8-16 triệu lao động sẽ ảnh hưởng bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0

16:43 | 22/11/2018 Print
- Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), trong giai đoạn 2018-2025, khoảng 8-16 triệu lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng này.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Xu hướng tất yếu

Sáng nay (22/11), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế thường niên năm 2018 với chủ đề: “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF cho biết, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Hiện nay, chúng ta vẫn đang duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp và phát triển sản xuất, xuất khẩu những ngành ngành thâm dụng lao động và có kỹ năng thấp.

Tuy nhiên, những lợi thế trên lại đang mất dần. Vì vậy, không chỉ mỗi ngành, lĩnh vực mà toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Giải thích thêm về “sân chơi” mới này, theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF, bản chất của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, AI, công nghệ tự động hóa.

Ông Khôi cũng nhấn mạnh, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, khách quan và tạo cơ hội phát triển cho các quốc gia không phân biệt trình độ phát triển, đặc biệt là cơ hội cho các nước đi sau tham gia, hưởng lợi, nâng cao trình độ công nghệ của mình, đạt năng suất cao hơn, mang lại phúc lợi lớn hơn cho người dân.

Hơn nữa, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi thay đổi căn bản tư duy và cách thức quản lý của Nhà nước cho phù hợp và tương thích với môi trường số.

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa phát triển…

Nêu định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Lương Văn Khôi cho biết, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Theo TS. Lương Văn Khôi, những ngành nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Nhà nước cần chú trọng đó là công nghệ thông tin, internet vạn vật, AI, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới…

TS. Khôi cũng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là chìa khóa để nâng cao năng suất và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế. “Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp không bị tụt hậu và ra khỏi thị trường”, ông Khôi nói.

Phân tích rõ hơn, ông Khôi cho rằng, đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ hiện đại và khối dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi.

Toàn cảnh hội thảo/Ảnh: Trần Kiên

Nhấn mạnh những cơ hội trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương cho biết thêm, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội và chúng ta có thể tranh thủ để thúc đẩy sự phát triển.

Đối với ngành công thương, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp của ngành công thương phải ý thức và thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy về sản xuất và tư duy thị trường phù hợp. Cùng với đó, tác động làm giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp.

Không những vậy, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ buộc phải cơ cấu lại và thay đổi từ phương thức tổ chức sản xuất đến quy trình và các công đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất của ngành công nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy năng lực sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nhờ việc thử nghiệm sản phẩm mới ít rủi ro, bớt tốn kém hơn nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ mới…

… nhưng chỉ ở mức trung bình

Bên cạnh những cơ hội, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo dự báo của OECD và ILO, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đối với chuyển dịch cơ cấu lao động Việt Nam. Bảy ngành nghề và lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế trong nền kinh tế Việt Nam đó là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí.

Đến năm 2025, có khoảng 40,8 triệu lao động thuộc 4 nhóm nghề chịu ảnh hưởng lớn bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 (gồm nhân viên bán hàng, lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, thợ vận hành lắp ráp và thiết bị, lao động giản đơn). Dựa vào đánh giá của ILO, thì trong tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sẽ có khoảng 20-40% lao động Việt Nam có khả năng bị chuyển đổi sang nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Nhóm nghiên cứu của NCIF ước tính trong giai đoạn 2018-2025, sẽ có khoảng 8-16 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Liên quan đến đổi mới sáng tạo – trụ cột của Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Khôi đánh giá, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm qua chỉ ở mức trung bình. Chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ đạt 0,374% GDP, rất thấp so với các nước châu Á và trong khu vực như Nhật Bản (3,316% GDP), Hàn Quốc (4,417% GDP), Singapore (2,012% GDP)… Nguyên nhân là do những khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận tín dụng…

Một vấn đề khác đặt ra là nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Ông Lê Huy Khôi dẫn chứng, qua khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, có đến 79% doanh nghiệp trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp cho biết đang tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.

Không những thế, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp ngành công thương mặc dù đã được chú trọng, nhưng chưa đáp ứng đảm bảo đáp ứng được sự sẵn sàng của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cần làm gì để tận dụng tối đa cơ hội trong cuộc Cách mạng này?

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về bản chất, xu thế vận động, những cơ hội, thách thức, tác động mà Cách mạng này mang lại.

Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời, rà soát mục tiêu tái cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội.

Bổ sung thêm, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh vai trò của Chính phủ với những hoạt động trợ giúp để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động R&D. Tập trung sự trợ giúp đối với các hoạt động R&D vào các doanh nghiệp có quy mô, doanh thu hoặc cường độ vốn lớn, hoặc doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn một sản phẩm, hoặc ở vùng đô thị, hoặc thuộc ngành công nghệ cao.

Quan trọng không kém là, Chính phủ cần có chiến lược, chính sách thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước.

Còn theo ông Lê Huy Khôi, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường pháp triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó là các giải pháp tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ra đời của tư liệu sản xuất và sự thay đổi về phương thức sản xuất mới dưới tác động bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Chia sẻ kinh nghiệm của Ireland, TS. Conor O’Toole, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Ireland cho rằng, cần có nhiều chính sách quan trọng cho sự chuyển đổi. Mặt khác, cần tập trung cho giáo dục và đào tạo tốt, đặc biệt là trong khoa học và công nghệ; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và quản lý tài chính công tốt. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng công sang hàng hóa và con người, cũng như đầu tư vào công nghệ thông tin…/.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư