Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo trình Chính phủ 2 mô hình quản lý DNNN. Với tiêu đề "Quản lý doanh nghiệp nhà nước: Đâu là mô hình hiệu quả?", bài viết đi vào phân tích tính khả thi của 2 mô hình này và đưa ra những lời giải để lựa chọn một mô hình phù hợp với Việt Nam.

Một trong những yếu kém trong quản lý đối với DNNN là do giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp này còn yếu kém, dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, ngày 25/6/2013 về Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Với bài viết "Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước: Quy chế mới liệu có sức sống mới?", tác giả Vũ Xuân Tiền sẽ cho chúng ta thấy những điểm mới trong Nghị định này và phân tích liệu những điểm mới đó đã đủ để khắc phục những lỗ hổng trước đây.

Cũng do sự giám sát kém, vốn nhà nước đã không biết "đi đâu, về đâu". Những sai phạm trong quản lý sử dụng vốn nhà nước của Tập đoàn VNPT được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 19/7/2013 là một trong những minh chứng rõ nhất. Tác giả Phùng Thế Hùng với bài "Giám sát vốn nhà nước: Nhìn từ sai phạm của VNPT" sẽ cho bạn đọc biết rõ hơn sai phạm của VNPT, từ đó có những kiến nghị để nâng cao chất lượng giám sát vốn nhà nước.

Tháng 9/2013 - thời hạn cuối cùng để các DNNN hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình Chính phủ đã đến. Thế nhưng, số DNNN “trễ hẹn” nộp đề án vẫn không ít. Tiến trình tái cơ cấu DNNN lại tiếp tục “câu giờ”, vậy đâu là những “điểm nghẽn” cần khơi thông? Tác giả Phùng Thị Phương Anh sẽ cho chúng ta câu trả lời qua bài viết "Những “điểm nghẽn” trong tiến trình tái cơ cấu DNNN".

Bên cạnh chủ đề doanh nghiệp nhà nước, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số này còn có nhiều bài viết về phát triển nhân lực, nhất là nhân lực nữ qua bài "Phát triển nguồn nhân lực nữ giai đoạn 2011 - 2020: Cơ hội và thách thức" của tác giả Nguyễn Thị Phương. Vấn đề giảm sút xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng được phân tích trong Tạp chí số này qua hai bài "Sụt giảm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hiện nay và những hệ lụy""Xuất khẩu nông sản Việt Nam: Vì sao bấp bênh?"./.