Tăng trưởng internet di động tại Việt Nam góp 3,7 tỷ USD vào GDP

15:01 | 09/08/2016 Print
- Theo Oxford Economics (hãng tư vấn và dự báo độc lập kinh tế toàn cầu), việc tăng cường ứng dụng công nghệ internet di động ước tính góp phần gia tăng GDP thêm 3,7 tỷ USD trong 5 năm qua ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu tác động của internet di động đến nền kinh tế do Oxford Economics công bố mới đây nhận định, kể từ năm 2010 tới nay, mật độ di động tại Việt Nam vẫn vượt xa so với trung bình của nhóm các nước có thu nhập tương đương với Việt Nam. Sự tăng trưởng về mật độ Internet di động từ năm 2010 đã đóng góp tới 3,7 tỷ USD vào GPD và tạo ra gần 140.000 việc làm mới cho Việt Nam, tương đương với 6,4% tốc độ tăng trường GDP ghi nhận được.

Theo một báo cáo của Internet World Stats vừa được đưa ra, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới với hơn 49 triệu (có 40 triệu người dùng Facebook).

Các nhà nghiên cứu của Oxford Economics cho rằng, trong tương lai, tốc độ tăng trưởng của internet di động tại Việt Nam sẽ ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của khu vực. Dự báo cho thấy, mật độ thuê bao sẽ tăng gần gấp đôi từ nay tới 2020 (khoảng 80%). Sự bùng nổ công nghệ này góp phần nâng cao GDP thêm 5,1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Con số này tương đương với 6,2% của tốc độ tăng trưởng theo dự báo.

Bên cạnh đóng góp tăng trưởng kinh tế, việc gia tăng ứng dụng công nghệ internet di động sẽ tạo ra khoảng 146.000 việc làm (đến năm 2020), tương đương với 3,2% tổng mức tăng trưởng việc làm theo dự báo trong giai đoạn này.

Việt Nam hiện đứng thứ 15/20 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới

Trong khi đó, vào Ngày Công nghệ FPT 2016 tổ chức cuối tháng 05/2016, ông Rajan Anandan, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ cũng khẳng định: “Việt Nam là nước có thị trường internet năng động nhất thế giới, thị trường duy nhất có số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 52% tổng dân số”.

Theo thống kê của Google, trong 5 năm tới (2020), Việt Nam sẽ tăng gấp đôi dân số trong tầng lớp trung lưu. Đây là xu hướng chung khi dòng tiền thế giới đang chảy dần về phương Đông. Năm ngoái, lần đầu tiên châu Á có nhiều tỷ phú hơn nước Mỹ, đây sẽ là động lực biến châu Á thành trung tâm Internet thế giới. Theo đại diện Google, Việt Nam cũng đang là nước thu hút nhiều chi phí đầu tư, tỷ lệ công ty startup nhận quỹ đầu tư trong năm 2015 là 67%, tăng vọt so với con số 28% của năm 2014, dẫn số liệu từ Viện Topica Founder.

Hiện tại, 78% người dùng Internet ở Việt Nam lên mạng mỗi ngày, 55% trong số đó online bằng điện thoại thông minh.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng có lợi thế rất lớn về phương thức kết nối. Hiện nay, giá cước Internet (cả Wi-Fi lẫn 3G) tại Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất thế giới, với tỷ lệ phủ sóng Wi-Fi rộng lớn.

Người dùng Việt Nam sử dụng Internet rất nhiều vào mục đích giải trí, theo thống kê của Google, so sánh trong khu vực châu Á, người Việt có thời gian xem dài nhất trên mỗi video.

60% người dùng Việt xem video hằng ngày, phần lớn phục vụ giải trí. Nhưng Google cũng xác định, trên 50% người dùng xem video vì muốn tìm hiểu, học tập một điều mới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là người làm công nghệ cần tập trung vào nhu cầu của khách hàng, khi họ có nhiều đòi hỏi hơn và nhiều lựa chọn hơn.
Bên cạnh đó, để internet đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần ý thức được những giá trị đóng góp của internet di động và tạo ra các chính sách, môi trường pháp lý để khuyến khích đầu tư, tham gia vào lĩnh vực này./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/internet-se-dong-gop-51-ty-usd-vao-gdp-cua-viet-nam-trong-5-nam-toi/399122.vnp

http://hcmfpt.vn/gia-cuoc-internet-o-viet-nam-thuoc-hang-re-nhat-the-gioi.html

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư