e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

“Cái gì khó, bức xúc nhất thì làm trước”

09:49 | 07/04/2016 Print
- Cần phải có giải pháp phù hợp để không để nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rơi vào tình trạng “không trọng lượng” vì văn bản luật cũ hết hiệu lực, văn bản mới chưa được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ngày 1/4/2016. Đây cũng là kỳ họp cuối cùng của ông trên cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác.

Vẫn còn 2.833 điều kiện đầu tư, kinh doanh trái luật. Ảnh: Tiên Giang

Sau 1/7/2016, hàng loạt văn bản trái luật vô hiệu lực

Báo cáo tại cuộc họp mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 5.826 điều kiện đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Luật Đầu tư 2014 đã quy định và khẳng định lại rất rõ là các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016; đồng thời Luật cũng khẳng định thêm là các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp ban hành sau ngày 01/7/2015 đương nhiên không có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, điều đáng lo, theo Trưởng ban Thư ký, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư Nguyễn Đình Cung, các bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo và ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 25, ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197, ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30, ngày 12/10/2015 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi đối với giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế (trong đó quy định về các điều kiện kinh doanh trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu như: giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; giấy ủy quyền của chủ sở hữu trang thiết bị y tế cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật mô tả chủng loại trang thiết bị y tế nhập khẩu bằng tiếng Việt...).

Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Ông Cung nhận xét, trên thực tế, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực, nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Điều đáng lưu ý là, vẫn còn 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề kinh doanh đó chưa được bốn bộ là Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông ban hành.

Trong khi đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương trong vấn đề này. Mới đây nhất, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ “chấm dứt ngay việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, rà soát và sửa đổi các quy định không phù hợp”.

Về sự chuyển động của các Bộ trong việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, quan điểm của cơ quan này rất quyết liệt để thay đổi tình trạng trên.

Nội bộ Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các vụ khi thẩm tra cần kiên quyết không để chui vào các văn bản luật trình lên có ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Thụ cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 24/3/2016, xin chậm ban hành 9 nghị định, và chỉ trình 1 nghị định.

Trong khi, đáng lẽ Bộ Y tế phải ban hành 12 nghị định hướng dẫn thi hành đăng ký kinh doanh ở 22 ngành nghề thuộc lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, do gấp rút, Bộ này chỉ đăng ký 10 nghị định vào thời hạn trước 1/7/2016.

Điều này cho thấy, các bộ cũng đang rất khó khăn trong ban hành nghị định đăng ký kinh doanh.

“Nếu không tháo gỡ, sau ngày 1/7, nhiều ngành nghề sẽ rơi vào tình trạng không pháp chế, quy định cũ hết hiệu lực, cái mới chưa có”, ông Thụ cảnh báo.

“Vì là đột phá nên khó thực hiện”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, nhiệm kỳ vừa rồi có dấu ấn lớn về cải cách thể chế. Đột phá là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết 19.

“Nhưng, vì là đột phá nên khó thực hiện”, ông Lộc phát biểu.

Theo ông Lộc, khó vì dường như chưa hiểu tinh thần của các văn bản này. Vì chưa nhận thức, nên thiếu đồng bộ theo chiều ngang, một vài bộ cải cách, bộ thì lừng chừng.

“Do không nhất quán theo chiều dọc từ trung ương đến địa phương, nên có sự lủng củng trong bức tranh của thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư”, ông Lộc chỉ rõ.

Dẫn việc Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, ông Lộc cho rằng, đây là việc làm vô nghĩa. Bởi, đó là việc của thị trường, để thị trường quyết định không cần phải có quy định về đăng ký kinh doanh.

Từ thực tế đó, ông Lộc cho rằng, hiện các bộ mới giải quyết và cố gắng giải quyết đúng thẩm quyền, nhiệm vụ của mình mà thôi.

“Còn có cần thiết hay không thì chưa tính đến, nên nhiều đăng ký kinh doanh bất hợp lý vẫn đang được soạn thảo. Mặc dù có tên trong danh mục của 267 ngành nghề kinh doanh Luật Đầu tư, nhưng lại không theo đúng tinh thân và hướng đến mục đích của đăng ký kinh doanh theo Luật Đầu tư”, ông Lộc thẳng thắn.

Cần linh hoạt và mềm dẻo trong cách giải quyết

Thời gian đến mốc 1/7/2016 không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng. Khả năng phải hoàn thành việc nghị định hóa hàng loạt thông tư để phù hợp với yêu cầu Luật là khó. Vì thế, theo Bộ trưởng Vinh, cần phải có giải pháp phù hợp để không để nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rơi vào tình trạng “không trọng lượng” vì văn bản luật cũ hết hiệu lực, văn bản mới chưa được ban hành.

Trước hết, theo Bộ trưởng, cần phải ngồi ra soát lại, chọn những gì bất hợp lý nhất, gây bức xúc nhất, thì bàn với các bộ đó cùng soạn thảo một nghị định chung của Chính phủ để xử lý ngay. Tiếp đó, xử lý các vấn đề bức xúc ít hơn chút.

Điều cần làm là tập hợp báo cáo Chính phủ cho lịch làm luật sửa các luật đang không tương thích, gây bức xúc.

Thứ nữa, cần phân biệt rõ quy trình, tiêu chuẩn không phải là điều kiện kinh doanh. Bộ Y tế cũng có thể không cần ban hành tới 10 nghị định, mà có thể chỉ cần ban hành 1-2 cái.

“Trong Luật cũng nêu rõ, danh mục ngành nghề kinh doanh sẽ được rà soát hàng năm. Vì thế, cái gì quy định trong 267 ngành nghề trong Luật nếu xét thấy không còn cần thì bỏ ra”, Bộ trưởng đưa giải pháp./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư