghép hành động tăng trưởng xanh trong kế hoạch của các tỉnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo và thiếu kết hợp giữa các bên liên quan, thiếu nguồn lực triển khai, còn làm một cách hình thức, làm kiểu dự án…

Chỉ rõ rằng, Việt Nam đã có nhiều cam kết về tăng trưởng xanh, TS. Lê Đăng Doanh lo lắng rằng, thực tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phần về môi trường rất ít, sự quan tâm của chính quyền về môi trường rất ít.

Đã vậy, thể chế, bộ máy của chúng ta không phù hợp với tăng trưởng xanh, bô máy bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích.

“Sắp tới cần có một chiến lược tăng trưởng xanh mới, chuyển sang tái cơ cấu, để chúng ta thực sự là tăng trưởng xanh, cần tìm động lực để tăng trưởng xanh là gì?”, ông Doanh phát biểu.

Cần lồng ghép, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, thực hiện lồng ghép tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bao gồm 3 bước.

Bước 1 là rà soát các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển có liên quan: so sánh và nhận diện các điểm tương đồng hoặc các lỗ hổng, giữa các mục tiêu/chỉ tiêu/định hướng/giải pháp của các văn bản này với các mục tiêu/chỉ tiêu/định hướng/giải pháp của các văn bản này với các mục tiêu/chỉ tiêu/giải pháp trong chiến lược tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Bà Dung đánh giá, đây là bước mất nhiều thời gian nhất, khó khăn nhất. Bởi, nếu chiến lược tăng trưởng xanh rõ ràng bao nhiêu, thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lại càng khó hiểu, không rõ ràng, có sự nhầm lẫn giữa giải pháp với nhiệm vụ, mục tiêu.

Bước 2 xác định và mô tả các “lỗ hổng” chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội so với chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởn xanh; đề xuất các khuyến nghị về điều chỉnh/bổ sung kế hoạch.

Bước 3, theo bà Dung là công tác triển khai việc lồng ghép tăng trưởng xanh vào quá trình xây dựng, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch. Đây là quá trình tích hợp các khuyến nghị và những thông tin dữ liệu đã được thu thập ở 2 bước trên vào kế hoạch kinh tế - xã hội, kết nối các mục tiêu với các nguồn lực.
Tuy nhiên, bà Dung cũng lưu ý, việc lồng ghép không đơn thuần mang tính cơ hội, mà phải dựa trên tầm nhìn chiến lược của cả một thời kỳ phát triển, trong từng ngành, từng vùng; đánh giá mức độ tác động của từng mục tiêu, từ đó có những cơ chế chính sách cụ thể và tập trung nguồn lực cho việc thực hiện.

Bà Dung cũng cho biết, cần đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện, chú trọng đến tính đa mục tiêu, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, có sự tham gia của cộng đồng.

Mặc dù đánh giá là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách hiện nay, song bà Dung cũng như các chuyên gia tại hội thảo đều chung nhận định, biện pháp này chỉ mang tính chất chữa cháy tạm thời. Một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh cũng đã được đưa vào các kế hoạch của địa phương. Do đó, việc ban hành Sổ tay lồng ghép chỉ mang tính quá độ.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu khẳng định: “Công tác lồng ghép hiện chỉ mang tính chất quá độ. Thời gian tới, phải xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội theo hướng xanh”./.