e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Khát vọng Việt Nam

14:11 | 07/09/2015 Print
- Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để có thể vươn lên cùng thời đại? Đâu là những chuyển đổi trước mắt và lâu dài, đảm bảo sự hồi phục, phát triển trong ngắn hạn và duy trì trong dài hạn?

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/08/1945-19/08/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945-02/09/2015) diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhân sự kiện trọng đại này, chúng ta nhìn rõ những thành quả rực rỡ mà đất nước ta đạt được để vững vàng hướng tới những khát vọng chiến lược, sớm đưa Việt Nam trở thành cường quốc, sánh vai với thế giới.

Đã có những đổi thay mạnh mẽ

Gần trăm năm mới thoát khỏi ách đô hộ của thực dân phát xít, khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam khi đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám là để được độc lập, ấm no, tự do, hạnh phúc. Hàng triệu người con đất Việt đã lựa chọn sự hy sinh về phần mình để đổi lấy tự do cho dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mà đỉnh cao là sự ra đời của Nhà nước Công – Nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước do dân bầu ra một cách dân chủ, vì nhân dân phục vụ. Nhà nước ấy đã được xây đắp bằng tài năng, trí tuệ và nhiệt tình cống hiến của liên minh công - nông – trí thức. Tinh thần dân chủ ấy không ngừng được mở rộng, khi các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước đã được hình thành trên có sở ý chí của đại đa số người dân.

Ngày 02/09/1945, trước hàng chục vạn đồng bào ở Thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 70 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nước Việt Nam ngày càng phát triển và không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, tự chủ sánh vai với tất cả các nước, các dân tộc trên trường quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trước hết là những cải cách về kinh tế (cải cách thể chế kinh tế) với nội hàm chủ yếu là “đổi mới” từ năm 1986. Giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, do Đảng ta khởi xướng, chính là quá trình chuyển đổi, từ bỏ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bước đầu thừa nhận và tiếp cận thể chế kinh tế thị trường. Những cải cách này gắn liền với công cuộc mở cửa nền kinh tế.

Tại Dự thảo “Báo cáo Việt Nam 2035”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế đến năm 2035:

Theo kịch bản tăng trưởng cao, thì tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 8,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035; tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt bình quân 3,1%/năm; Các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%-5%; GDP bình quân đầu người theo USD hiện hành đến năm 2035 đạt khoảng 18.000-19.000 USD, tăng khoảng 8-9 lần so với năm 2015; Quy mô nền kinh tế đạt khoảng trên 2.000 tỷ USD; Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người đạt khoảng 1.500 USD.

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế trung bình, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035; tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt bình quân 2,5%/năm; Các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%-5%; GDP bình quân đầu người theo USD hiện hành đến năm 2035 đạt khoảng 15.000-16.000 USD, tăng khoảng 7-8 lần so với năm 2015; Quy mô nền kinh tế đạt khoảng trên 1.700 tỷ USD; Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người đạt gần 1.000 USD.

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế thấp, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035; tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt bình quân 1,7%/năm; Các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%-5%; Quy mô nền kinh tế đạt khoảng trên 1.200 tỷ USD; Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người đạt gần 720 USD.

Những cải cách thể chế kinh tế đến nay đã kéo theo những cải cách, đổi mới về mặt chính trị, cấu trúc xã hội, cũng như toàn bộ đời sống văn hóa, xã hội… Công cuộc Đổi mới đã thực sự khai thông nguồn lực tạo một luồng gió mới vào đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, phúc lợi xã hội được bảo đảm.

Về kinh tế, Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) trên thế giới. Tiềm lực đất nước được nâng lên hàng nghìn lần. Tính đến hết năm 2014, quy mô nền kinh tế đạt trên 185 tỷ USD; tổng đầu tư đạt trên 57 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, lực lượng lao động gần 54,5 triệu người; hạ tầng năng lượng, giao thông, viễn thông phát triển mạnh cả về lượng và chất.

Như vậy, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn đầu, tiến trình Đổi mới đã phần nào bắt nhịp với sự thay đổi và tuân thủ theo quy luật chung của thị trường thế giới hiện đại. Việc thừa nhận và vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường là một bước tiến theo xu hướng chung của thời đại. Tuân thủ các nguyên tắc thị trường dẫn đến sự định nghĩa lại các chủ thể trong nền kinh tế, trong xã hội, xác định lại các quan hệ giữa các chủ thể. Từ đó, có những cải cách cần thiết về thiết chế nhà nước nhằm tạo ra động lực, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và có những thay đổi nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội.

Cùng với quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, cũng như đã và đang tích cực tham gia hội nhập theo chiều sâu với 10 hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương với các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á – Âu: Nga - Belarus - Kazakstan, trong đó có 8 hiệp định đang thực thi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định Việt Nam – EU và đang nỗ lực xúc tiến đàm phán các FTA, như: Việt Nam - 4 nước Bắc Âu (EFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Nhưng, vẫn còn những “nút thắt”, cần tháo gỡ để tiếp tục phát triển

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay mặc dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, song đã có biểu hiện trì trệ, thiếu nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Các cải cách kinh tế trong giai đoạn vừa qua đã tỏ ra giảm đà nếu không muốn nói là hết động lực.

Chặn dòng chảy phát triển là một loạt những "nút thắt”, như: nền kinh tế còn lạc hậu, năng suất lao động kém; hệ thống đổi mới, sáng tạo; nhiều khu vực dân cư còn hạn chế về cơ hội phát triển; không gian phát triển và tiến trình đô thị hóa còn nhiều bất cập... Và nhất là, thể chế kinh tế còn đổi mới chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kinh tế Việt Nam còn phát triển theo chiều rộng, chuyển dịch theo hướng hình thành một cơ cấu kinh tế hiện đại còn chậm; hiệu quả kinh tế, năng suất lao động ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đã thấp và kém xa các nước trong khu vực, lại chậm được khắc phục.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam còn kém phát triển, kết cấu hạ tầng còn thiếu và kém đồng bộ, các lĩnh vực dịch vụ quan trọng, như: ngân hàng, bất động sản, xây dựng, chiếm tới hơn 30% nguồn vốn, nhưng hoạt động rất kém hiệu quả. Đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (trên 80% doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người) và khu vực này gặp khó khăn trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, quyền sử dụng đất...

Năng lực đổi mới sáng tạo thấp cũng là một điểm nghẽn trong phát triển của Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực tư nhân. Trong kinh tế tư nhân ở Việt Nam, quy mô doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ gia đình chiếm phần lớn, nên khu vực này rất kém trong hợp tác nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo.

Sự yếu kém về hạ tầng đã dẫn đến hạn chế về không gian, cũng như cơ hội phát triển. Quá trình đô thị hóa, vấn đề lớn trong chuyển dịch không gian phát triển dường như là chỉ đô thị hóa về đất đai. Chung quanh các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có các đô thị vệ tinh chuyên môn hóa về các lĩnh vực. Điều này sẽ cản trở tiến trình đô thị hóa và phát triển ở Việt Nam.

Điều đáng lo là, mặc dù chuyển đổi theo kinh tế thị trường đã diễn ra trong thời gian khá dài, nhưng những định chế thị trường vẫn chưa thật sự vận hành một cách có hiệu quả. Kinh tế nhà nước, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực sự phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tiến trình phát triển. Khu vực đầu tư nước ngoài mặc dù có những bước tiến đáng kể, nhưng nhiều mục tiêu kỳ vọng còn chưa đạt được: tác động lan tỏa còn chưa sâu rộng.

Nguồn vốn trong dân, đặc biệt là lượng kiều hối hàng năm khá lớn (năm 2014, theo ước tính đạt tới 11-12 tỷ USD), nhưng chưa được huy động, tỷ lệ đầu tư phát triển chỉ chiếm khoảng 30%.

Đã vậy, sử dụng nguồn lực còn chưa hiệu quả. Chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hiện chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng chi ngân sách và tỷ trọng này chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi tỷ lệ chi thường xuyên rất lớn. Mặc dù đầu tư từ ngân sách đang có xu hướng chuyển dịch vào đầu tư kết cấu hạ tầng, hoặc giải quyết những vấn đề, mà bằng thị trường không thể làm được, song lượng vốn đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa (không phải kết cấu hạ tầng) vẫn còn rất lớn (thuộc khu vực các doanh nghiệp nhà nước), trong khi sản xuất hiệu quả không cao. Đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, mặc dù được đánh giá là có hiệu quả, song còn nhiều hạn chế về quy mô và công nghệ. Chưa có những doanh nghiệp quốc gia có quy mô lớn và thương hiệu lớn.

Khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng và bền vững

Thế giới trong thập niên đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến những thay đổi to lớn về cấu trúc thị trường toàn cầu gắn liền với nhận thức của các quốc gia ngày càng rõ hơn về những vấn đề mang giá trị nhân loại và kéo theo sự thay đổi theo hướng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, nhưng cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Khoa học và công nghệ có bước phát triển nhanh chóng, các xu hướng mới về công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ sinh học đã và đang ảnh hưởng nhiều tới thế giới cả về kinh tế, chính trị và cấu trúc xã hội. Nguồn nhân lực với chất lượng cao đã và đang là động lực và là lựa chọn của mỗi quốc gia.

Thực tiễn đó đặt ra những thách thức, áp lực to lớn đối với cải cách để tạo ra và duy trì động lực mới cho sự phát triển của đất nước trước bối cảnh chung của thế giới trước những khó khăn trong việc tìm kiếm các ý tưởng, cũng như giải pháp mới cho sự phát triển. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để có thể vươn lên cùng thời đại? Đâu là những chuyển đổi trước mắt và lâu dài, đảm bảo sự hồi phục, phát triển trong ngắn hạn và duy trì trong dài hạn?

“Báo cáo Việt Nam 2035” đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng với sự góp sức của Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm phần nào giải đáp cho các câu hỏi trên.

Báo cáo chứa đựng khát vọng Việt Nam, khát vọng của một dân tộc yêu hòa bình, đang nỗ lực vượt qua nghèo khó để “xây dựng xã hội sáng tạo, văn minh - thịnh vượng và bền vững”, trở thành một nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng toàn diện vì lợi ích của toàn xã hội và bền vững về môi trường, dựa trên nền tảng ổn định chính trị, quản trị nhà nước tốt và các thể chế có sự tham gia của người dân. Tất cả đều vì mục tiêu chiến lược: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các tính toán và dự báo đang cho thấy rằng, với mức tăng trưởng kỳ vọng, quy mô kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên gấp 8,6 lần từ 200 tỷ USD vào năm 2015 sẽ lên khoảng 1.700-2.100 tỷ USD vào năm 2035.

Song, để khát vọng đó được hiện thực hóa, chúng ta cũng còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, cần làm ngay là chúng ta phải tháo gỡ các "nút thắt” trong phát triển.

Theo đó, cần lập tức nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế, mà đặc biệt là của khu vực tư nhân, thông qua tăng cường thể chế kinh tế thị trường, với các biện pháp cải cách về: quyền sở hữu tài sản; chính sách cạnh tranh; chính sách tài khóa (quản lý ngân sách), chính sách tiền tệ (cơ cấu lại hoạt động ngân hàng); tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo có hiệu lực và hiệu quả hướng theo nhu cầu; thực hiện các ưu tiên chính sách về thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng để tạo không gian phát triển và đô thị hóa... theo hướng văn minh, hiện đại./.

KT&DB

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư