"Bức tranh kinh tế nhìn bề ngoài có vẻ tốt, nhưng…"

23:42 | 29/07/2015 Print
- Tại Tọa đàm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2015: chuyển biến, cơ hội và chính sách” diễn ra ngày 29/7, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ướng (CIEM) cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn bề ngoài có thể tốt, nhưng nhìn sâu hơn, dài hơn lại thấy có vấn đề.

Quý III/2015: Cửa “sáng” cho triển vọng kinh tế vĩ mô

Đánh giá về bức tranh kinh tế vĩ mô quý II/2015, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn với phục hồi ở cả đầu tư và chi tiêu dùng, song tiềm năng tăng trưởng chậm được cải thiện.

Công nghiệp và xây dựng là điểm sáng chính của nền kinh tế cả nước với mức tăng trưởng nhanh, đạt 9,1% trong 6 tháng đầu 2015, sản xuất và đơn hàng tăng vững chắc; lạm phát ổn định ở mức thấp với CPI tăng 0.65% trong quý II.

Lãi suất nhìn chung ổn định, nhưng khó giảm thêm; tín dụng tăng đều hơn trong 6 tháng đầu 2015…

Đặc biệt, liên quan tới đầu tư nước ngoài (FDI), TS Nguyễn Đình Cung cho biết, vốn thực hiện FDI tăng nhưng vốn đăng ký lại giảm.

Cụ thể: Quý IV/2014, vốn đăng ký đạt 9 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 3,5 tỷ USD; sang quý I/2015, vốn đăng ký chỉ đạt 1,8 tỷ USD, vốn thực hiện 3,1 tỷ USD; trong quý II/2015, vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 3,3 tỷ USD…

Đánh giá về tình hình nợ xấu, TS. Cung dí dỏm: “Đây là vấn đề khó nói”! Bởi, theo ông, mục tiêu chính trị giảm nợ xấu xuống 3%, thì thế nào cũng làm được. Vì thế, ông quan tâm đến bản chất của nợ xấu hơn là các con số.

“Nợ xấu, đó là sự quan tâm của giới hoạch định chính sách. Bản chất nợ xấu đang được xử lý ra sao, đằng sau những con số còn những vấn đề gì và những tác động của nó đến nền kinh tế về trung và dài hạn ra sao? Do công tác xử lý nợ xấu thời gian qua vẫn bị hạn chế bởi nguồn lực, tài lực, pháp lực khiến cho kết quả là chưa rõ ràng”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

Về vấn đề tỷ giá, theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc điều chỉnh tăng tỷ giá là cần thiết, song không đủ để ổn định thị trường, do đó Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 200 triệu USD để tăng cung.

Cuối tháng Năm, sau khi Ngân hàng Nhà nước có một loạt động thái về điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD, thị trường đã dần ổn định.

Trên cơ sở đó, TS. Cung cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm dư địa điều hành tỷ giá còn rất nhiều.

Nhìn chung, dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô quý III/2015 khá sáng sủa, với tăng trưởng GDP ước đạt 6,42% so với cùng kỳ 2014, lạm phát đạt 0,92% so với cuối quý I/2015, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,6% so với cùng kỳ 2014.

Năm 2015, dự báo khả năng đạt một số mục tiêu kinh tế , cụ thể: Khả năng cao đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, CPI tăng tối đa 5% và đầu tư/GDP (30-32%), khả năng khá sẽ tăng trưởng xuất khẩu (ít nhất 10%), nhập siêu (5% xuất khẩu)...

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ướng (CIEM) chủ trì buổi Tạo đàm

…nhưng, về dài hạn thì lại thấy nhiều vấn đề

Lý giải cho lo lắng này, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, nền kinh tế muốn phát triển dài hạn dựa vào năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Song, cả hai điều kiện đó chúng ta đều yếu.

Cụ thể, năng suất lao động đang có xu hướng đi xuống, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn nhiều vấn đề tồn tại.

“Năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ 1990 - 2000 chủ yếu là tăng năng suất lao động nội ngành. Còn từ năm 2000 trở lại đây, năng suất nội ngành giảm, năng suất tăng chủ yếu do phân bố lại, cơ cấu lại nguồn lực”, TS. Cung phân tích.

Bản thân người lao động không có gì thay đổi mà chỉ chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp nên năng suất tăng lên. Không phải do kỹ năng tăng lên hay áp dụng khoa học, công nghệ.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng đang rất kém.

“Lẽ thường, vốn chảy sang nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn, nhưng nước ta lại đang có xu hướng ngược lại”, ông Cung băn khoăn.

TS. Cung cho biết, nguồn vốn ở Việt Nam hầu hết đang đổ vào những ngành có năng suất lao động thấp, thậm chí âm, như: ngân hàng, tài chính, bất động sản...

Một nghịch lý khác, vốn ở những doanh nghiệp có quy mô lớn, thì hiệu quả sử dụng vốn lại càng thấp.

“Đáng lẽ doanh nghiệp có quy mô lớn, thì cái quy mô phải được tận dụng, có nguồn lực để đổi mới công nghệ, thì vốn của chúng ta ở những doanh nghiệp này lại có hiệu quả sử dụng thấp”, ông Cung cho biết.

Hãy để thị trường tự điều tiêt

Về nguồn gốc sâu xa của các tồn tại trên được người đứng đầu CIEM thẳng thắn, là bởi vai trò của nhà nước không còn phù hợp, cách thức vận hành, quản lý; công cụ quản lý, tổ chức quản lý, năng lực quản lý không còn phù hợp.

“Phải xem xét và xử lý các yếu tố này,thì mới thực sự có cải cách. Đó chính là cái khó của cải cách”, TS. Cung chia sẻ.

Là người chắp bút cho đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung tái khẳng định, tái cơ cấu kinh tế là phân bố lại nguồn lực, không phải Nhà nước phân bố, không phải là công chức phân bố, mà là để thị trường phân bố nguồn lực.

Đồng tình với quan điểm của nhóm nghiên cứu, PGS,TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh: “Phải chấp nhận trả giá. Dù hò hét tái cơ cấu, mà không chấp nhận trả giá, thì làm sao tái cơ cấu được. Và khi không dám làm những chuyện phi thường, thì không thể có kết quả phi thường”.

Ở góc độ cải cách thể chế, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô theo hướng tạo thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh, hướng dẫn việc triển khai các luật về doanh nghiệp và đầu tư một cách chất lượng và kịp thời.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, cần ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu ngân hàng thương mại và mục tiêu ưu tiên là tập trung vào ổn định lạm phát, ổn định tỷ giá theo hướng lãi suất và tín dụng nên để linh hoạt hơn, tránh áp đặt hành chính.

Về chính sách tài khóa, điều hành cần cân nhắc hơn đến hệ lụy, thách thức khi điều hành các công cụ chính sách (tiền tệ, tỷ giá, tín dụng) khác; xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn.

Về chính sách thương mại, tăng cường thông tin về diễn biến thị trường thế giới, các đối tác đặc biệt là các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA), xúc tiến thương mại không chỉ là xúc tiến xuất khẩu, mà cả đầu vào nhập khẩu, cũng như cải thiện khả năng ước tính xuất nhập khẩu hàng tháng.../.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư