Xây dựng các đặc khu kinh tế: Việt Nam chủ động tạo ra một "sân chơi mới"

09:23 | 18/05/2018 Print
- Việc phát triển 3 đặc khu thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đối với việc mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Đặc khu – Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công, ngày 18/05/2018.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Các quốc gia đều ra sức tạo ra các sân chơi với nhiều mô hình mới để thu hút FDI

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã có quá trình phát triển lâu dài trên thế giới.

Từ cuối những năm 1960 đến nay, các mô hình ĐKKT có sự phát triển đa dạng với các tên gọi khác nhau như: khu kinh tế, khu tự do, ĐKKT, khu thương mại tự do, thành phố tự do... tại các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và nhiều quốc gia khác trên thế giới, cho thấy các quốc gia đều ra sức tạo ra các sân chơi với nhiều mô hình và thể chế khác nhau, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút đầu tư FDI góp phần phát triển đất nước mình.

Bên cạnh đó, số lượng các ĐKKT tăng nhanh qua từng thời kỳ. Từ 9 khu tại 9 quốc gia vào những năm 1960, cho đến nay đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dẫn đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế năm 2016 (The Economist - 2016), sự phát triển của các ĐKKT góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp, Bộ trưởng Dũng cho biết: “Hiện nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang tiếp tục xây dựng mới và hoàn thiện các mô hình ĐKKT với những cơ chế, chính sách hấp dẫn và thuận lợi hơn”.

Hai mục tiêu chính của các đặc khu

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hợp tác phát triển quốc tế và khắc phục những hạn chế của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện tại, Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại 03 địa điểm là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, việc phát triển 3 đặc khu thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đối với việc mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.

Các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính:

Một là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới; nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Hai là, chủ động tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.

Luật Đặc khu phải đảm bảo vượt trội, cạnh tranh quốc tế

Để xây dựng và thu hút đầu tư vào các đặc khu, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng hành lang pháp lý đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, môi trường, sức khỏe của người dân, đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Luật quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với những chính sách vượt trội, cạnh tranh, không phải chỉ là những ưu đãi về thuế và đất đai, mà chủ yếu là tổ chức chính quyền, thẩm quyền người đứng đầu, cam kết của Chính phủ giữ ổn định và lâu dài về chính sách; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế với môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.

Dự án Luật Đặc khu đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới.

Cho đến nay, Dự án Luật đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp thu ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan, đặc biệt là ý kiến tư vấn, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các tổ chức, cơ quan tư vấn có uy tín trên thế giới như BCG, PWC, AVSE, Tổ chức Khu tự do Thế giới (WFZO),…

Là cơ quan được giao soạn thảo Luật, để kiểm chứng thực tiễn và chỉnh lý các nội dung tại dự thảo Luật đảm bảo vượt trội, cạnh tranh quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiên cứu mô hình ĐKKT ở 13 quốc gia thành công trên thế giới và tổ chức nhiều Đoàn công tác học tập kinh nghiệm phát triển ĐKKT của các quốc gia như UAE, Trung Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần đây nhất, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội đã tham dự Hội nghị và Triển lãm quốc tế về Khu tự do tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Việc tham gia Diễn đàn quốc tế lớn nhất về Khu tự do thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển các đặc khu ngang tầm thế giới. Diễn đàn cũng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi sự hợp tác cùng phát triển giữa các cơ quan của quốc tế và Việt Nam, đồng thời, thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới về các chính sách cởi mở, thông thoáng, cạnh tranh, vượt trội tại các đặc khu, qua đó, chào đón các nhà đầu tư đến với các đặc khu của Việt Nam.

Với cuộc Cách mạng Khoa học Công nghiệp lần thứ 4, thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới, trong đó việc kết nối, hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu.

“Dự kiến khi được thông qua, Luật Đặc khu với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển ba đặc khu, tạo sự tác động lan tỏa, tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, xây dựng dự án Luật Đặc khu là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Vì thế, nên xây dựng một bộ luật phải thận trọng, phải cập nhật với thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn.

“Trong quá trình thực tế, nếu cần bổ sung hoàn thiện, thì sẽ bổ sung hoàn thiện”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Cho rằng, sau khi luật này được ban hành, thì phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để luật có thể thành công, có thể đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Dũng mong được sự ủng hộ, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư