Giải ngân vốn ODA năm 2016 khó đạt mức 4,65 tỷ USD

23:44 | 18/10/2016 Print
- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhận định, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt được mức 4,65 tỷ USD. Đây là mốc giải ngân của năm 2015.

Chiều ngày 18/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và nhóm 6 ngân hàng phát triển, bao gồm WB, ADB, AFD, KfW, JICA, KEXIM đã họp bàn để tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với các đại biểu tham gia cuộc họp

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương trình bày cho biết, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng trên 4,9 tỷ USD, cap gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân của sự đột biến này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do có một số khoản ODA của Nhật Bản dự kiến ký kết trong tài khóa 2015 của Nhật Bản chậm so với dự kiến và lùi sang tài khóa 2016.

Vốn ký kết tăng mạnh, song điều đáng lo ngại là tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân 9 tháng đầu năm nay lại chỉ ước đạt 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân của cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giải ngân của 6 ngân hàng phát triển trong 9 tháng qua ước đạt 1,259 tỷ USD đối với JICA, 691 triệu USD với WB, 639 triệu USD với ADB, 75 triệu USD với KEXIM, 18 triệu USD với AfD và 78,54 triệu USD với KfW.

“Nhìn chung, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 9 tháng đầu năm không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhiều dự án có mức giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân kế hoạch giao năm 2016”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thứ trưởng Phương nhận định, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt được mức 4,65 tỷ USD của năm 2015.

Thực tế này khiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Trước thực trạng trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016.

Phó Thủ tướng lưu ý kinh nghiệm của một số nước như Ấn Độ trong việc chuẩn bị tính sẵn sàng của dự án, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, để khi hiệp định được ký kết, có thể bắt tay vào thực hiện ngay.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh.

Tăng cường công tác xây dựng, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hàng năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi, và vốn đối ứng; kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao; duy trì tốt chế độ báo cáo theo quy định, thường xuyên cập nhật trực tuyến Hệ thống thông tin giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2016 cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ trong xây dựng kế hoạch, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh bố sung kế hoạch sát với thực tiễn thực hiện các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bên liên quan và các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ công để vừa bảo đảm an toàn nợ công đồng thời đáp ứng tốt chủ trương huy động tối đa nguồn vốn vốn ODA và vốn ưu đãi.

Năm 2016, hoàn thiện dự thảo Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại vốn ODA và vốn ưu đãi theo nguyên tắc việc sử dụng vốn vốn ODA và vốn ưu đãi phù hợp với định hướng và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành trong năm 2016 hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi.

Bộ Xây dựng sớm hoàn tất sửa đổi Nghị định 59 năm 2015 về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn giải hóa quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp trong công tác phê duyệt dự toán và thiết kế chi tiết các dự án đầu tư xây dựng./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư