e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

“Hệ điều hành” nền kinh tế hiện đã lạc hậu lắm rồi!

23:52 | 28/10/2016 Print
- Tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016 và vấn đề Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 và 2020 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28/10, các chuyên gia của CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 đạt 6,33%.

Bối cảnh chơi mới không thuận lợi

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) nhận xét, bối cảnh chơi của nền kinh tế hiện nay không hoàn toàn thuận lợi.

Triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn ảm đạm, các nền kinh tế chủ chốt tiêp tục xu hướng tăng trưởng thấp và đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cao hơn so với hai lần công bố trước đó, nhưng còn cách khá xa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2015. Khu vực châu Âu tiếp tục tăng trưởng chậm. Chính phủ Nhật Bản đã hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, đồng thời công bố kế hoạch về gói kích thích kinh tế. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc và vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thị trường tài chính thế giới kém sôi động. FED vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất USD trong quý IV; nếu điều này không được hiện thực thì dòng vốn và/hoặc mặt bằng lãi suất và/hoặc tỷ giá VNĐ/USD ở Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều bất định hơn.

Các nhà đầu tư tăng trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ thay cho cổ phiếu và bất động sản. Đồng USD giữ xu hướng tăng so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác.

Các FTA thế hệ mới chậm được phê chuẩn và/hoặc thiếu đột phá trong đàm phán, qua đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng thương mại trên thế giới nói chung. Xu hướng bảo hộ và trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn diễn ra khá phức tạp.

Còn tại Việt Nam, chất lượng của các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh –hướng dẫn thực thi các luật quan trọng (như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi…), tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 19) – cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, không chỉ trong quý IV mà còn cả các năm tiếp theo.

“Chúng ta mong muốn cuộc chơi mới, mong muốn hoàn thiện bản thân, song bối cảnh chơi hình như không thuận lợi lắm”, ông Dương ưu tư.

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%

Dẫn số liệu quý III/2016, ông Dương cho biết, GDP tăng 6,62% trong quý III/2016. Tốc độ tăng trưởng trong quý III/2016 đã được cải thiện so với các quý trước đó và cao hơn so với cùng kỳ những năm 2011-2015. Tính chung cả 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đứng ở mức 5,95%.

Như vậy, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, trong quý IV/2016, tốc độ tăng GDP phải đạt ít nhất 7,5%. Do vậy, mục tiêu năm 2016 (6,7%) không đạt được. Ngay cả mục tiêu 6,3-6,5% cũng rất khó khăn (theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế).

Về dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong quý IV và cả năm 2016, theo ông Dương, kịch bản này phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Theo đó, GDP của các đối tác tăng 3,1%. Mức giá của Hoa Kỳ tăng 0,3%. Giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 0,85%. Giá dầu thô thế giới tăng 8,5% so với quý III.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm (tính trung bình) không thay đổi trong quý. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 5%. Tín dụng tăng 7% so với cuối quý III. Giá nhập khẩu giảm 1%. Dân số tăng 0,26%/năm, và việc làm tăng 0,32%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết không đổi so với quý III. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết tăng 1% trong quý. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ không đổi, trong khi chuyển giao của khu vực tư nhân (ròng) tăng 2% so với quý III. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tương đương với quý III/2016. Đầu tư từ nguồn NSNN và trái phiếu chính phủ được bổ sung lần lượt 60.000 tỷ đồng và 27.800 tỷ đồng.

Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý IV/2016 ước đạt 7,19%. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%. Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2016 dự báo tương ứng ở mức 8,82% và 7,44%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước đối tác nhanh hơn và Hoa Kỳ không nâng lãi suất thì tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2016 có thể đạt gần 7,7%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế đạt 4,8 tỷ USD cho cả năm 2016. CPI tiếp tục tăng, dự báo ở mức 1,47% trong quý IV.

Mô hình và cách thức tăng trưởng hiện đang có vấn đề

Có nhiều nguyên nhân khiến hai mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là tăng trưởng GDP và xuất khẩu không đạt. Cụ thể, theo ông Dương là do tư duy điều hành ngành vẫn chưa thực sự rõ, vẫn tương đối dàn trải, phân bố nguồn lực đang có vấn đề.

Lấy dẫn chứng về việc vẫn còn nhiều ý kiến đề xuất tăng nguồn hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản, ông Dương cho rằng, việc bổ sung nguồn lực cho ngành này, thì chắc chắn sẽ giảm nguồn lực cho các ngành khác. Đã vậy, do ngành bất động sản có lợi suất khá cao, nên mặt bằng lãi suất cho ngành này cũng tương đối cao. Điều này khiến lãi suất cho các ngành sản xuất khác khó giảm. Do vậy, hiện nay rất khó thể giảm lãi suất cho vay.

Một vấn đề khác theo ông Dương đó là tư duy điều hành giá. Sức ép đối với lạm phát cơ bản hiện không nhiều, mà sức ép gia tăng lạm phát nói chung lại xuất phát từ chi phí đẩy. Năm trước thực tế không rõ lắm, năm nay rõ hơn. Điều này liên quan tới nhiều động lực phát triển của các ngành này. Nhất là việc tăng giá y tế và ngành điện lại không tạo điều kiện cho họ đổi mới.

Đã vậy, cách điều hành lạm phát theo phân quyền tăng giá lại vô tình làm gia tăng áp lực lạm phát lên năm sau.

Làm rõ hơn ý của đồng nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM trăn trở: “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay của chúng ta chắc chắn không đạt được, nên phải làm rõ nguyên nhân vì sao, và liệu nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng theo kiểu như thế nữa hay không?”.

Theo ông Cung, mô hình và cách thức tăng trưởng hiện nay vẫn dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào là lao động, tài nguyên…, mà không chú ý đến những yếu tố dài hạn của tăng trưởng như năng suất, chất lượng.

Trong khi đó, điều hành của chúng ta là sử dụng những công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua các chính sách tăng huy động, tăng đầu tư, tăng tín dụng với các chính sách tài khóa, tiền tệ liên tục được mở rộng. Thậm chí, Chính phủ còn sử dụng hàng loạt các gói kích cầu, hỗ trợ khi nền kinh tế khó khăn.

“Cứ mở đầu tư, là cách dễ nhất, thông qua tăng thu, tăng chi nhà nước và một khi không đủ thì lại đi vay khiến cho bội chi tăng lên. Bất ổn kinh tế vĩ mô nằm chờ chực ở trong đấy, nên không thể bền vững về vĩ mô được”, ông Cung thẳng thắn.

Chính vì cách thức điều hành đó đã khiến chúng ta dường như quên đi cải cách, chỉ chú ý đến mục tiêu ngắn hạn, lơ đi yếu tố thị trường.

Trong 30 năm qua, cứ sau mỗi 10 năm thì tăng trưởng GDP giảm 1%. Thập niên đầu tiên sau đổi mới tăng trưởng trung bình 8%, thập niên sau đó còn 7% và đến nay tăng trưởng chỉ còn 6%. Câu hỏi đặt ra, nếu tiếp tục đà này, không có thay đổi về nhiều mặt, liệu tăng trưởng có xuống 5% ở thập niên tới? Và, khi tăng trưởng chỉ còn 5%, thì có ổn định được vĩ mô không?

Vì thế, "hệ điều hành hiện đã lạc hậu lắm rồi phải thay đổi hệ điều hành khác, chúng ta phải góp phần vào sự thay đổi đó”, ông Cung mạnh mẽ.

Cùng với đó, thị trường sản phẩm dịch vụ phải là thị trường cạnh tranh, đặc biệt là thị trường đất đai, phải chuyển được tài sản đất đai thành vốn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn chia sẻ, cách thay đổi này là “cực kỳ khó khăn, bởi nó không chỉ nằm ở tư duy mà còn nằm ở quyết tâm thực hiện, thậm chí là có cả chống đối, vì nếu thay đổi thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của một nhóm lợi ích nào đó trong bộ máy”.

Đồng tình với ý kiến của ông Cung, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế đã nói nhiều quá nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Lý do là bởi tư duy nhiệm kỳ quá lớn.

“Thực tế đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có mô hình tăng trưởng rõ ràng, lại không có tổ chức tốt để tái cấu trúc. Nếu chỉ giao các bộ, các doanh nghiệp làm đề án thì 5 năm nữa cũng không có kết quả. Tái cấu trúc nền kinh tế phải có một ban chỉ đạo chuyên biệt”, ông Ân đề xuất./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư