e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020: Thế nào?

20:18 | 25/12/2015 Print
- Sau gần 30 năm Đổi Mới, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là câu chuyện thời sự và là một trong những ưu tiên của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế ở Việt Nam hiện nay.

2014-2015: Tái cơ cấu DNNN vẫn nóng

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song so với hầu hết các nền kinh tế khác, quy mô khu vực DNNN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá lớn. Số lượng DNNN tuy đã giảm đáng kể, xong vẫn còn tới 3.100 tính đến cuối năm 2014 (ở đây định nghĩa DNNN là doanh nghiệp có hơn 50% sở hữu nhà nước. Lưu ý là định nghĩa này khác với Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014). Trong số đó, có 796 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 8 tập đoàn kinh tế, 100 tổng công ty nhà nước. Đây là một con số rất cao nếu so với số lượng ít ỏi của các DNNN tại các quốc gia phát triển có nền kinh tế thị trường đầy đủ, ví dụ như 17 tại Australia, 51 tại Pháp, 59 tại Đức, 56 tại Hàn Quốc hay 21 tại Anh (OECD, 2011).

Tuy chỉ chiếm dưới 1% về số lượng, nhưng DNNN sở hữu giá trị tài sản 2.869.120 tỷ đồng – tương đương với 80% GDP.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 cho thấy, khu vực DNNN vẫn nắm giữ nguồn vốn lớn trong nền kinh tế với trên 4,87 triệu tỷ đồng, con số tương ứng của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là hơn 11,7 triệu tỷ đồng và 5,41 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, các DNNN chỉ tạo ra số lượng việc làm là 1,4 triệu người trong tổng số 11,8 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đang sử dụng gần 3,4 triệu lao động và doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng hơn 7 triệu lao động.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của DNNN, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN được Chính phủ coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2011-2015.

Theo kế hoạch, cả nước phải thực hiện cổ phần hóa 531 DNNN. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế và chính sách nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN

Đặc biệt, Chính phủ đã quy định về bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp bằng hình thức đấu giá nhằm xóa bỏ cơ chế cổ phần hóa khép kín trong doanh nghiệp và hướng dẫn bán cổ phần theo lô nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, gấp 1,65 lần năm 2013 (trong đó, cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp, gấp gần 2 lần năm 2013). Tính đến ngày 20/10/2015, cả nước đã cổ phần hóa được thêm 116 doanh nghiệp.

Đến ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Trên cơ sở đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp sau tái cơ cấu.

Trong 2 năm 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 20/10/2015, đã thoái vốn được 4.460 tỷ đồng, thu về 4.113 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 20/10/2015, đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán cho 93 doanh nghiệp với tổng số 318.595.743 cổ phiếu bán được, đạt 38% số lượng cổ phần chào bán.

Áp lực chuyển dần sang giai đoạn 2016-2020

Đảng và Nhà nước ta xác định, DNNN tiếp tục là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức và hoạt động của DNNN phải tuân theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước và chịu sự chi phối, giám sát toàn diện của chủ sở hữu là Nhà nước.

Vì thế, Chính phủ yêu cầu, DNNN phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng phù hợp với thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp chiến lược phát triển công nghiệp; có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc từng phần tập trung vào tái cấu trúc tài chính và quản trị doanh nghiệp; tái cấu trúc phải gắn với cổ phần hóa và tăng cường năng lực cạnh tranh, đảm bảo các nguyên tắc thị trường; phải rà soát tổng thể, xác định rõ mục tiêu, tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, ổn định kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, quá trình cơ cấu lại DNNN mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN, mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, cũng như điều chỉnh chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, tái cơ cấu ngành nghề và hiệu quả hoạt động của DNNN.

Để khắc phục được những bất cập này, đồng thời thúc đẩy hơn nữa tiến trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính cần triển khai những giải pháp sau:

Về cơ chế chính sách quản lý DNNN giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát theo hướng tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu; hoàn thiện các nội dung về quyền của chủ sở hữu và quy định rõ trách nhiệm của đối tượng được giao nhiệm vụ thực hiện quyền của chủ sở hữu, trách nhiệm của người đại diện.

Về sắp xếp, đổi mới DNNN: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ngoài ngành, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp không cần nắm giữ; triển khai thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Tiếp tục tiến hành thực hiện cổ phần hóa trong năm 2016 các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa năm 2015 và rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể thoái vốn trong từng lĩnh vực; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tế về tái cấu trúc nền kinh tế và chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN nhằm đảm bảo tiến độ hiệu quả./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư