Khi có vi phạm về ATTP, phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân

23:39 | 27/04/2016 Print
- “Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm

7 hạn chế nổi bật trong công tác ATTP

Báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Vệ sinh ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống nên luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.

Vấn đề nổi lên hiện nay là việc tổ chức thực hiện trong cả nước chưa tốt, chưa nghiêm minh, kết quả còn hạn chế.

Qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP, nổi lên là:

Thứ nhất, khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm quản lý ATTP. Nguồn lực ở một số địa phương cho công tác này còn hạn chế.

Thứ hai, việc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành luật trong những năm đầu còn chậm.

Thứ ba, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu (như kiểm nghiệm vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…).

Thứ tư, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Thứ năm, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.

Thứ sáu, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Chưa có hình thức tuyên truyền theo các ngạch của hệ thống chính trị (như trong tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) nên chưa sâu sát đến được các hội viên, đoàn viên, cá nhân, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, trang trại…

Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thứ bảy, hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến... đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh...

Cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân với các vi phạm

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất vệ sinh ATTP tràn lan.

Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.

Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế. Do đó, “chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

Trước hết, cả hệ thống chính trị các cấp cần vào cuộc, làm tốt công tác này. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATTP. “Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình.

Thủ tướng nêu rõ, phải có bộ máy tổ chức đủ mạnh làm công tác này và huy động các lực lượng đoàn thể vào cuộc.

Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý ATTP, đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn. Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này.

Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.

Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, trước mắt lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét về quản lý an toàn thực phẩm.

Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư