e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Nếu Hy Lạp rời Eurozone: Điều gì sẽ xảy ra?

15:32 | 22/06/2015 Print
- Thị trường toàn cầu đang dõi theo các diễn biến của khủng hoảng nợ Hy Lạp và lo ngại xảy ra “Grexit” sẽ gây biến động lớn trong khối Eurozone, khiến đồng Euro chao đảo, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các lãnh đạo từ các quốc gia khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ được nhóm tại Brussels vào hôm nay, thứ Hai, 22/06/2015, sau khi các cuộc đàm phán hôm thứ Năm tuần trước thất bại, nhằm cứu vãn khủng hoảng nợ Hy Lạp đang bế tắc.

Người dân Hy Lạp đang 'rút tiền mặt và tín dụng từ các ngân hàng trong cả nước

Hy Lạp đang phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế. Nếu không, Hy Lạp có thể phải tuyên bố phá sản hoặc phải rời khỏi khối Eurozone.

Grexit là một từ ghép, xuất hiện từ năm 2012 trong một bài bình luận của 2 nhà kinh tế trưởng của CitiGroup, ghép từ “Greek” và “exit” (hay Greek Euro exit), để chỉ việc Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi khối Eurozone.

Thị trường toàn cầu đang dõi theo các diễn biến của khủng hoảng nợ Hy Lạp và lo ngại xảy ra “Grexit” sẽ gây biến động lớn trong khối Eurozone, khiến đồng Euro chao đảo, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bối cảnh chung

Ngày 30/06/2015 là thời hạn cuối cùng để Hy Lạp thanh toán khoản vay 1,6 tỷ Euro hay 1,8 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các khoản thanh toán lớn hơn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng Bảy.

Hy Lạp ngày càng tiến gần đến khả năng rời khỏi Eurozone khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính kết thúc mà không đi đến được thỏa thuận nào, khiến các nhà lãnh đạo phải kêu gọi cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp vào tối nay, giờ Việt Nam.

Hôm thứ Sáu, ECB đã họp khẩn cấp riêng để bàn luận về vấn đề thanh khoản của Hy Lạp và đã phê duyệt thêm trợ giúp khẩn cấp cho các ngân hàng. Số tiền tài trợ thêm đã không được chính thức tiết lộ.

Theo Hãng tin Reuters, người dân Hy Lạp đang âm thầm rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng với số tiền lên tới 4,2 tỷ Euro trong tuần qua, một lượng tiền tương đương khoảng 3% tổng mức tín dụng gia đình và tiền gửi công ty tại các ngân hàng Hy Lạp vào cuối tháng Tư.

Trong khi đó, Nga nói sẽ xem xét cấp một khoản vay cho Hy Lạp nếu được yêu cầu.

Ủy ban châu Âu, IMF và ECB không sẵn sàng để mở các gói tài chính cứu trợ khẩn cấp cho đến khi Hy Lạp đồng ý với các cải cách.

Các định chế trên muốn Hy Lạp thực hiện một loạt cải tổ kinh tế ở các khu vực, như: lương hưu, thuế giá trị gia tăng, thặng dư ngân sách trước khi đưa ra các khoản tài chính trị giá 7,2 tỷ Euro, vốn bị trì hoãn kể từ tháng Hai.

Hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã họp nội các cả ngày và buổi tối đã trình bày với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel về các đề nghị của Hy Lạp nhằm đạt được một thoả thuận cùng có lợi, không chỉ đưa ra các giải pháp lâu dài mà còn có thể giải quyết các vấn đề hiện tại.

Tuy nhiên, một quan chức của Liên minh châu Âu cho biết, các chủ nợ vẫn đợi Hy Lạp vào ngày thứ Hai, trong cuộc họp thượng đỉnh để xem xét Hy Lạp có thực sự tạo ra các bước đột phá hay không? Trong thời gian gần đây, các chủ nợ quốc tế không đồng ý với các phản ứng chậm chạp và mơ hồ của Chính phủ Hy Lạp trong việc giải quyết nợ.

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu hôm 15/06 rằng : "Cần làm mọi cách để Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng Euro".

Người dân Hy Lạp tiến hành phản đối Chính phủ bên ngoài nghị viện tại Athens vào hôm 18/6, đồng thời ủng hộ việc nước này ở lại Eurozone kêu gọi, giải cứu đất nước khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Khi được hỏi về việc liệu có thể tưởng tượng được ra viễn cảnh Hy Lạp bị ép rời khỏi Eurozone hay không, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Jeroen Dijsselbloem trả lời: “Với tình hình hiện tại, thì chúng tôi đang hướng đến con đường đó”.

Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong một bài phỏng vấn do hãng tin BBC thực hiện hồi đầu năm 2015 lại có quan điểm ngược lại, khi phát biểu: "Cuộc khủng hoảng nợ nần này, nói cho rõ ràng, tôi thấy không có cách nào tốt hơn bằng cách Hy Lạp rời khỏi Eurozone".

Ông cho rằng, Hy Lạp ở lại Eurozone sẽ giúp ích gì cho mình và cho các nước còn lại của khối này và “vấn đề bây giờ chỉ là, khi nào, thì tất cả nhận ra rằng, chia tay là chiến lược tốt nhất".

Khả năng Hy Lạp rời Eurozone

Sau cuộc bầu cử Hy Lạp ngày 25/1/2015, với chiến thắng của Đảng Syriza và thủ lĩnh đảng Alexis Tsipras lên làm Thủ tướng Hy Lạp. Ông cam kết sẽ giảm một nửa số nợ của Hy Lạp, sẵn sàng đàm phán về “một giải pháp khả thi” và mong muốn đất nước ở lại EU.

Điều đó cho thấy, dù không ủng hộ chính sách kinh tế hà khắc của EU, song ông Tsipras không muốn Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, ngược lại cam kết sẽ cố gắng giữ Hy Lạp ở lại liên minh tiền tệ này. Tuy nhiên cho đến hiện tại, sau nhiều tháng đàm phán, Hy Lạp và các chủ nợ vẫn chưa đi đến thống nhất để giải ngân gói cứu trợ. Trong khi các chủ nợ đang dần mất kiên nhẫn thì Hy Lạp vẫn không chịu nhượng bộ cắt giảm lương hưu. Có vẻ quốc gia này cũng đang dần muốn thoát khỏi khu vực Eurozone (?!)

Trên nguyên tắc thì không có luật lệ nào quy định về việc "đuổi" Hy Lạp ra khỏi Eurozone, cũng như việc Hy Lạp chính thức tuyên bố ra khỏi khu vực nàỳ. Tuy nhiên, kể từ khi Đảng Syriza thắng cử, nhiều nhà phân tích cho rằng, EU sẽ xem xét khai trừ Hy Lạp ra khỏi Eurozone.

Các điểm bất đồng giữa Hy Lạp, IMF và EU vẫn xoay quanh vấn đề cải cách thuế giá trị gia tăng, lương hưu và chỉ tiêu thặng dư ngân sách trong năm nay và năm sau.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát ý kiến do Đài truyền hình Mega của Hy Lạp cho thấy, hơn hai phần ba người dân nước này tin rằng, Chính phủ sẽ phải nhân nhượng, trong khi chỉ 19,4% tin rằng các chủ nợ sẽ tiếp tục thỏa hiệp.

Valdis Dombrovksis, Ủy viên châu Âu về đồng tiền Euro, nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng, đã có "một tín hiệu mạnh mẽ" từ Eurozone với Hy Lạp "rằng đây là thời điểm cuối cùng để cam kết nghiêm túc trong các cuộc đàm phán".

Thủ tướng Đức Angela Merkel bình luận : “Một hội nghị thượng đỉnh chỉ có thể trở thành một thượng đỉnh của các quyết định nếu có một cơ sở để ra quyết định. Tùy vào ba định chế đánh giá điều này, và đến nay chúng tôi vẫn không có sự đánh giá đó”.

Và, những hệ lụy có thể xảy ra với kinh tế toàn cầu

Còn quá sớm để có một kết luận chính xác về ảnh hưởng của Grexil và hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về những hệ luỵ xảy ra khi Hy Lạp sử dụng đồng tiền riêng trở lại và ra khỏi cộng đồng chung châu Âu.

Một số hệ luỵ quan trọng mà giới chuyên gia đưa ra như sau :

Sự tháo chạy khỏi đồng Euro và dịch chuyển các dòng vốn đầu tư tại Châu Âu

Grexit sẽ gây ra hiện tượng tháo chạy của dòng vốn ra khỏi châu Âu. Đồng Euro sẽ nhanh chóng bị mất giá nếu xảy ra Grexit. Giới đầu tư lo ngại bất ổn sẽ rút vốn khỏi khu vực này để đầu tư vào các tài sản an toàn khác, trong đó vàng sẽ là kênh đầu tư an toàn được lựa chọn.

Giới đầu tư có thể chuyển sang các đồng tiền mạnh khác như đồng USD, Yên Nhật và Bảng Anh hay đồng tiền của Hồng Kông, Đan Mạch.

Dòng vốn đầu tư tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cũng sẽ bị rút ra để tránh tổn thất. Cổ phiếu các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể sẽ mất giá nhanh chóng nếu các nhà đầu tư hoang mang, rút vốn chuyển sang đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh, như: Đức và Phần Lan.

Dòng tiền cũng sẽ chảy về Mỹ khi giới đầu tư đổ tiền vào các loại tài sản an toàn như tín phiếu kho bạc Mỹ gây càng khó khăn hơn cho FED trong việc nâng lãi suất cơ bản. FED đã và đang theo dõi sát sao diễn biến khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng vì lý do đó.

Bất ổn địa chính trị tại châu Âu

Không chỉ đẩy giá đồng Euro xuống sâu, mà việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone còn dẫn đến những bất ổn về chính trị trong nội bộ khu vực và cả Liên minh.

Tư tưởng chống "thắt lưng, buộc bụng", thậm chí làn sóng đòi ly khai ở Tây Ban Nha đang trở lên ngày càng nghiêm trọng. Năm 2010, các ngân hàng của Đức và Pháp đã cho Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen… vay tổng cộng 493 tỷ USD.

Nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone, thì Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia (những quốc gia châu Âu cũng đang gặp khủng hoảng nợ công) đều có khả năng sẽ theo chân Hy Lạp. Và, vòng tuần hoàn “vỡ nợ - khai trừ” sẽ dẫn đến sự sụp đổ, tan rã nhanh chóng của Eurozone cũng như EU sẽ khởi phát.

Bên cạnh đó, những căng thẳng leo thang từ cuộc xung đột Ukraine có nguy cơ gây bất ổn cho các bộ phận khác của châu lục. Việc đẩy Hy Lạp vào môi trường quốc tế không ổn định như vậy sẽ khiến cả khu vực suy yếu, thiếu đoàn kết và dễ bị tổn thương.

Nhiều khả năng Grexit sẽ gây ra một khủng hoảng kinh tế - chính trị cục bộ tại châu Âu và xa hơn nữa là một khủng hoảng toàn cầu.

Khoảng 5.000 người đã tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ ở trung tâm Athens đêm hôm qua. Trong khi đó, thứ Năm tuần trước, một cuộc biểu tình mạnh mẽ đã được tổ chức bởi những người ủng hộ một thỏa thuận với EU. Các lực lượng Pro - EU sẽ tập hợp lại tối thứ hai bên ngoài Quốc hội.

Syriza và các nhóm chính trị cánh tả tương tự đã được tổ chức "đoàn kết với Hy Lạp" cuộc biểu tình trên khắp châu Âu vào cuối tuần, hoặc tham gia các cuộc biểu tình liên quan như một cuộc diễu hành chống" thắt lưng, buộc bụng" ở Vương quốc Anh vào ngày thứ Bảy.

Hy Lạp phải đối mặt khủng hoảng

Chính phủ Hy Lạp sẽ không còn đồng Euro chi tiêu trong bối cảnh nợ công ở mức kỷ lục và khó có thể vay tiền, hoặc nhận trợ cấp từ bất kỳ quốc gia nào. Cho dù Nga đang có ngỏ ý cho Hy Lạp vay tiền, nhưng có lẽ đàm phán với Nga cũng không hề dễ dàng.

Chính phủ Hy Lạp và sẽ buộc phải duy trì các khoản trợ cấp an sinh xã hội và trả lương cho nhân viên nhà nước bằng IOU (viết tắt của “I Owe You”, một dạng chứng từ vay nợ mà không có thời hạn trả) cho đến khi một loại nội tệ mới được in ra lưu thông hay quay lại sử dụng đồng nội tệ Drachma.

Nhiều tỷ Euro tiền gửi của các chủ tài khoản cá nhân và doanh nghiệp đã bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp. Người dân cũng có tâm lý đổ xô đi rút sạch tiền tiết kiệm trước khi bị đóng băng rồi đem đổi lấy đồng nội tệ mới, mặc dù biết giá trị tiền dành dụm của mình sẽ bị giảm đi rất nhiều. Điều này sẽ gây ra hiện tượng mất thanh khoản hệ thống ngân hàng, dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng của người dân Hy Lạp có thể khiến những người đang gửi tiền tiết kiệm tại Tây Ban Nha và Ý chuyển tiền của họ sang những nơi an toàn hơn, ví dụ như ngân hàng Đức. Điều này sẽ gây ra một cơn khủng hoảng ngân hàng tại khu vực Nam Âu và có thể sẽ lan ra toàn cầu. Khi đó, nhiều khả năng, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải hành động để giải cứu các hệ thống ngân hàng các nước, tránh tình trạng trên xảy ra.

Chính phủ Hy Lạp sẽ phải sử dụng lại đồng nội tệ Drachma và khi đó, đồng tiền này sẽ bị mất giá rất nhiều so với đồng Euro, nên Chính phủ Hy Lạp sẽ phải tích cực in tiền, nởi lỏng tiền tệ phát triển kinh tế để có thể trả nợ. Khi đó lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là lương thực và thuốc men sẽ tăng gấp 3-4 lần, mức sống của người dân sẽ giảm xuống.

Bất ổn kinh tế, địa chính trị gia tăng sẽ khiến ngành du lịch Hy Lạp, vốn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất nước này có thể sẽ bị tê liệt, khiến kinh tế Hy Lạp rơi vào vòng luẩn quẩn.

Grexit - Nên hay không nên?

Dù thế giới đã nhắc đến cụm từ “Grexit” từ lâu, tuy nhiên nếu điều này thực sự xảy ra, thì sẽ không khỏi gây ra chấn động lớn. Có lẽ giải pháp tốt nhất hiện nay là Hy Lạp và các chủ nợ cùng nhau nhượng bộ, đi đến thỏa thuận và tiếp tục cùng nhau xây dựng một liên minh tiền tệ Eurozone phát triển và đoàn kết.

Tuy nhiên, những hệ luỵ được dự báo ở trên cũng chỉ là dự báo. Điều gì cũng có thể xảy ra và thực tế nhiều khi hay đi ngược lại dự báo./.

Trần Hoàng Dũng (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư