e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

“Chúng tôi thấy tính chu kỳ trong các đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh!”

16:49 | 31/07/2018 Print
- TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI đã nhận định như vậy tại Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”, ngày 31/7/2018.

TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo

Khoảng cách từ lời nói đến thực thi đã được cải thiện

"Tại Quốc hội tôi đã từng phát biểu con đường dài nhất Việt Nam không phải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động", Chủ tịch VCCI dẫn lại câu nói của mình trước đó và ông nhận định, hai năm qua con đường này đã được cải thiện hơn rất nhiều.

“Chúng ta thấy có nhiều điểm tích cực hơn trong lời nói và hành động, nhất là trong khoảng thời gian hai năm qua, đặc biệt là với động thái hành động của Chính phủ mới. Ngay từ đầu Chính phủ mạnh mẽ với quan điểm kinh tế thị trường. Chúng ta có Nghị quyết có tính chất cách mạng là Nghị quyết 19 với mục tiêu tham vọng là 1 trong 3 nước ASEAN có môi trường thuận lợi trong kinh doanh. Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu là hoàn thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết này lại còn hạn chế, có sự gia tốc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ ngành nhưng chưa đạt yêu cầu”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 lại hoàn toàn khác biệt. Cùng tính chất là rà soát, nhưng lại được thực hiện trong tâm thế chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ đến các bộ. Theo đó, thời gian qua nhiều văn bản có tính “cởi trói” được ban hành. Trong đó, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu, sau đó là Bộ Y tế với Nghị định 15 về an toàn thực phẩm với hơn 90% thủ tục hành chính được bãi bỏ.

Đến tháng 6/2018, rất nhiều phương án (khoảng 11 bộ) đã được đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh - phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Người đứng đầu VCCI đánh giá, có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ điều kiện kinh doanh khá cao. Ví dụ, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải; Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ, tổng số điều kiện là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%; Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tổng số điều kiện là 78, đề xuất bỏ 47 điều kiện, sửa đổi 11 điều kiện, đạt tỷ lệ 74,36%...

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định rằng, đó là những hành động “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp, đối với các sản phẩm cụ thể, mà doanh nghiệp làm ra hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp...

Song, vẫn còn nhiều quan ngại

Mặc dù đánh giá cao những cải cách thời gian qua, nhưng TS. Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng, vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Cụ thể theo ông, 2 năm qua, dù gia tốc cải cách đã tăng lên nhưng chưa đạt yêu cầu.

Mặc dù, việc thực hiện chính sách cần độ trễ nhất định, nhưng quan sát hành động cụ thể thì thấy băn khoăn, thấy những trở ngại.

“Bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng như vừa kể ra, vẫn còn đó những quy định không hợp lý như trần khuyến mại không được vượt quá 50%..”, người đứng đầu VCCI chia sẻ.

Mặc dù vui mừng với con số 50-70% điều kiện kinh doanh được cắt giảm, song nhìn vào sâu bên trong thì thấy con số điều kiện kinh doanh được cắt giảm chưa thực chất.

Một số điều kiện kinh doanh lẽ ra cần được bãi bỏ hoàn toàn, nhưng lại vẫn tồn tại. Có điều kiện kinh doanh gồm 4 nội dung, nhưng bộ chỉ bỏ 1, 3 điều kiện còn lại đưa thành quy định. Hoặc điều kiện kinh doanh được sửa đổi cắt giảm kiểu như từ vốn pháp định sửa thành vốn điều lệ cũng lại tính vào là số điều kiện được cắt giảm.

“Như vậy cải cách dù có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn rất phiền hà. Tuy có sự thăng hạng, nhưng nhìn kỹ vào hệ thống chỉ tiêu thì thấy rằng, nhiều chỉ tiêu về chất lượng đạt rất thấp”, ông Lộc cũng cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy tính chu kỳ trong các đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có lúc thì cao trào, có lúc lại nguội lạnh. Cải cách phải được duy trì tính liên tục, chứ không thể lúc trồi, lúc sụt”.

Ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ: "Ngay trong một bộ thì có văn bản thì theo tư duy quản lý hậu kiểm, có đề xuất lại trở lại tư duy tiền kiểm..."

Cảnh báo rằng, đang tồn tại sự mâu thuẫn trong thực thi rà soát, sửa đổi, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ: “Chúng tôi thấy góc nhìn, quan điểm của các bộ ngành không giống nhau ở cùng một vấn đề. Có bộ đồng ý bỏ các điều kiện về phương án kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng có bộ thì không. Ngay trong một bộ thì có văn bản thì theo tư duy quản lý hậu kiểm, có đề xuất lại trở lại tư duy tiền kiểm... Đây là những lo ngại mà chúng tôi muốn cảnh báo”.

Lo ngại này xuất phát từ cách thức rà soát văn bản của các bộ, ngành khi không thực sự tuân thủ theo các tiêu chí về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư, cũng như không thống nhất tư duy quản lý nhà nước với các hoạt động doanh nghiệp. Sự không thống nhất này có thể thấy ngay trong 1 bộ, như trường hợp của Bộ Công Thương phải dừng thực hiện đề xuất nghị định về quản lý ngành phân phối.

Đặc biệt, trong khảo sát của VCCI, khá nhiều dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được gửi lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, cho dù đây là yêu cầu bắt buộc.

Còn Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng có nhiều điều kiện kinh doanh ràng buộc quy mô kinh doanh vượt quá mức cần thiết. Điều 4 của nghị định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho ít nhất 5.000 tấn, và có cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Các điều kiện về quy mô này cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ trong khi không rõ mục tiêu quản lý là gì (nếu quy mô thấp hơn thì ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng).

Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 để lấy ý kiến doanh nghiệp. Dự thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ tất cả những điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô doanh nghiệp. Nghị định này cũng đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp từ cuối tháng 8/2017.

“Nhưng không rõ vì lý do gì nghị định vẫn chưa được ban hành. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất chờ đợi ở việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 109 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.

Các điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền quản lý, cấp phép cũng tạo ra dư địa cho nhũng nhiều, hối lộ. Mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”.

Quan trọng vẫn là… thay đổi tư duy

Vẫn giữ thói quen thẳng thắn thường nhất, bà Phạm Chi Lan phát biểu rằng: “Hôm nay, tại Hội nghị này, chúng ta đã nghe rất nhiều lời cám ơn, nhưng chưa ai lên tiếng chia buồn với những doanh nghiệp không đợi được những sửa đổi hôm nay”.

Bà chỉ rõ, trong các nguyên nhân khiến số doanh nghiệp “chết” tăng cao, thì lý do về môi trường kinh doanh thường chiếm 50%.

“Như vậy, các bộ, ngành chịu trách nhiệm một nửa trong sự ra đi của các doanh nghiệp trước khi có những sửa đổi này”, bà Lan chua xót.

Chỉ rõ rằng, tư duy vẫn là chướng ngại lớn nhất trong cải cách, bà Lan chỉ rõ, tư duy quản lý vẫn mang mặc định các doanh nghiệp đã làm là sẽ có sai và khi “quản lý xã hội trên cơ sở nghi ngờ, thì lấy đâu có thể quản lý để phát triển được”.

“Hiện chúng ta đang có 2 vấn đề ngược chiều với thế giới. Cụ thể, quốc tế “nắm lớn buông nhỏ”, nhưng chúng ta lại ngược lại “buông lớn, nắm nhỏ”, tức là buông lỏng quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, tập trung “chiếu tướng” doanh nghiệp nhỏ. Thứ hai là, thế giới đang đi vào thuận lợi hóa thương mại, trong khi chúng ta lại gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa”, bà Lan phân tích.

Trên những lo lắng đó, theo vị chuyên gia này, cần thay đổi tư duy quản lý theo sự phát triển chung của thế giới, đồng thời cần nỗ lực tăng cường nội lực trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu.

“Cần lưu ý rằng, khi đo sửa đổi kinh doanh cần đo với các cam kết quốc tế mà chúng ta có, chứ không để tình trạng cam kết cứ cam kết, tự do hóa với bên ngoài, mà thắt chặt bên trong, thì sẽ mang tới những hậu quả rất lớn. Chúng ta cần cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng”, bà Lan đề xuất.

Lo ngại rằng, những điều kiện kinh doanh mới bắt đầu mọc trở lại, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay năng lực làm chính sách đang rất yếu. Các chuyên viên, các nhà hoạch định chính sách đang thiếu đi kỹ năng kinh tế thị trường mà lại “tăng kỹ năng copy & paste các văn bản tương tự”. Vì thế, ông đề xuất giải pháp là thay thế cán bộ, đào tạo cán bộ. Bởi, theo vị chuyên gia này, thì đầu tư cho chính sách chính là đầu tư phát triển.

Ông Hiếu cũng đề xuất thực hiện “Điều khoản mặt trời lặn”.

“Theo đó, cứ sau 3 năm nếu cơ quan nhà nước không chứng minh được sự cần thiết, thì nó tự hết hiệu lực”, ông Hiếu giải thích thêm.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra khuyến nghị: “Cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra...”.

Còn ông Đậu Anh Tuấn thì cho rằng, cần tăng cường cơ chế kiểm soát, bởi việc cắt giảm điều kiện nào, đơn giản hóa điều kiện nào đều dựa vào đánh giá của cơ quan chủ trì.

“Kể cả khi, phương án được lấy ý kiến, việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý cũng dựa vào ý chí của cơ quan soạn thảo mà không có bất kì một cơ quan nào xem xét”, ông Tuấn nhấn mạnh./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư