e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Đẩy nhanh tiến tới một hệ thống tiêm chủng mở rộng thống nhất

08:32 | 09/01/2016 Print
- Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình cung ứng và sử dụng vaccine mới đây, trước tình trạng người dân không mặn mà với tiêm chủng mở rộng, mà “đổ xô” cho trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ, mặc dù hai loại vaccine đều được các nhà chuyên môn khẳng định chất lượng giống nhau.

Không có sự khác biệt trong quản lý, bảo quản chất lượng giữa hai hệ thống tiêm chủng

Hiện nay, quy trình nhập khẩu, kiểm định, phân phối vaccine ở Việt Nam diễn ra khá chặt chẽ. Theo đó, vaccine sau khi nhập khẩu về nước ta sẽ phải kiểm nghiệm đạt chất lượng mới được phép lưu thông, các công ty phân phối mới tiến hành phân bổ vắc xin cho các đơn vị có đăng ký trước đó. Vì thế, không thể có tình trạng vắc xin chưa được kiểm định mà đã được đưa ra thị trường.

Hơn nữa, với nhu cầu thực tế hiện nay, khi có vaccine về đều được công bố công khai tại các đơn vị, do vậy sẽ khó có tình trạng vaccine được nhập khẩu về kiểm định xong mà bị ghim lại không đưa ra lưu thông trên thị trường.

Ngày 22/06/2015 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công nhận Việt Nam có một hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của các loại vaccine được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam. Bằng chứng nhận này cho thấy Cơ quan quản lý chất lượng vaccine của Việt Nam (NRA) đã tuân thủ tất cả các yêu cầu đối với giám sát quản lý vaccine, bao gồm: khung hệ thống tổng thể; ủy quyền cấp phép và tiếp thị; giám sát sau tiếp thị, bao gồm giám sát các phản ứng sau tiêm chủng; lô xuất xưởng; hệ thống phòng thí nghiệm; thanh tra giám sát các cơ sở sản xuất và kênh phân phối; cấp phép và giám sát các thử nghiệm lâm sàng.

Còn đối với giá vaccine dịch vụ, việc quản lý giá vaccine được thực hiện như quy định trong Luật Dược. Theo đó, các công ty khi nhập khẩu vaccine về phải đăng ký giá với Cục Quản lý Dược. Hiện nay, giá bán vaccine được quy định tương đối đồng nhất giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi doanh nghiệp có thể cộng thêm một số chi phí phát sinh nhưng không nhiều, không được vượt quá giá trần theo tỷ lệ quy định. Vì thế, bất cứ nơi nào có tình trạng đẩy giá bán vaccine cao hơn giá trần nhiều lần thì Bộ Y tế sẽ cử cán bộ thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.

Riêng đối với việc phân phối vaccin dịch vụ, trong cuộc trả lời báo chí cuối tháng 12/2015, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, vì đây là vaccine dịch vụ cho nên cơ quan quản lý không can thiệp vào việc phân phối cho thị trường mà chỉ có thể giám sát tất cả 161 điểm tiêm trong cả nước về chất lượng và giá. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu không tăng giá loại vaccine này, hai năm nay giá vaccine 5 trong 1 Pentaxim vẫn được đơn vị nhập khẩu bán cho các điểm tiêm với giá 630 nghìn đồng/mũi (các điểm tiêm sẽ thu thêm tiền khám sàng lọc, công tiêm, vật tư tiêu hao...). Các đơn vị tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm.

Vaccine dịch vụ khan hiếm, không phải do Bộ Y tế cấm nhập, mà vì nhà sản xuất không cung ứng đủ, dẫn đến Việt Nam không nhập được một số lượng lớn vaccine như mong muốn. Trước tình hình nêu trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng tìm các nguồn cung cấp vaccine để phục vụ những đối tượng chưa thật sự tin tưởng vào vaccine Quinvaxem, hay không chịu đi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo, các bậc cha, mẹ không nên tiêm vaccine xách tay cho trẻ vì việc mua, bán, sử dụng vaccine này không được phép; công tác bảo quản không bảo đảm, chất lượng bị ảnh hưởng, có thể bị sốc, tử vong khi dùng.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng khuyến cáo người dân không nên chỉ trông chờ vào vaccine dịch vụ mà kiên quyết nói không với tiêm chủng mở rộng. Bởi, thực tế, vắc xin trong tiêm chủng mở rộng là do Nhà nước phải trả tiền để mua và một phần được quốc tế hỗ trợ, nên người dân mới được tiêm miễn phí, chứ không phải là chất lượng không đảm bảo.

Vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay vaccine dịch vụ trước khi sử dụng cho trẻ em đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định an toàn và chất lượng chặt chẽ. Tất cả các vaccine trong tiêm chủng mở rộng được vận chuyển và bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh tốt nhất. Vì vậy, không thể nói là vaccine dịch vụ khi sử dụng phải trả tiền tốt hơn vaccine miễn phí trong tiêm chủng mở rộng.

Khi chất lượng và quy trình quản lý, bảo quản của các loại vaccin là như nhau thì không cần thiết phải tách thành 2 hệ thống tiêm chủng

Cần thống nhất một hệ thống tiêm chủng

Sang năm 2016, ngoài 40 nghìn liều vaccine dịch vụ đã thông báo sẽ được nhập về vào tháng 2/2016, Cục Quản lý Dược khẳng định chưa có nguồn cung nào và cơ quan quản lý cũng không có cam kết nào về vấn đề này. Do vậy, nguy cơ thiếu vaccine dịch vụ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước nguy cơ trên, tại cuộc họp về tình hình cung ứng và sử dụng vaccine mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, tổ chức giám sát các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thực hiện các quy chế chuyên môn trong tiêm chủng đúng quy định; tăng cường quản lý chất lượng, giá vaccine và chi phí dịch vụ tiêm chủng.

Đặc biệt, “khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng trình Chính phủ và xây dựng lộ trình tiến tới thực hiện tiêm chủng vaccine mở rộng thống nhất theo thông lệ quốc tế” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khi đó, Nhà nước sẽ chọn 1 hoặc một số loại vaccine cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí dù chọn loại vaccine nào.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng; đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tích cực phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất vaccine quy mô công nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, việc tồn tại hai hình thức tiêm chủng sẽ tạo tâm lý so sánh, cũng như nghi ngờ của xã hội về chất lượng vaccine. Mặc cho Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo và khẳng định hai loại vaccine của tiêm chủng mở rộng và vaccine dịch vụ đều có chất lượng và quy trình bảo quản như nhau, thì tình trạng người dân “đổ xô” vào vaccine dịch vụ vẫn diễn ra. Do vậy, việc tiến tới một hệ thống tiêm chủng thống nhất trong cả nước là cần thiết hiện nay./.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư