Đại biểu yêu cầu "siết" quản lý thu - chi ngân sách

07:03 | 29/05/2015 Print
- Mặc dù cơ bản thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về các vấn đề thu - chi ngân sách nhà nước, song các đại biểu cho rằng, con số bội chi 6,6% vượt rất xa so với Nghị quyết của Quốc hội, cần phải được xem xét đánh giá kỹ.

Chiều 28/5/2015, trong phiên thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, bội chi ngân sách là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Bội chi tăng cao

Mặc dù cơ bản thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về các vấn đề thu - chi ngân sách nhà nước, song các đại biểu cho rằng, con số bội chi 6,6% vượt rất xa so với Nghị quyết của Quốc hội, cần phải được xem xét đánh giá kỹ.

Trước đó, tại khai mạc Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh (không kể thu từ dầu thô và thu về nhà, đất) là 499.793 tỷ đồng, nhưng quyết toán là 513.090 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng thu ngân sách, tăng 2,7% (13.297 tỷ đồng) so với dự toán.

Số tăng thu chủ yếu nhờ thu 29.100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo Nghị quyết số 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội.

Thế nhưng, chi cho giáo dục, công nghệ lại không đạt dự toán

Về vấn đề chi trong ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) có băn khoăn về việc chi ngân sách, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là những khoản chi quan trọng, lại không đạt dự toán, trong khi chi đầu tư phát triển, thì vượt dự toán 55,2%.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, thì chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề có dự toán 164.401 tỷ đồng, nhưng quyết toán chỉ đạt 94,6%; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 85,3% dự toán.

“Điều này làm hạn chế tính chủ động trong quản lý điều hành ngân sách và làm ảnh hưởng đến giá trị của dự toán Quốc hội đã quyết định, cần phải rút kinh nghiệm”, đại biểu Kiên nói.

Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt tình trạng điều chỉnh phân bổ sử dụng kế hoạch vốn trong năm không thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh là không chấp hành đúng chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước, không coi trọng cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đại biểu này đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của những người đã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để rút kinh nghiệm cho những trường hợp sau, rút kinh nghiệm cho những năm sau.

Cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ

Nhiều đại biểu đánh giá, tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, kế hoạch thu, chi đều chưa sát với thực tiễn.

Vì thế, các đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng bội chi ngân sách tăng quá cao so với mức cho phép và tránh lặp lại ở những năm sau.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất, phải áp dụng một chính sách quyết liệt, dự toán đã phân bổ rồi, thì trừ những trường hợp đặc biệt như chiến tranh bão lũ, còn lại thì kiên quyết không tăng ngân sách ở bất kỳ ngành nào, địa phương nào.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Nam, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên thì cho rằng, trong vấn đề bội chi cần chú ý kỷ luật tài chính; đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, công khai minh bạch hơn nữa về quản lý ngân sách nhà nước.

Còn đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) vẫn giữ quan điểm từ các kỳ họp trước, ông cho rằng, mấu chốt vấn đề là do sự nhập nhằng giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

“Tồn tại cơ chế của nước ta là ngân sách nhà nước lồng ghép (ngân sách Trung ương, địa phương), mấu chốt là ngân sách nhà nước mà không làm rõ như nào là ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; chúng ta cần xây dựng kỷ cương ngân sách để thực hiện cơ chế ngân sách vượt thu mới được thì vượt chi và phải được Quốc hội thông qua tài khóa; quy trình lập ngân sách rất quan trọng, không để chi rồi mới tính làm sao quy trình từ khi lập đến chuẩn chi ở hai bộ phận ước chi để đến khi cơ quan thẩm quyền duyệt chi, chỉ trong phạm vi chuẩn chi mới được chi; cơ chế giám sát, trách nhiệm của các cơ quan liên quân theo phân cấp, Uỷ ban Tài chính ngân sách là cơ quan tham mưu phải giám sát từ quy trình lập ngân sách cho đến chi”, TS. Trần Du Lịch chỉ rõ.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu yêu cầu sửa Luật Ngân sách Nhà nước trong Kỳ họp này phải đáp ứng được tinh thần kỷ luật ngân sách, đảm bảo thu chi đầy đủ, kịp thời, không để ảnh hưởng tới an toàn nợ công./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư