e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Vài quan sát ban đầu từ dữ liệu Scopus về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam

17:08 | 03/05/2017 Print
- Có ý kiến cho rằng, đối với những ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, thì yêu cầu bắt buộc phải công bố quốc tế là không phù hợp, điều này liệu có đúng?

Thời gian gần đây, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học theo các chuẩn quốc tế là một chủ đề thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu và làm chính sách. Mới đây nhất, những thay đổi về điều kiện tốt nghiệp và điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh trong quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, ngày 04/04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tạo ra những phản ứng trái chiều.

Theo đó, để tốt nghiệp tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải có ít nhất 02 bài báo khoa học về kết quả nghiên cứu của luận án. Trong đó, có tối thiểu một bài báo được đăng trong những tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI Thomson Reuters hoặc của cơ sở dữ liệu Scopus – Elsevier (sau đây gọi chung là danh mục các tạp chí ISI-Scopus), hoặc phải có ít nhất hai bài đăng kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc tế có phản biện.

Thông tư cũng quy định rõ người hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ cũng phải là tác giả chính 01 bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc một số tiêu chuẩn tương đương. Tuy vậy, cũng vẫn có ý kiến cho rằng, đối với những ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, thì yêu cầu bắt buộc phải công bố quốc tế là không phù hợp, mà chỉ nên khuyến khích với lý do chính là KHXH&NV ở Việt Nam có tính đặc thù [1, 2, 9].

Để đánh giá lập luận này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu từ 410 nhà KHXH&NV tại Việt Nam đã có bài đăng trên những tạp chí thuộc danh mục của Scopus và phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng công bố quốc tế dựa trên mẫu dữ liệu trên.

Thực trạng nghiên cứu về sản lượng khoa học ở Việt Nam

Trên thế giới, ngành nghiên cứu về sản lượng khoa học và các yếu tố liên quan đến nghiên cứu khoa học thuộc về một ngành lớn hơn gọi là trắc lượng khoa học (scientometrics). Ngành này được ra đời trong thập niên 1960, là một nhánh của khoa học thông tin, có thể được định nghĩa là: lĩnh vực nghiên cứu định lượng về khoa học, trao đổi thông tin trong khoa học và chính sách khoa học [3]. Ở Việt Nam, lĩnh vực này còn tương đối mới. Một vài nghiên cứu định lượng về công bố khoa học và nghiên cứu khoa học nói chung đã xuất hiện tại Việt Nam, như: Nghiên cứu về công bố khoa học tại Việt Nam nhìn từ dữ liệu của Scopus trong giai đoạn 1996-2003 của Hồ (2015); Nghiên cứu về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam của Nguyễn, Hồ & Lê (2016); Nghiên cứu về sản lượng khoa học và mối quan hệ của nó đối với nền kinh tế tri thức: phân tích về các nước ASEAN của Nguyễn và Phạm (2011) [6, 7, 8].

Tuy nhiên, vẫn chưa có những nghiên cứu chuyên sâu hơn dành riêng cho ngành KHXH&NV. Vì vậy, việc xây dựng bộ dữ liệu đầy đủ về việc công bố quốc tế của những nhà nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam là cơ sở đánh giá cần thiết cho những lập luận xung quanh yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế trong tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ mới hay dự thảo tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).

Không những thế, với một cơ sở dữ liệu đầy đủ và những phân tích sâu hơn về những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng khoa học, người quản lý, giới hoạch định chính sách và những người làm giáo dục tại Việt Nam sẽ có được cái nhìn trung thực và khách quan bức tranh KHXH&NV hiện nay của nước ta. Từ đó, việc đưa ra chính sách, thay đổi cơ cấu và phân bổ nguồn lực cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Thu thập dữ liệu

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra và thu thập thông tin của 410 nhà KHXH&NV ở Việt Nam đã có bài đăng trên các ấn phẩm khoa học thuộc danh mục của Scopus trong vòng 10 năm qua, từ 2008-2017. Theo ước tính ban đầu, con số 410 chiếm không dưới 80% tổng số học giả Việt Nam đã xuất bản trong Scopus. Để xây dựng dữ liệu, nhóm nghiên cứu sử dụng các nguồn, như: website cá nhân và tổ chức của tác giả, Google Scholar, các tạp chí nơi bài đã được đăng, và Scopus. Tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu tiến hành đối chiếu với thông tin của từng tác giả trên mạng để kiểm tra độ xác thực và tạo liên kết giữa các tác giả với nhau, và với tổ chức mà tác giả công tác. Những thông tin thu thập được bao gồm: (i) tuổi, giới tính, vùng miền; (ii) số năm nghiên cứu tính từ khi tốt nghiệp thạc sĩ; (iii) số lần làm tác giả chủ đạo; (iv) số lần làm tác giả cộng sự; (v) số lượng những học giả Việt Nam hợp tác cùng một tác giả; (vi) số lượng những học giả nói chung hợp tác cùng một tác giả; (vii) đơn vị trực thuộc; (viii) lĩnh vực nghiên cứu; (ix) có chức danh GS, PGS hay không...

Trên các thông tin này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bảng tập hợp số liệu các chỉ tiêu (như ở Hình 1), giúp công việc phân tích tiếp theo sâu hơn.

Những kết quả ban đầu

Với việc sử dụng phần mềm thống kê R (v3.3.3) để tính toán các đại lượng đặc trưng và biểu diễn hệ số tương quan giữa các yếu tố [10], nhóm đã có một số kết quả ban đầu dưới đây:

Thứ nhất, xuất bản trong lĩnh vực KHXH&NV của người Việt Nam trên các ấn phẩm khoa học của Scopus bao trùm ít nhất là 12 lĩnh vực lớn (luật, chính trị, quản trị, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội học, tâm lý học...) như phân bố trong Hình 2. Nhìn vào phân bố có thể thấy rõ chúng ta đã có những học giả thành công trong việc công bố quốc tế đến từ những ngành được cho là mang tính đặc thù tại Việt Nam.

Thực tế này chỉ ra sự thiếu thuyết phục của luận điểm cho rằng, yêu cầu công bố trên ấn phẩm quốc tế không phù hợp với sự đặc thù của KHXH&NV tại Việt Nam. Nếu trong ngành KHXH&NV đã có những nhà khoa học thành công như vậy, thì phản ứng hợp lý trước tiêu chuẩn đào tạo mới hoặc dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS nên bắt đầu tìm hiểu rõ những yếu tố dẫn đến việc họ vượt qua được rào cản về tính đặc thù để công bố quốc tế, chứ không phải phủ nhận khả năng công bố quốc tế của nền KHXH&NV nước nhà bằng những đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính.

Thứ hai, mặc dù thống kê cho thấy người có sản lượng tuyệt đối cao nhất đạt tới 63 bài trong gần 10 năm qua, nhưng sản lượng bình quân chỉ là 3,6. Người có số bài giữ vai trò chủ đạo cao nhất là 60, nhưng bình quân toàn mẫu dữ liệu chỉ là 1,77 (xem Bảng 1).

Ngoài ra, để có được cái nhìn chuẩn xác hơn về mức độ đóng góp của mỗi học giả trong sản phẩm khoa học, nhóm nghiên cứu đã tính điểm đóng góp bằng cách sử dụng phương pháp quy đổi SDC (Sequences Determine Credit - thứ tự của tác giả quy định số điểm đóng góp). Theo đó, thứ tự của tên tác giả tỷ lệ nghịch với số điểm đóng góp: tác giả thứ nhất được 100%, tác giả thứ hai được 50%... [4,10]. Theo cách này, chúng tôi đã tìm ra những trường hợp có sản lượng tuyệt đối cao, nhưng số điểm quy đổi thấp hơn đến 4 lần. Điều này cho thấ, sản lượng tuyệt đối cao không đồng nghĩa với đóng góp nhiều trong mỗi bài viết.

Thứ ba, được biểu hiện trong Hình 3. Theo đó, mỗi hình tròn đại diện cho một nhà KHXH&NV; số năm nghiên cứu được thể hiện trên trục hoành; tổng số bài đã đăng được thể hiện qua đường kính của hình tròn; và tổng số bài đã đăng với vai trò chủ đạo được thể hiện bằng trục tung.

Có thể thấy dường như tuổi nghề nghiên cứu không tỷ lệ thuận với sản lượng công bố quốc tế. Nhóm có tuổi nghề trung bình (từ 15-25 năm) là nhóm tích lũy được số công trình nhiều nhất và cũng là nhóm thực hiện vai trò chủ đạo trong nghiên cứu nhiều nhất. Nhóm trẻ hơn và nhóm được cho là giàu kinh nghiệm hơn đều có sản lượng thấp hơn và không đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra, thống kê cũng chỉ ra rằng, với hệ số tương quan là 0,832, số lượng bài đăng với vai trò chủ đạo góp phần giải thích hơn 69% sự biến thiên của số công trình được công bố.

Có thể đưa ra giả thiết ban đầu rằng, nhóm trẻ hơn còn đang tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu, trong khi thế hệ được cho là giàu kinh nghiệm lại vướng phải những rào cản, như: (i) ngôn ngữ; (ii) kỹ thuật; (iii) phương pháp; (iv) khuynh hướng công bố hiện đại; (v) những kỹ năng cơ bản như: máy tính, Internet, khai thác cơ sở dữ liệu hiện đại và giao tiếp với cộng đồng toàn cầu.

Vài suy nghĩ rút ra

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc đưa chuẩn nghiên cứu và đào tạo khoa học tại Việt Nam lên gần với chuẩn thế giới là bắt buộc. Đây sẽ là một quá trình khó khăn và gặp phải không ít trở ngại trong thực tiễn cũng như tư duy, nhưng chỉ có trong giai đoạn đầu - giao thời. Tuy vậy, bước đầu tiên để đưa ra giải pháp cho quá trình này chính là những nhận thức chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Qua việc tổng hợp và phân tích dữ liệu về việc công bố quốc tế của lĩnh vực KHXH&NV, nhóm nghiên cứu đã thấy được sự thiếu thuyết phục trong luận điểm cho rằng, tính đặc thù của nền KHXH&NV Việt Nam là rào cản quá lớn cho việc công bố quốc tế. Đồng thời, cũng không nên tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế bằng những khác biệt, đặc thù này nọ!

Bên cạnh đó, theo ước tính ban đầu của nhóm, chỉ khoảng 500 nhà nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam đã có bài đăng trong ấn phẩm khoa học thuộc danh mục của Scopus. Trong khi, theo con số của Bộ Khoa học và Công Nghệ, năm 2015, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ. Giả sử số lượng tiến sĩ trong lĩnh vực KHXH&NV chiếm 1/2, thì rõ ràng con số 500 trên là quá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để KHXH&NV Việt Nam có thể nâng tầm ảnh hưởng quốc tế nếu không thể cải thiện tỷ lệ đang rất thấp này?

Năm 2016, nghiên cứu của Lavière và Costas về mối quan hệ giữa năng suất nghiên cứu và tầm ảnh hưởng khoa học trên cơ sở dữ liệu về 28 triệu nhà khoa học trên thế giới từ 1980-2013 đã chỉ ra rằng, nhà khoa học chỉ có thể đạt tới mức ảnh hưởng lan tỏa tốt (mục tiêu quan trọng bậc nhất) sau khi đã nỗ lực hết sức để cải thiện năng suất lao động và qua đó tăng được sản lượng xuất bản [5]. Hơn thế nữa, nghiên cứu còn chỉ ra, do không thể xác định được điểm rơi tối ưu về sản lượng đem lại ảnh hưởng đỉnh cao, nên không còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực hết sức và còn hơi sức thì còn sản xuất.

Như vậy, có thể lập luận rằng, để nâng tầm ảnh hưởng của nền KHXH&NV của Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, khuyến khích gia tăng sản lượng công bố quốc tế là một chiến lược đúng hướng. Vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện thành công hướng đi này nhiều khả năng nằm ở những điểm đã nêu: ngôn ngữ, phương pháp, cách tiếp cận theo xu hướng nghiên cứu khoa học hiện đại cũng như hiệu quả tận dụng sức mạnh công nghệ kỷ nguyên số... . /.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Hà (2017). Sự thật giáo sư rởm xét duyệt giáo sư thật, truy cập từ http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-su-rom-xet-duyet-giao-su-that-loi-nguoi-trong-cuoc-3332918/

2. Hoàng Thanh (2017). Tiêu chuẩn GS, PGS: Tôi cực lực phản đối “quốc tế hóa” kiểu “thầy bói xem voi”, truy cập từ http://infonet.vn/tieu-chuan-gspgs-toi-cuc-luc-phan-doi-quoc-te-hoa-kieu-thay-boi-xem-voi-post225340.info

3. Hess, D. J. (1997). Science studies: an advanced introduction, NY: New York University Press

4. Hunt, R. (1991). Trying an authorship index, Nature, 352(6332), 187-187

5. Larivière V, Costas R (2016). How Many Is Too Many? On the Relationship between Research Productivity and Impact, PLoS ONE, 11(9): e0162709

6. Manh, H. D. (2015). Scientific publications in Vietnam as seen from Scopus during 1996–2013, Scientometrics, 105(1), 83-95

7. Nguyen, T. V., & Pham, L. T. (2011). Scientific output and its relationship to knowledge economy: an analysis of ASEAN countries, Scientometrics, 89(1), 107-117

8. Nguyen, T. V., Ho-Le, T. P., & Le, U. V. International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact, Scientometrics, 110(2), 1-17

9. Quý Hiên (2017). Nghịch lý giáo sư, phó giáo sư: Sững sờ trước những con số, truy cập từ http://thanhnien.vn/giao-duc/nghich-ly-giao-su-pho-giao-su-sung-so-truoc-nhung-con-so-824619.html

10. Schmidt, R. H. (1987). A worksheet for authorship of scientific articles, Bulletin of the Ecological Society of America, 68(1), 8-10

11. Vuong Q.H. (2016). Determinants of firm performance in a less innovative transition system: exploring Vietnamese longitudinal data, Int J of Transitions and Innovation Systems, 5(1): 20-45

Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Đỗ Thu Hằng, Công ty Vương và cộng sự

Phạm Hùng Hiệp, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan

Vương Thu Trang, Học viện Science Po, Pari, Pháp

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 12/2017)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư