Những “góc khuất” của cuộc di cư nội địa

17:57 | 16/12/2016 Print
- Di cư nội địa là nguyên nhân quan trọng gây biến động dân số, có quan hệ chặt chẽ với nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Vậy di cư nội địa ở Việt Nam 3 thập kỷ qua ra sao? “Góc khuất” của cuộc di cư là gì, và “chìa khóa” nào để mở ra cuộc sống mới cho người di cư hài lòng?

Sáng 16/12 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc phối hợp tổ chức Hội nghị Công bố kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia 2015. Cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về di cư nội địa ở cấp quốc gia, cấp vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối với người di cư. Qua đó, cũng chỉ ra những “góc khuất” về cuộc di cư nội địa trong 3 thập kỷ qua.

“Chảy máu” chất xám ở nông thôn

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, di cư tác động mạnh tới tình hình kinh tế - xã hội quốc gia. Dòng di cư xuất phát từ sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, nhu cầu công việc. Kết quả điều tra thu thập thông tin nhằm xây dựng chính sách giúp người di cư nghèo nhận được sự quan tâm hơn từ nhà nước; đồng thời, cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam.

Kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia 2015 đã chỉ ra nhiều “góc khuất” của cuộc di cư nội địa

Thực tế, đây là cuộc điều tra chọn mẫu và nghiên cứu định tính được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành trong cả nước, đại diện cho 6 vùng kinh tế, xã hội và 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia lần thứ hai, sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2004 do Tổng cục Thống kê thực hiện tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê và Dân số, Tổng cục Thống kê, cho biết, trong 5 năm qua Việt Nam có tới 13,6% dân số cả nước là người di cư, với độ tuổi từ 15-59 tuổi, trong đó, độ tuổi từ 25 đến 49 chiếm tỷ lệ đến 90%. Đáng chú ý, trong tổng số dân thành thị có tới gần 20% là người di cư. Gần 80% người di cư xuất thân từ nông thôn ra thành thị.

Cụ thể, do các điều kiện về tự nhiên, công việc nên vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc cao nhất cả nước, chiếm 87,8%. Tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng 81,0%. Và đây cũng là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước nên thu hút một lượng lớn lao động đến nhập cư. Phần lớn họ ra thành phố để kiếm việc làm phù hợp, và đa số là tìm được việc làm ở nơi đến.

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (khoảng 31,7% so với 24,5%). Tỷ lệ người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, còn tỷ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trên thực tế, nhiều người trẻ di cư tới thành thị vì có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn.

“Trong tất cả những khó khăn người di cư gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Có tới 42,6% người di cư gặp khó khăn về chỗ ở, hơn 50% số người di cư phải ở phòng trọ; nhà cửa chật hẹp, khoảng 40% so người di cư đang ở diện tích khoảng 10m2/người, thậm chí gần 20% người di cư phải ở trong diện tích bình quân rất nhỏ (dưới 6m2/người). Tại các khu trọ của công nhân khu công nghiệp, khu trọ sinh viên thể hiện rõ nhất” – Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê và Dân số, Tổng cục Thống kê.

Bên cạnh đó, người di cư chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng với các ngành nghề như: nhà chuyên môn bậc trung; nhân viên văn phòng, lao động phổ thông, thợ vận hành, lắp ráp thiết bị; thợ thủ công… Cụ thể, về trình độ chuyên môn kỹ thuật và tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học của nhóm người di cư cao gần gấp đôi người không di cư. Đa số học sinh, sinh viên từ nông thôn ra thành thị học rất ít trở về quê, mà sống, làm việc tại thành thị.

Thực tế, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị khiến nông thôn đối mặt nhiều khó khăn. Phần lớn lao động có sức khoẻ, tri thức đã di cư ra thành phố sống, khiến nông thôn thiếu người lao động. Điều này, là người di cư gặp phải nhiều khó khăn về nhà ở, đăng ký hộ khẩu và ô nhiễm môi trường… Điều này góp phần quan trọng trong đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng ở thành thị, và giảm lực lượng lao động ở nông thôn.

Tuy nhiên, số người có trình độ đang dịch chuyển dần từ nông thôn ra thành phố. Di cư mang lại nhiều lợi ích cho gia đình người di cư (như có tiền gửi về quê, thu nhập tốt hơn). Cụ thể, khoảng trên 30% số lượng người di cư gửi được tiền về nhà, trung bình người di cư gửi khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn tỷ lệ trên 5 triệu đồng là trên 10%.

Mặc dù, lực lượng di cư góp phần đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, nhưng lại làm thay đổi cơ cấu lao động, một phần lao động nông nghiệp chuyển về thành thị, nên chỉ có sự chuyển dịch về cơ cấu ngành, từ nông nghiệp sang công nghiệp. Điều này khiến nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn (như thiếu lao động). Từ đó khiến người già, trẻ em phải làm việc nặng nhọc khi mùa vụ đến; học hành của con cái thiếu sự quản lý của cha mẹ. Gánh nặng công việc đồng áng đè nặng lên vai phụ nữ khi chồng di cư.

Người di cư gặp nhiều khó khăn

Kết quả điều tra cho thấy, 95% người di cư từ nông thôn ra thành thị làm nghề cá thể hoặc lĩnh vực phi chính thức, bấp bênh. Phần lớn người di cư trẻ và trình độ cao hơn người không di cư nên làm cho nơi di cư đến phát triển hơn. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, người di cư gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy, người di cư phải trả tiền điện và nước cao hơn so với người không di cư. Người di cư tập trung ở những nơi đông đúc, mật độ ô nhiễm khí thải, ô nhiễm nguồn nước, và nhiệt độ trung bình tăng cao hơn so với nơi cư trú cũ.

Cần có chính sách hỗ trợ để cuộc sống của người di cư đỡ thiệt hòi hơn

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, trong tất cả những khó khăn người di cư gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Có tới 42,6% người di cư gặp khó khăn về chỗ ở, hơn 50% số người di cư phải ở phòng trọ; nhà cửa chật hẹp, khoảng 40% so người di cư đang ở diện tích khoảng 10m2/người, thậm chí gần 20% người di cư phải ở trong diện tích bình quân rất nhỏ (dưới 6m2/người). Tại các khu trọ của công nhân khu công nghiệp, khu trọ sinh viên thể hiện rõ nhất.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, nhiều trẻ em thiệt thòi khi không được sống gần cha mẹ, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, chủ yếu sống với ông bà. Điều này rất đáng lo ngại vì dễ gây ra hệ lụy như trẻ em vướng phải tệ nạn xã hội.

Hơn nữa, rất ít người di cư tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, đa phần dựa vào người thân trong gia đình (khoảng 60%). Người di cư nhận được sự giúp đỡ về tinh thần khoảng 70%, 50,8% giúp đỡ về chỗ ở, 35% được giúp đỡ về tiền bạc.

Đáng chú ý, khoảng 44,3% người di cư chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú với chính quyền vì đa phần người di cư cho rằng, không cần thiết. Tuy nhiên, phỏng vấn sâu chỉ ra rằng, người di cư vẫn gặp phải những khó khăn do không đăng ký hộ khẩu thường trú; khó tiếp cận hệ thống giáo dục công, các dịch vụ y tế; tín dụng chính thức...

“Chìa khóa” giải quyết bài toán di cư

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết, kết quả của cuộc điều tra này cung cấp bằng chứng giúp hiểu hơn về tác động tích cực và thách thức của di cư nội địa ở Việt Nam. Từ đó xác định những thay đổi cần thiết trong chính sách và thực tế giúp người di cư có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là những người di cư nghèo và dễ bị tổn thương, để xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình di cư vì lý do kinh tế và tự nguyện.

Còn TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển cho rằng, di cư là tất yếu, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chúng ta phải đón nhận và giải quyết các tồn tại một cách tốt nhất. Bởi di cư của chúng ta mang tính tự phát, không kiểm soát nên gây ra một số hệ luỵ. Do vậy, cần có phương thức để định hướng, dẫn dắt, điều chỉnh quá trình di cư, luồng di cư bằng các quy hoạch đô thị hoá, quy hoạch khu công nghiệp phù hợp.

Tổng cục Thống kê đề xuất chính sách, quy hoạch phát triển của các vùng cần tính đến yếu tố di cư để có thể tranh thủ đóng góp tốt nhất của người di cư tại địa phương tiếp nhận. Hơn nữa, để hạn chế khó khăn của nông thôn từ tình trạng di cư, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phát triển bền vững nông thôn, cải thiện môi trường sống, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nông dân. Đặc biệt, hộ gia đình nghèo cần được hỗ trợ vay vốn để thay đổi nghề, miễn phí khoá đào tạo nghề…

Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp Quốc kêu gọi các cơ quan Chính phủ, các bộ, ban ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức đa phương và song phương, các doanh nghiệp và các trường đại học đầu tư thời gian và nguồn lực trong việc phân tích và sử dụng các số liệu hết sức giá trị này giúp xây dựng các chính sách và chương trình đáp ứng được nhu cầu của người di cư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, động lực chính khiến họ di cư là kinh tế. Do đó, trong những “chìa khóa” giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người di cư và xã hội là chính sách cải thiện trình độ giáo dục cho người di cư, tiếp cận cơ hội việc làm ổn định có thu nhập tốt hơn cho người di cư; giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn… Đồng thời, tạo điều kiện cho người di cư nhập hộ khẩu để tạo cơ hội cho con em người di cư có cơ hội học tập tốt hơn./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư