Thịt heo chứa các chất cấm, chất tạo nạc

Tại cuộc họp ngày 28/9, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết qua kiểm tra ngẫu nhiên 9 mẫu thịt heo lưu thông trên thị trường đã phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm (thuộc nhóm Beta-agonist gồm Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterot). Ba mẫu thịt này có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, vào đầu năm 2015, kết quả giám sát mối nguy an toàn thực phẩm trong thịt heo do Viện Y tế công cộng TP HCM thực hiện cũng phát hiện có 4/15 mẫu thịt sống bị nhiễm chất tăng trọng Salbutamol.Trong 4 mẫu thịt chứa chất cấm, có một mẫu lấy tại một siêu thị lớn ở quận 8, các mẫu còn lại được lấy tại cửa hàng và điểm bán lẻ ở quận 2, 8 và Bình Thạnh. Điều này cho thấy xác suất người tiêu dùng ra chợ mua phải thịt heo chứa chất cấm không hề nhỏ.

Thực tế hiện nay, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giám sát, chưa có cơ sở để tạm giữ, xử lý nên phải cho tiêu thụ thịt trong quá trình giám sát.

Ảnh minh họa

Thịt heo tiêm thuốc ngủ

Tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ hiện rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ heo lậu. Mới đây, chỉ trong vòng một tháng qua, Chi cục Thú y TP HCM phát hiện 2 vụ tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ.

Việc tiêm thuốc an thần là để heo mệt mỏi, không kêu la trong quá trình vận chuyển, ngoài ra còn khiến thịt heo mềm, đẹp, các thớ thịt căng mọng, trong lượng nặng hơn, thương lái sẽ nhiều lợi nhuận hơn nên họ đã không từ thủ đoạn với lối kinh doanh này. Điều đáng sợ là thuốc an thần thường được lái buôn sử dụng là acepromazine, loại thuốc trước đây thường sử dụng cho con người nhằm trị giảm đau, căng thẳng, lo lắng...

Thịt ướp muối diêm, hàn the

Để giữ được miếng thịt để lâu bắt mắt, thương lái không ngần ngại đánh lừa người tiêu dùng bằng cách ướp muối diêm và hàn the để tạo màu cho thịt, làm thức ăn giòn hơn, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Miếng thịt sau khi ướp hàn the sẽ se lại, và có màu sắc đẹp như thịt mới vừa được mổ và có thể giữ tươi 3 ngày ở nhiệt độ thường. Nếu cho vào tủ lạnh, có thể giữ được cả tháng và bỏ ra rã đông, thịt vẫn tươi nguyên như mới. Nếu dùng dao xẻ bên trong, thịt có màu trắng hơn, không có mùi ôi. Khi dùng ngón tay ấn vào, thịt ứa ra nhiều nước trắng đục.

Ảnh minh họa

Tác hại nguy hiểm của thịt heo chứa chất cấm, không vệ sinh, an toàn

- Thịt heo chứa chất tạo nạc: Nếu ăn phải thịt heo chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó. “Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.

Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”, PGS Nguyễn Duy Thịnh cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo. Riêng về khả năng gây ung thư, chuyên gia này cho biết hiện nay chưa có công bố chính thức về điều này. Mặc dù vậy, chất tạo nạc vẫn là hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

- Trường hợp người sử dụng sản phẩm thịt có chứa tồn dư thuốc ngủ, thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt... và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.

- Đối với muối diêm, hàn the, các chất này được phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản thịt, ướp thịt nhưng với một lượng cho phép. Nhưng nếu lạm dụng và vượt quá ngưỡng cho phép khi vào cơ thể người, nó tham gia phản ứng khử ở dạ dày và đường ruột do tác dụng của các men tiêu hóa, gây phản ứng và tạo ra chất làm mất khả năng vận chuyển ô xy và một số phản ứng khác. Việc này kéo dài lâu, sẽ dẫn đến tử vong.

Người tiêu dùng sợ vẫn phải ăn

Thông tin thịt heo có chất cấm tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang nhưng vẫn phải ăn vì không có nhiều sự lựa chọn.

Chị Lê Thị Trinh (ngụ quận 12) cho biết nghe thông tin heo siêu nạc có chứa chất độc hại rất sợ nhưng không thể từ bỏ món ăn này. “Ra chợ thấy miếng thịt nào nạc dính da thì né, chỉ chọn loại có mỡ dày rồi về nhà lóc bỏ phần mỡ, chỉ ăn nạc vì sợ chất béo động vật không tốt cho sức khỏe, tính ra đắt hơn thịt nạc nhưng đỡ lo hơn”, chị Trinh chia sẻ kinh nghiệm.

Để trấn an người tiêu dùng, siêu thị Lotte Mart (quận 7) đã phải dán kết quả xét nghiệm thịt heo âm tính với 2 chất cấm phổ biến là Salbutamol và Clenbuterot. Còn lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết nhờ kiểm soát chặt đầu vào thịt heo và người tiêu dùng tin tưởng nên sản lượng tiêu thụ thời gian qua vẫn ổn định, không ảnh hưởng bởi thông tin heo siêu nạc.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, heo tạo nạc là vấn đề nhức nhối nhưng người tiêu dùng sẽ khó đòi được bồi thường nếu xảy ra vấn đề về sức khỏe vì không thể chứng minh được. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra từ gốc để bảo đảm sức khỏe cho người dân và nhanh chóng đưa ra các chế tài để bịt lỗ hổng về mặt pháp lý.

Ảnh minh họa

Cẩn trọng và tự bảo vệ mình

Đứng trước tình hình đó, người tiêu dùng chỉ còn cách cẩn trọng và tự bảo vệ mình bằng cách tỉnh táo lựa chọn mua thịt. Tốt nhất nên mua thịt heo ở những địa chỉ uy tín, an toàn.

Để tránh mua phải thịt heo tiêm thuốc ngủ, ướp hóa chất, người tiêu dùng cần nắm chắc một số đặc điểm sau:

- Thịt heo sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt heo đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.

- Thịt heo tươi ngon phải có lớp mỡ sáng bóng, khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Cắt miếng thịt ra, bên trong không có màu trắng đục.

- Khi chế biến thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.

- Người tiêu dùng cũng nên mua thịt heo ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng.

Tham khảo:

http://giadinh.net.vn/song-khoe/tac-hai-dang-so-cua-thit-lon-ban-nhieu-nguoi-van-an-hang-ngay-20150805160819785.htm

http://news.zing.vn/Tac-hai-nguy-hiem-cua-chat-tao-nac-phat-hien-trong-thit-lon-post571016.html

http://www.nguoitieudung.com.vn/thit-doc-de-doa-mam-com-nguoi-tieu-dung-d35564.html