e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

"Một số địa phương cho rằng, vay ODA là được cấp, nên sử dụng tương đối thoải mái"

16:36 | 10/08/2018 Print
- Khi giao cho cộng đồng dân cư thì quản lý không tốt, cho nên hiệu quả đem lại không cao. Ví dụ, công trình nước 27%-28% hỏng ngay sau một thời gian sử dụng…

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá như vậy tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 9/08/2018, về nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội

Ông cho biết, việc ban hành các chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA cho thấy hệ thống pháp luật của chúng ta ngày được hoàn thiện và các chính sách này đã phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng vốn ODA.

Trong giai đoạn 2011-2016, Việt Nam đã ký được 319 hiệp định với số vốn trên 33,6 tỷ USD, cao hơn giai đoạn trước là 59%.

“Những số liệu này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về quản lý ODA cũng như các bộ, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành có liên quan cũng như các địa phương. Số vay nợ ODA đã tạo ra được nguồn lực tài chính to lớn để chúng ta tăng cường cơ sở vật chất cũng như nâng cao khả năng quản lý, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và các khoản vay này vẫn nằm trong giới hạn cho phép về nợ quốc gia không quá 50%, hiện nay mới trên 44%. Tất cả khoản nợ được trả nợ đúng hạn theo đúng cam kết của các hiệp định”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Tình hình giải ngân vốn rất tích cực, đã giải ngân được 28 tỷ (khoảng 560 ngàn tỷ đồng Việt Nam quy ra). So với 33,6 tỷ đã ký kết đây là một tỷ lệ giải ngân rất tích cực. Việc bố trí vốn đối ứng đã tạo được bước ưu tiên để chúng ta thực hiện dự án, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đã được tăng cường, đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các sai phạm và sai sót.

“Tuy nhiên, qua thực hiện chúng ta thấy hệ thống pháp luật của chúng ta bộc lộ những hạn chế, bất cập như báo cáo giám sát đã nêu, nổi lên còn một số điểm là tính thống nhất chưa cao, còn chồng chéo, chưa ổn định và có một số mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch phân bổ vốn nhìn chung chưa sát thực tế, chưa thực sự cân đối giữa các vùng miền. Đây là số liệu cần cân nhắc.

Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, quá trình thực hiện dự án còn thấp, thậm chí khá đắt so với thực tế. Tình trạng thất thoát, lãng phí, hư hỏng sau đầu tư đã xảy ra ở một số nơi với các mức độ khác nhau.

“Có tình trạng vay, khả năng vay cao nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế lại thấp, dẫn tới tình trạng người ta cho vay nhưng yêu cầu vốn đối ứng thì chúng ta lại không đủ, dẫn tới khả năng hấp thụ thấp. Tôi nói một góc cạnh thôi chứ chưa nói tất cả các góc cạnh. Có nhiều dự án tình hình trả nợ gặp khó khăn, dẫn tới phải khoanh nợ hoặc Chính phủ phải trả nợ thay, trả nợ hộ, tiếp tục thu hồi sau. Đó cũng là câu chuyện cho thấy hiệu quả đem lại chưa được cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa được thường xuyên, chưa có chiều sâu, phát hiện ra nhưng xử lý chưa nghiêm và kịp thời”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về nguyên nhân, qua giám sát cho thấy có nhiều nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thực sự hoàn thiện, do nhận thức.

“Một số địa phương nhận thức cho rằng vay ODA là được cấp nên sử dụng tương đối thoải mái. Khi giao cho cộng đồng dân cư thì quản lý không tốt, cho nên hiệu quả đem lại không cao. Ví dụ, công trình nước 27 - 28% hỏng ngay sau một thời gian sử dụng, đó là một vấn đề chúng ta nhận thấy. Do năng lực quản lý, do cố ý làm trái là có và do xử lý chưa nghiêm để mang tính răn đe”, ông Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng của một số địa phương và nêu cụ thể để có biện pháp nhắc nhở, cao hơn là phải có trách nhiệm trước việc quản lý vốn ODA.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các giải pháp như đoàn giám sát đã nêu, trong đó cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cần phải nhận thức đầy đủ hơn về vốn vay ODA.

“Bây giờ nhận thức về vốn vay ODA phải khác đi, thậm chí phải cân đối nguồn lực, nguồn lực tài chính đất nước của chúng ta trong các tầng lớp dân cư bây giờ nhiều lắm, không thể chúng ta chỉ trông vào mỗi một nguồn vay ODA, có thể phát hành trái phiếu trong nước thì chúng ta có đủ khả năng làm, lượng tài chính của chúng ta trong dân cư nhiều, vấn đề là lãi suất”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ quan điểm, cần phải tính toán đến trong pháp luật, đề nghị có những quy định về vai trò của Chủ tịch nước không chỉ đứng ra cho phép ký kết các văn bản, hiệp ước, hiệp định mà giám sát, báo cáo cho Chủ tịch nước như thế nào đó, kể cả trước và sau. Chủ tịch nước không thể nào tổ chức kiểm tra, giám sát được, nhưng ít nhất là công tác báo cáo quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ trong hệ thống pháp luật.

Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cần phải ban hành nghị quyết giám sát theo quy định của pháp luật và giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế cùng với các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và xin ý kiến Thường vụ Quốc hội trước khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

“Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giá trị pháp luật rất cao, giống như trước đây chúng ta giám sát BOT phải thay đổi nhiều vấn đề trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến BOT. Lần này quản lý ODA cũng phải ở tầm đó, thậm chí khắc phục được tồn tại, hạn chế qua giám sát phát hiện ra”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư