Nhiều bất cập tại các dự án BOT giao thông: Đâu là giải pháp?

16:02 | 24/02/2017 Print
- Trong số 27 dự án BOT được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra có đến 11 dự án xác định dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng làm tăng 465,5 tỷ đồng.

Hầu hết theo hình thức chỉ định thầu

Ngày 21/02/2017, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2011-2016, cơ quan này đã kiểm toán 27 dự án giao thông BOT. Kết quả cho thấy, hầu hết dự án đều chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, chỉ có một số ít là đấu thầu. Các dự án đều có sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Có 11 dự án tính toán, xác định dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng làm tăng 465,5 tỷ đồng (Tuấn Thùy, 2017).

Nhiều dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT có sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá

Đáng lưu ý là trạm thu phí cho dự án, lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT, nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư. Hay, khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km, nhưng đều được sự chấp thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và địa phương. Việc này làm cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.

Bên cạnh đó, có tình trạng cứ qua trạm là thu phí, không kể chiều dài đi được bao nhiêu. Việc này đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương hằng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí, vì dù đi quãng đường rất ngắn nhưng lại trả phí như những xe đi quãng đường xa.

Ngoài ra, trong vận hành, khai thác chưa có kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu của đơn vị lập.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân của những bất cập nêu trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư chưa được ban hành kịp thời, chưa cụ thể, chi tiết, thiếu chặt chẽ... Bên cạnh đó, việc tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng... làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Cần công khai, minh bạch

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo sửa đổi chính sách, ưu tiên vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng. Chỉ lựa chọn đầu tư theo hợp đồng BOT các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo lại những tuyến đường không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức BOT. Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, công khai các yếu tố, như: chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ chủ sở hữu...

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần “nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch”.

Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó quy định khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án.

Về quan điểm của mình đối với các dự án BOT, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, phải công bằng, minh bạch thông tin, giá thành cấu thành thế nào, lợi nhuận trên vốn đầu tư là bao nhiêu, thời gian như thế nào.

“Vấn đề còn lại chúng tôi cũng quan ngại là BOT một thời gian, sau khi thu phí trả lại cho xã hội, lúc đầu trong quá trình vận hành còn tốt, nhưng khi trả cho xã hội thì sợ không còn tốt nữa. Chất lượng là rất quan trọng, những công trình giao thông phải hàng trăm năm, thu phí 15-20 năm, còn lại 70-80 năm như thế nào?. Tiêu chuẩn chất lượng của BOT cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm” ông Quốc nêu (Quỳnh Hoa, 2017).

Liên quan đến những giải pháp nhằm hạn chế những bất cập đang diễn ra tại các dự án BOT, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải là một bên ký Hợp đồng BOT, nhưng Bộ Giao thông Vận tải không trả tiền cho nhà đầu tư, người dân mới là người mua hàng thanh toán các khoản đầu tư, vốn vay ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư. Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải chỉ là bên được dân ủy quyền, do đó người dân phải được biết các thông tin về quy hoạch, chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian thu phí.

“Bản thân người dân không trực tiếp giám sát mà Hội đồng Nhân dân các cấp và Quốc hội là cơ quan thay mặt dân để giám sát. Do đó, các dự án BOT có mức đầu tư lớn, phải được Quốc hội giám sát, Kiểm toán Nhà nước phải tiến hành kiểm toán và công bố công khai cho dân biết” ông Liên nói.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng, các cơ quan nhà nước cần rà soát các văn bản quy phạm, sửa đổi cho phù hợp với Luật Đầu tư. Trước mắt, khắc phục một số việc, như: điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách, làm đường cao tốc phải đầu tư xây dựng mới đúng quy chuẩn, có quốc lộ song song, để người dân lựa chọn, minh bạch suất đầu tư và vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh triển khai sớm thu phí 1 dừng và không dừng./.

Tham khảo từ:

1. Tuấn Phùng (2017). Kiểm toán 27 dự án BOT, giảm gần 100 năm thu phí!, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170222/kiem-toan-27-du-an-bot-giam-gan-100-nam-thu-phi/1268695.html

2. Quỳnh Hoa (2017). Yêu cầu làm rõ tính minh bạch trong các dự án giao thông BOT, truy cập từ, http://www.vietnamplus.vn/yeu-cau-lam-ro-tinh-minh-bach-trong-cac-du-an-giao-thong-bot/431896.vnp

3. Bùi Danh Liên (2017). Phương thức đầu tư và những bất cập của các dự án BOT giao thông, truy cập từ http://enternews.vn/phuong-thuc-dau-tu-va-nhung-bat-cap-cua-cac-du-an-bot-giao-thong.html

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư