Người dân có được hưởng lợi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

11:05 | 01/09/2015 Print
- Hiện tác dụng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí theo các chuyên gia kinh tế, Quỹ này là không cần thiết, nhất là trong những ngày gần đây, khi giá xăng dầu giảm sâu, nhưng việc trích Quỹ vẫn được tiến hành...

Quỹ đang hoạt động ra sao?

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định rõ, doanh nghiệp không được phép giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trước mà phải hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản tiền gửi ở một ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp có giao dịch. Doanh nghiệp là chủ tài khoản và thực hiện các thủ tục giao dịch, đồng thời phải công khai toàn bộ thông tin về số dư quỹ này.

Để cụ thể hóa cơ chế hoạt động của Quỹ này, liên bộ Tài chính và Công Thương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, ngày 29/10/2014. Trong đó, nêu rõ: Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thông báo thời điểm điều chỉnh mức trích Quỹ Bình ổn giá để thương nhân đầu mối thực hiện trong 2 trường hợp sau:

1- Điều chỉnh giảm mức trích Quỹ Bình ổn giá dưới mức quy định kể trên khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân;

2- Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với mức giá trước khi được điều chỉnh giảm quy định tại trường hợp 1, Liên Bộ Công thương - Tài chính thông báo thời điểm và mức trích Quỹ Bình ổn giá.

Trái chiều giữa cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế

Dẫn lời Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn trên Báo điện tử Dân trí cho rằng, trong nhiều thời điểm nếu không có Quỹ bình ổn này, giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng mạnh, gây áp lực lên mặt bằng giá cả.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ở Việt Nam, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một giải pháp cần thiết và phù hợp trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, những biện pháp như trợ giá bán xăng dầu; trợ cấp không còn phù hợp và vi phạm cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong nhiều thời điểm nếu không có Quỹ bình ổn này, giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng mạnh, gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Ví dụ, giai đoạn Tết nguyên đán vừa qua (từ ngày 24/2/2015), Liên bộ Công Thương – Tài chính đã cho sử dụng Quỹ ở mức 2.448 đồng/lít, trường hợp không sử dụng Quỹ bình ổn giá như vậy sẽ phải tăng giá bán xăng khoảng 2.500 đồng/lít.

Hoặc tại thời điểm ngày 11/03/2015, Liên bộ đã cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá (1.852 đồng/lít xăng khoáng) nên xăng chỉ tăng giá 1.610 đồng/lít (thay vì mức 3.462 đồng/lít).

“Người tiêu dùng được dùng xăng, dầu ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh. Nhờ có Quỹ bình ổn đã giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội”, ông Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc vận hành của Quỹ vẫn để lộ nhiều điểm bất ổn. Cụ thể là quá trình vận dụng không linh hoạt đã dẫn đến nhiều kỳ điều hành giá rất phi lý. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm qua và được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán năm 2014, công bố vào đầu tháng 07/2015.

Theo đó, Báo cáo nêu, vào đầu năm 2011, chính sách điều hành giá bán xăng dầu và các quyết định trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp, không bảo đảm mục tiêu bình ổn giá xăng dầu, làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an sinh xã hội. Cụ thể, chính sách điều hành đã ghìm giữ giá xăng dầu quá thấp so với giá xăng dầu thế giới trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị sử dụng quá đà, không còn nguồn bù đắp phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu cao…

Ngay thời điểm hiện tại, số dư Quỹ đến hết quý II/2015 còn khoảng 1.800 tỷ đồng và đã dừng xả quỹ trong một số kỳ điều hành gần đây. Mặt khác, giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà xuống dốc khi giá xăng dầu tại thị trường Singapore phiên ngày 14/08/2015 đã giảm đến 1,16 USD/thùng chỉ sau 1 ngày, xuống mức 65,10 USD/thùng.

Như vậy, áp lực tích lũy Quỹ để ứng phó giá tăng sốc là không hề nặng nề trước diễn biến thị trường như hiện nay. Với số dư đã có, hoàn toàn có thể dừng trích Quỹ hoặc trích ở mức thấp hơn để người tiêu dùng mua được xăng giá rẻ hơn chứ không nên máy móc khi giá thế giới giảm thì trong nước phải trích Quỹ.

Trả lời trên Báo Người lao động, theo PGS, TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay dẫn đến tình trạng điều hành giá xăng chưa “thỏa đáng” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức “bỏ tiền ra cho người khác giữ” trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.

Với quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được tính vào cơ cấu giá xăng, PGS, TS. Đặng Đình Đào cho rằng chưa có ngành nào ngoại trừ xăng dầu được hưởng “ưu ái” phi lý đến thế.

“Theo nguyên tắc, doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Làm ăn khéo thì được lãi, không biết cách kinh doanh thì phải chịu lỗ, thậm chí phá sản. Rồi phải nhìn theo diễn biến thị trường, có lúc được lãi cao, có lúc phải chịu lãi thấp hoặc hòa vốn. Doanh nghiệp không phải nỗ lực gì mà được ấn định lãi 300 đồng/lít xăng là bất hợp lý. Người tiêu dùng quá thua thiệt”, ông Đào bức xúc.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, công cụ bình ổn này không làm được nhiệm vụ của nó trong nhiều trường hợp diễn biến thực tế của thị trường. Nó chỉ hiệu quả khi diễn biến thị trường theo chu kỳ có thể dự đoán trước. Một khi không dự đoán được thì không hiệu quả.

Do đó, theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ, không nên duy trì Quỹ nữa. Bởi, “nếu giá xăng cứ tiếp tục đà giảm thì trích quỹ như vậy là sai. Nó dẫn đến tình huống người tiêu dùng mất kiên nhẫn và bức xúc bởi sao cứ trích quỹ hoài mà không được giảm giá nhiều. Họ sẽ đặt câu hỏi nếu giá xăng xuống rồi nằm chết “gí” ở đó mãi không lên thì sao?”, vị Phó Viện trưởng nói./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://fica.vn/tien-va-hang/thu-truong-tai-chinh-quy-binh-on-xang-dau-la-can-thiet-32681.html

http://nld.com.vn/kinh-te/quy-binh-on-gia-xang-dau-khong-nen-niu-keo-20150819223418457.htm

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư