Nhiều doanh nghiệp vẫn “né” tiếp xúc với báo chí
Thực tế, vai trò của báo chí lớn, doanh nghiệp cần báo chí làm diễn đàn và ngược lại, báo chí cần thông tin từ doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ tương hỗ nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp cũng e ngại báo chí, và thậm chí không ít đơn vị “né” tiếp xúc với báo chí.
Ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho rằng rủi ro từ báo chí có khả năng làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
Nhận định về việc tác động của báo chí với doanh nghiệp, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn bày tỏ, báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tuy nhiên báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn. Ông Tuấn dẫn dụ, “một nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gần đây hỏi thẳng rằng ông có thấy kinh doanh ở Việt Nam đang rủi ro và đắt đỏ hơn vì… báo chí không”?
Trước câu hỏi đó, rõ ràng dưới con mắt của các nhà đầu tư, những vụ việc mà báo chí vội vàng đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến doanh nghiệp bị tổn hại, thậm chí có thể phá sản… Như vậy, rõ ràng rủi ro đến từ báo chí có khả năng làm tăng chi phí kinh doanh, và tất cả đều được tính toán là rủi ro và chi phí về đầu tư.
Trên cương vị của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng lý giải một phần nguyên nhân khiến người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí. Một trong những nguyên nhân chính là do người làm chính sách ngại ăn nói, có vấn đề trong công việc, đã từng dính “phốt” với báo chí hay nhìn gương báo chí đối xử với người khác. Chính vì vậy báo chí cần có cái nhìn khách quan, nên đặt mình vào vị trí người làm chính sách. Người làm chính sách cũng mong muốn báo chí phản ánh đúng sự thật, đừng cắt xén sự việc và cố tình giật tít sai bản chất.
Ở khía cạnh ngược lại, nhà báo mong muốn từ người làm chính sách có sự hợp tác, thân thiện, cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt, trừ những thông tin không được phép tiết lộ (thông tin bí mật nhà nước) để nhằm giúp nhà báo hiểu sâu về những vấn đề đang trao đổi.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thủy Chung, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam khẳng định tòa soạn nào cũng có chủ trương và ưu tiên đưa thông tin liên quan đến chính sách, đặc biệt những chính sách có ảnh hưởng lớn đến đối tượng độc giả của báo đó. Hiện tại, nguồn thông tin chính sách cho báo chủ yếu từ các cơ quan quản lý nhà nước thông qua họp báo, người phát ngôn, người chuyên trách, cổng thông tin điện tử, các nguồn tin riêng có uy tín của tòa soạn.
Chính vì vậy, để nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí, thì đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có bộ phận truyền thông được tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp. Thông tin cung cấp cho báo chí cần kịp thời và minh bạch, rõ ràng, có hệ thống, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền chính sách, phản hồi chính sách cả hai chiều.
Còn đối với các cơ quan báo chí, cần chú trọng nâng cao nghiệp vụ đối với phóng viên, tạo nhiều hoạt động ngoài trang báo như toạ đàm, giao lưu, hội thảo, hội nghị, những diễn đàn mở có tính đối thoại cao nhằm kết nối hiệu quả giữa chính sách và đời sống. Sáng tạo và ứng dụng các hình thức truyền thông chính sách hiện đại, hấp dẫn hơn, phù hợp với thị hiếu của bạn đọc hiện nay./.
Bình luận