Triển vọng cung cầu gạo thế giới niên vụ 2015/16

10:47 | 22/09/2015 Print
- Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2015/16 được USDA hạ ước tính giảm 2,9 triệu tấn so với ước tính tháng 8 do sản lượng gạo giảm từ các nước Miến Điện, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Philippines và Mỹ.

Tiêu thụ gạo toàn cầu vượt mức sản lượng

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu kỳ vọng giảm lần đầu tiên kể từ niên vụ 2009/10 do lũ lụt, hạn hán và nắng nóng tại một số nước sản xuất gạo chính của thế giới. Tồn kho gạo cuối vụ của các nước xuất gạo chính như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam ở mức thấp nhất góp phần hạn chế nguồn cung gạo toàn cầu. Trong khi đó, tiêu thụ gạo tiếp tục tăng cùng với tăng trưởng dân số. Những yếu tố cơ bản này thông thường báo hiệu giá gạo sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, giá gạo tại các nước xuất khẩu lớn tiếp tục giảm do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và các vấn đề chính sách.

Đồng Baht của Thái Lan đã giảm giá gần 10% so với đồng USD kể từ tháng 1 năm nay. 100 Baht của Thái Lan hiện ăn khoảng 370 USD so với mức 450 USD cách đây một năm. Thời gian qua Việt Nam cũng liên tục hạ giá xuất khẩu gạo tối thiểu để kích thích nhu cầu từ các nước nhập khẩu. Các nước nhập khẩu gạo lớn, đặc biệt là Indonesia và Philippines đang theo đuổi chính sách tự cung gạo cho nên đã hạn chế nhu cầu xuất khẩu gạo.

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2015/16 được USDA hạ ước tính giảm 2,9 triệu tấn so với ước tính tháng 8 do sản lượng gạo giảm từ các nước Miến Điện, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Philippines và Mỹ. Thương mại gạo toàn cầu được điều chỉnh giảm do giao dịch gạo giảm tại Miến Điện và Mỹ dù xuất khẩu gạo tăng từ Ấn Độ. Tiêu thụ và tồn kho gạo toàn cầu cũng được điều chỉnh giảm nhẹ.

Giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan, Pakistan và Việt Nam tiếp tục giảm do nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn yếu. Trong tháng 8, giá gạo 100% loại B của Thái Lan đã giảm 16 USD/tấn xuống mức 370 USD/tấn, giá gạo 5% vỡ của Pakistan giảm 50 USD/tấn xuống mức 330 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2011 và giá gạo Việt Nam 5% vỡ giảm 21 USD/tấn xuống mức 327 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Có nhiều yếu tố trong đó có đà giảm giá của các đồng nội tệ (đồng Baht của Thái Lan, VND của Việt Nam) đã góp phần gây sức ép giảm giá lên giá gạo tại châu Á.

Giá gạo hạt dài của Mỹ trong tháng 8 đã tăng mạnh so với tháng trước, tăng 60 USD/tấn lên mức 565 USD/tấn do kỳ vọng sản lượng gạo của Mỹ giảm. Do đó, gạo hạt dài của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn do khoảng cách giữa gạo Thái Lan và gạo Mỹ nới rộng đến gần 200 USD/tấn, mức lớn nhất kể từ tháng 4/2014.

Biểu đồ triển vọng giá gạo thô kỳ hạn sàn Chicago - Mỹ (Nguồn: Barchart, 123chienluoc.com)

Ngoài ra, USDA điều chỉnh ước tính xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2014/15 tăng 500.000 tấn so với ước tính tháng 8 lên mức 11,5 triệu tấn do xuất khẩu vào Trung Đông và các nước láng giềng tăng; điều chỉnh dự báo sản lượng niên vụ 2015/16 tăng 500.000 tấn lên mức 9,5 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam niên vụ 2014/15 được điều chỉnh giảm 500.000 tấn xuống 6,2 triệu tấn, sản lượng gạo niên vụ 2015/16 của Việt Nam dự báo đạt 7 triệu tấn. Xuất khẩu gạo niên vụ 2015/16 của Miến Điện được điều chỉnh giảm 400.000 tấn xuống 1,8 triệu tấn do triển vọng nguồn cung hạn chế. Nhập khẩu gạo niên vụ 2015/16 của Indonesia được điều chỉnh tăng 200.000 tấn lên 1,3 triệu tấn do sản lượng gạo của nước này kỳ vọng giảm. Dự báo xuất khẩu gạo niên vụ 2015/16 của Mỹ được điều chỉnh giảm 200.000 tấn xuống 3,3 triệu tấn do nguồn cung cho xuất khẩu giảm và giá gạo hạt dài kỳ vọng tăng.

Về vấn đề chính sách, đáng chú ý với thông tin một phái đoàn của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) đã gặp gỡ thủ tướng chính phủ quốc gia này vào giữa tháng 9 để tìm kiếm sự bảo vệ của chính phủ cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Thủ tướng Chính phủ Pakistan đã công bố một gói cứu trợ triej giá 351 tỷ Rupee (khoảng 3,3 tỷ USD) cho khu vực nông nghiệp, bao gồm lĩnh vực lúa gạo nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và đơn giản hóa các quy trình cho vay nông nghiệp.

Ngành công nghiệp gạo Mỹ phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật Bản và họ đang làm cho rõ ràng rằng họ sẽ không ủng hộ thỏa thuận này nếu như yêu cầu của họ về miễn phí thuế hạn ngạch và chất lượng cao hơn với thị trường gạo Nhật không được đáp ứng. Nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thông báo việc thiết lập các quy tắc kiểm soát dịch hại kiểm dịch thực vật cần thiết để cho phép Mỹ xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang được xem xét lại quy định tại Trung Quốc. Bộ nông nghiệp Mỹ đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc với nghị định thư về kiểm dịch thực vật mới nhất được gửi vào tháng trước.

Hạn hán ở Indonesia làm giảm năng xuất lúa gạo, tăng giá gạo tại nước này. Sự thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao đã thúc đẩy Chính phủ Indonesia phân phối thêm gạo cho người nghèo, cạn kiệt kho dự trữ gạo của quốc gia và có thể dẫn đến nhập khẩu gạo tăng.

Chính phủ Miến Điện đã phần nào xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đã được áp dụng vào đầu tháng 8. Xuất khẩu gạo bằng đường biển sẽ được cho phép nhưng mua bán gạo qua biên giới vẫn bị cấm. Liên đoàn lúa gạo Myanmar (MRF) đang có kế hoạch cấp giấy phép xuất khẩu gạo tăng lên 500 tấn cho cả đường bộ và đường biển, theo các nguồn tin địa phương. MRF đã kêu gọi các công ty nộp đơn xin cấp phép lên Bộ Thương mại nước này.

Do giá gạo cao, Bộ thương mại Iraq đã một lần nửa mở rộng thời hạn (đến ngày 17/9/2015) để mua ít nhất 30.000 tấn gạo thông qua đấu thầu quốc tế từ Mỹ, Uruguay, Argentina, Brazil và Ấn Độ.

Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ nhập khẩu 750.000 tấn gạo 25% tấm với mức giá 426,83 USD/tấn từ Thái Lan (cung cấp 300.000 tấn) và Việt Nam (450.000 tấn), theo các nguồn tin địa phương. Theo phiên đấu thầu này, 250.000 tấn sẽ được nhập khẩu trong năm nay, trong đó có 125.000 tấn giao trong tháng 11 và 125.000 tấn giao trong tháng 12 và 500.000 tấn còn lại sẽ được giao hàng trong năm tới. Việc nhập khẩu gạo là một phần của nỗ lực nhằm tăng dự trữ gạo do lo ngại sản xuất gạo của quốc gia này có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết El Nino.

Cục Kinh tế, Khoa học nông nghiệp và Nguồn lợi Úc ước tính sản lượng lúa của quốc gia này trong niên vụ 2015-16 đạt khoảng 655.000 tấn, giảm khoảng 10% so với niên vụ 2014-15.

Báo giá lúa gạo Châu Âu trong tuần đầu tiên của mùa vụ mới 2015/16 (tháng 9/2015 - tháng 8/2016) cho thấy một số biến động nhẹ với xu hướng ngược lại ở các quốc gia khác nhau. Một công cụ tiếp thị trực tuyến mới được gọi là "Farm Inc." sẽ được tung ra trong thời gian tới nhằm giúp nông dân châu Âu tiếp cận thị trường tốt hơn và thương hiệu sản phẩm không bị phụ thuộc, do đó sẽ đối mặt với cạnh tranh toàn cầu tốt hơn./.

Trúc Gia - Trần Hoàng Dũng – Mỹ Tâm

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư