Theo bà Somhatai Panichewa, thành phố thông minh là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị. Đây là mục tiêu được nhiều nước đặt ra, trong bối cảnh của làn sóng công nghệ 4.0. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

“Thành phố thông minh sẽ bao gồm 10 dự án thông minh: năng lượng thông minh; di chuyển thông minh; cộng đồng thông minh; môi trường thông minh; giáo dục thông minh; sản xuất chế tạo thông minh; thành phố không gian vũ trụ thông minh; sáng tạo thông minh; kinh tế thông minh và quản trị thông minh”, bà Somhatai Panichewa cho biết.

Cùng với đó, sự phát triển các thành phố thông minh sẽ được làm theo kế hoạch 5 năm thông qua việc thiết lập các liên doanh mới giữa các đối tác Thái Lan và quốc tế, bao gồm cả việc hợp tác với các cơ quan chính phủ khác nhằm phát triển mô hình thành phố thông minh, như: thành phố Yokohama của Nhật Bản, Incheon của Hàn Quốc hay Saab AB của Thụy Điển.

Bà Somhatai Panichewa cho biết, hiện nay Tập đoàn AMATA đang chú trọng xây dựng dự án thành phố thông minh tại một số nước, như: Myanma, Thái Lan, Việt Nam... Trong đó, dự án thành phố thông minh tại Việt Nam sẽ có tổng diện tích khoảng 100km2 tại 2 khu vực là thành phố Biên Hòa, với tổng vốn đầu tư hơn 2,66 tỷ USD, tạo nêm 49.000 việc làm.

Trong khi đó, dự án tại Long Thành, với tổng diện tích 1.270ha. Dự án là sự kết hợp của các hoạt động công nghiệp và đô thị, trong đó 33% không gian giành cho phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, còn lại 67% dành để phát triển đô thị.

Trong kế hoạch của mình, AMATA tiếp tục mở rộng đầu tư vào miền Bắc của Việt Nam là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hiện dự án đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư từ Chính phủ để phát triển giai đoạn đầu tiên với 714ha.

Theo Lãnh đạo AMATA Việt Nam, dự án AMATA City Hạ Long sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các dự án công nghệ cao, nhất là mảng điện tử đang phát triển. Ngoài ra, chủ đầu tư còn hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hậu cần, các trung tâm triển lãm, và các phòng thí nghiệm khoa học.

“Các dự án bất động sản công nghiệp – các thành phố thông minh của AMATA ở Thái Lan và Việt Nam hiện có 1.300 doanh nghiệp và nhiều thương hiệu uy tín trong danh sách Fortune 500 toàn cầu từ hơn 30 quốc gia đến đầu tư đặt nhà máy và trụ sở. Các thành phố thông minh này cũng tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động và tổng doanh thu của các nhà đầu tư ở các thành phố thông minh này lên tới 40 tỷ USD”, bà Somhatai Panichewa cho biết./.