e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Những khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta

15:22 | 23/08/2016 Print
- Vốn đầu tư, nguồn nhân lực hay thị trường tiêu thụ đang là những rào cản không nhỏ cần phải có giải pháp khắc phục để nông nghiệp công nghệ cao có "đất" phát triển.

Một số kết quả ban đầu

Ngày 29/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 176/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, với mục tiêu chung là: “Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài”.

Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Chính phủ, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện trong các loại hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như các khu nông nghiệp công nghệ cao, các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể:

Các khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quy hoạch và quyết định thành lập đã đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tiêu biểu cho mô hình này là Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích 88 ha, được xây dựng từ năm 2004 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Khu nông nghiệp công nghệ cao này chủ yếu cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau, dưa an toàn, nhân giống hoa lan cấy mô, cá cảnh cho nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Ngoài ra, còn chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên hoa lan, rau ăn lá, chế phẩm sinh học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thông qua việc xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, kết nối với chuỗi cung ứng trên thế giới.

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cũng được đánh giá là mô hình đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Từ việc chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, riêng diện tích lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác trên 600 ha. Nhờ đó góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng gấp đôi, từ 80 triệu đồng/ha/năm vào năm 2011, đến năm 2015 đạt 175 triệu đồng/ha/năm, đem lại lợi ích khá cao cho người nông dân trên địa bàn huyện…

Các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mô hình phát triển tương đối mạnh ở các địa phương trong cả nước. Điển hình cho loại hình này là cơ sở ứng dụng sản xuất giống và sản xuất cây trồng chất lượng cao 16 ha tại Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm phát triển nông, lâm nghiệp với công nghệ cao ở Hải Phòng… có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của I-xra-xen, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và bón phân có kiểm soát qua ống tưới của I-xra-xen cho năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống.

Tạo những vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Điển hình của loại hình này là các vùng sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội); mô hình 100 trang trại trồng nấm ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), sản lượng đạt 500 tạ/năm; mô hình trồng hoa áp dụng các công nghệ mới, như tạo giống tốt, vườn ươm, nhà lưới, kho mát bảo quản đóng gói tại huyện Mê Linh, có 1.000 ha chuyên sản xuất hoa cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mô hình sản xuất rau an toàn 600 ha tại Đà Lạt được sản xuất cách ly trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long…

Vẫn còn những khó khăn

Có thể nói, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao nói trên đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đang dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định:

Khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động,… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần khoảng 140 tỷ đồng - 150 tỷ đồng (gấp 4 lần - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của I-xra-xen cần ít nhất từ 10 tỷ đồng - 15 tỷ đồng.

Song thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Hiện, cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%.

Mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam luôn thấp. Tính đến tháng 10/2015, mới có 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Thiếu vốn đầu tư đang là một rào cản không nhỏ đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta.

Khó khăn về nguồn nhân lực. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế ở nước ta, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2015 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông thôn chiếm 68,8%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo đạt 13,9%. Trình độ thấp kém của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Khó khăn về tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có đất đai với quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, những vị trí thuận lợi thường được ưu tiên cho xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, khu vui chơi giải trí.

Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún, cả nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Hiện nay trên cả nước có trên 295.046 km đường bộ, trong đó hệ thống giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn) chiếm tới 85%. Nếu xét trên diện rộng, mật độ giao thông nông thôn trên cả nước còn thấp (0,59km/km2); trong đó, mật độ đường huyện chỉ là 0,14km/km2, với tỷ trọng 0,55km/1.000 dân; đường xã là 0,45km/km2 và 1,72km/1.000 dân. Tại khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng, mật độ này có cao hơn (khoảng 1,16km/km2), song còn xa mới đạt được tỷ lệ hợp lý (trung bình ở các nước phát triển tỷ lệ chiều dài ki-lô-mét đường nông thôn trên diện tích khoảng 8,86km/km2).

Như vậy, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được. Hiện nay ở nước ta, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, khi hiệp định tự do về thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thì cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước sẽ ngày càng gia tăng. Theo kết quả điều tra sơ bộ, hiện nay, các doanh nghiệp bao tiêu mới chỉ tiêu thụ được khoảng 55% số lượng nông sản làm ra trong hợp đồng liên kết, còn lại khoảng 45% doanh nghiệp phải bán ở thị trường tự do đầy rủi ro và bất ổn. Bởi lẽ, nước ta chưa có sở giao dịch hàng hóa nên rủi ro về giá là không thể tránh khỏi.

Sự liên hết hoạt động khoa học - công nghệ giữa các tỉnh, thành trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án. Mức độ liên kết giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân… Do đó, nhiều đề tài, dự án chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống.

Phải tăng cường khuyến khích hơn nữa

Để có một nền nông nghiệp phát triển cao, hiệu quả, bền vững, cần nâng cao nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các khu, điểm, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường và đổi mới hình thức truyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tạo sự đồng thuận trong hành động của toàn xã hội về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương.

Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, các hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững./.

ThS. Nguyễn Hữu Nhơn

Cục Huấn luyện, Đào tạo (Học viện Quốc phòng)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư