e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

“Vênh” số liệu GDP cả nước và địa phương: Đã có thuốc chữa

13:42 | 23/05/2015 Print
- Từ năm 2017, sẽ không còn tồn tại hiện trạng,tổng sản phẩm nội địa các tỉnh thành năm nào cũng tăng 10%-14%, trong khi GDP cả nước chỉ tăng 5%-7%.

Với việc Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều chuyên gia coi như thuốc chữa bệnh thành tích trong thống kê tổng sản phẩm trên địa bàn (Gross Regional Domestic Product - GRDP) đã được “kê”.

Bệnh tồn tại đã nhiều năm

GRDP là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng, miền, địa phương, bảo đảm cân đối chung cả nước.

Thế nhưng, trong một thời gian rất dài, tại Việt Nam, tổng hợp kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, bình quân giản đơn tốc độ tăng GDP theo nghị quyết hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2011 là 12,9%, còn số liệu thực hiện cơ quan thống kê tính là 11,51%, trong khi tăng trưởng cả nước là 5,89% (giá so sánh 1994).

Để làm rõ thực hư của tình trạng này, năm 2013, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để cùng với các cục thống kê rà soát, kiểm tra, tính toán lại số liệu GRDP của năm 2011 của các địa phương này.

Kết quả là, GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn từ 2 - 5,5% so với số liệu đã báo cáo. Hầu hết các ngành, lĩnh vực tính tốc độ tăng GRDP cao hơn thực tế; rất ít ngành, lĩnh vực tính thấp hơn.

Do bệnh thành tích?

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này được người đứng đầu Tổng cục Thống kê thẳng thắn chỉ rõ là, do bệnh “thành tích” của lãnh đạo địa phương.

Nhớ lại tại một cuộc họp báo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi đó còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) đã chia sẻ: “Tôi cũng đã làm ở địa phương. Tâm lý ở địa phương, bệnh thành tích hơi nặng”.

Đúng như vậy, thực tế, hầu hết nghị quyết đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng GRDP của tỉnh khá cao so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của toàn quốc do Đại hội Đảng toàn quốc thông qua. Và, để đạt được cơ cấu ngành, khu vực theo nghị quyết đại hội đảng, cơ quan số liệu địa phương đã tùy tiện điều chỉnh số liệu theo giá hiện hành.

Bên cạnh đó, để đánh giá tình hình phát triển kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường so sánh tốc độ tăng trưởng với các địa phương khác trong cùng một vùng hoặc giữa các thành phố trực thuộc Trung ương với nhau. Vì thế, khi địa phương mình bị tính thấp hơn các tỉnh bạn là… cơ quan số liệu lại bị yêu cầu tính tăng cao lên.

Đã vậy, với cách thức tính như cũ, việc tính trùng chỉ tiêu tăng trưởng giữa các tỉnh, thành phố là có. Đơn cử như một số địa phương có cửa khẩu lớn, mỗi năm xuất khẩu qua cửa khẩu này từ 3-5 tỷ USD, thế nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải do địa phương này làm ra mà do các địa phương lân cận, nhưng họ vẫn tính vào giá trị xuất nhập khẩu của mình.

“Như vậy là tính trùng, từ đó tạo nên tăng trưởng ảo. Và các địa phương cứ thế đua nhau chạy theo con số tăng trưởng ảo rồi đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ, rồi phấn đấu đủ thứ chuyện... như thế là không đúng. Trong khi quốc tế người ta nhìn mình rất lạ”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nêu vấn đề như vậy tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2014, tại Đà Nẵng.

Kết thúc thời kỳ GDP “địa phương”

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra Quyết định phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và đưa vào áp dụng quy trình biên soạn GRDP trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta.

Theo Đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Đề án cũng sẽ xây dựng và chuẩn hóa đồng bộ hệ thống thông tin thống kê phục vụ biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, hệ thống thông tin thống kê gồm 3 bộ phận cấu thành: Thông tin thống kê đầu vào; thông tin thống kê trung gian như hệ số chi phí trung gian, hệ thống giá và chỉ số giá; thông tin về kết quả đầu ra.

Phương pháp và kỳ biên soạn các chỉ tiêu là những vấn đề cốt lõi trong nội dung đổi mới quy trình biên soạn GRDP. Số liệu GRDP sẽ được biên soạn theo phương pháp sản xuất với các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng giá trị GRDP theo giá hiện hành và giá so sánh; cơ cấu giá trị tăng thêm theo giá hiện hành; tốc độ tăng GRDP theo giá so sánh.

Về kỳ biên soạn và thời gian công bố GRDP, số liệu GRDP ước tính 6 tháng theo ngành kinh tế cấp I được công bố và phổ biến vào ngày 30/5 hàng năm; Số liệu GRDP sơ bộ 6 tháng và ước tính cả năm theo ngành cấp I công bố và phổ biến vào ngày 30/11 hàng năm; Số liệu GRDP sơ bộ cả năm theo ngành cấp I công bố và phổ biến vào 30/3 năm kế tiếp; Số liệu GRDP chính thức cả năm theo ngành kinh tế cấp II và thành phần kinh tế (Nhà nước, ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) công bố và phổ biến vào ngày 30/11 năm kế tiếp.

Để các địa phương có thời gian chuẩn bị, Thủ tướng Chính phủ cho phép, năm 2015, các địa phương tiếp tục tính toán, công bố và sử dụng số liệu GRDP theo quy trình hiện hành để đảm bảo tính thống nhất với các năm trước trong việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua.

Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn và công bố số liệu GRDP.

Từ năm 2017 trở đi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) biên soạn và công bố số liệu GRDP; các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

Như vậy, căn bệnh thành tích trong tính toán chỉ tiêu tăng trưởng địa phương đã có thuốc chữa. Việc công bố và tính toán số liệu GRDP và GDP đã thống nhất về một đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), niềm đau đáu, “món nợ” của ngành thống kê, mà nhiều chuyên gia đề cập đến đã được giải tỏa.

Có thể thấy, đây là một bước quyết định rất quan trọng. Bởi, nếu cứ để các địa phương tự tính toán rồi công bố theo hướng không chính xác sẽ dẫn đến nhiều quyết sách phát triển kinh tế của địa phương bị tính toán sai.

Và, hơn hết Quyết định này cũng thống nhất với yêu cầu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra tại Hội nghị ngành toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 07/8/2014 tại Đà Nẵng là: “Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật!”./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư