Thu hút FDI năm 2018 - Triển vọng năm 2019

10:24 | 05/02/2019 Print
2018 là năm thứ 8 thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, 12 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; xuất siêu 7,2 tỷ USD, cao gấp 2,7 lần năm 2017. Đây đồng thời là năm thành công đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song cũng xuất hiện một số hiện tượng mới và nổi lên vấn đề cần giải quyết.

Những kết quả đạt được

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, vốn FDI thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017, chiếm 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Đó là tỷ trọng hợp lý khi doanh nghiệp trong nước đang tăng nhanh và có quy mô ngày càng lớn.

Về vốn đăng ký, tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 3.046 dự án mới với vốn đăng ký gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% năm 2017; có 1.169 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 7,59 tỷ USD, bằng 90,3%; 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với 2017. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% năm 2017.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, đi đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% vốn đăng ký; kinh doanh bất động sản với 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6%; bán buôn, bán lẻ với 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% vốn đăng ký.

Trong năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với gần 8,59 tỷ USD, chiếm 25,42%. Hàn Quốc đứng thứ hai với 67,2 tỷ USD, chiếm 20,3%, Singapore đứng thứ 3 với 5,0 tỷ USD, chiếm 14,2% vốn đăng ký.

Cũng trong năm nay, 59 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thu hút các dự án FDI, đứng đầu là Hà Nội với 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% vốn đăng ký, tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh với 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7%, Hải Phòng với 3,1 tỷ USD chiếm 8,7%. Một số dự án lớn có thể kể đến, như: Dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội với số vốn 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), do Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn 1,12 tỷ USD; Dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn 501 triệu USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) tăng vốn 500 triệu USD…

Trong năm qua, khu vực FDI đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện đúng và vượt kế hoạch 12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao hơn 0,38 điểm phần trăm so với kế hoạch; CPI bình quân tăng 3,54%, chỉ số phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khá cao.

Doanh nghiệp FDI cũng đóng góp quan trọng vào thương mại quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu (nếu không kể dầu thô đạt 173,2 tỷ USD, tăng 13,6% và chiếm 70,7%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2017 và chiếm 60,1% kim ngạch nhập khẩu. Xuất siêu 32,8 tỷ USD kể cả dầu thô (30,5 tỷ USD không kể dầu thô), bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, tạo ra xuất siêu cho nền kinh tế.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2018, cả nước có 27.353 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký 349,1 tỷ USD, vốn thực hiện 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thu hút được nhiều vốn nhất với 195,3 tỷ USD, chiếm 57,4% vốn đăng ký; kinh doanh bất động sản 57,9 tỷ USD, chiếm 17,0%; sản xuất, phân phối điện, khí nước 23,0 tỷ USD, chiếm 6,7%.

Đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với vốn đăng ký 62,5 tỷ USD, chiếm 18,3%, đứng thứ hai là Nhật Bản với 57,0 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Singapore, Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.

63 tỉnh, thành phố đều đã có dự án FDI, trong đó TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 45,0 tỷ USD, chiếm 13,2%, thứ hai là Hà Nội với 33,1 tỷ USD, chiếm 9,7 % Bình Dương với 31,7 tỷ USD, chiếm 9,2% vốn đăng ký.

Xu hướng đầu tư mới, rất đáng được lưu ý

Mua bán và sáp nhập (M&A)

Năm 2018, hoạt động M&A trở thành hình thức đầu tư nước ngoài quan trọng nhất. Nếu như dự án FDI mới phải mất khá nhiều thời gian từ khảo sát, lựa chọn ngành và sản phẩm, địa điểm và hình thức đầu tư, lập báo cáo khả thi, tiến hành các thủ tục thẩm định và cấp đăng ký, tiếp đó triển khai thực hiện với khoảng thời gian trung bình vài năm, thì dự án FDI theo M&A giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Bởi, đối tác nước ngoài chỉ cần thu thập đầy đủ thông tin về doanh nghiệp trong nước, tiếp xúc và đàm phán theo phương án được bên chào bán đưa ra thông qua tư vấn và môi giới để hai bên đạt được thỏa thuận “cùng có lợi”, sau đó vốn từ nước ngoài được chuyển vào nước ta thông qua hình thức mua cổ phần của doanh nghiệp, khi đã đạt được một tỷ lệ cần thiết thì tham gia quản trị doanh nghiệp.

M&A giao thoa giữa đầu tư trực tiếp với đầu tư gián tiếp. Trường hợp M&A chỉ nằm trong khung khổ thị trường chứng khoán, thì thuộc đầu tư gián tiếp; nhưng khi đã tham gia quản trị đoanh nghiệp, thì được coi là đầu tư trực tiếp.

Từ năm 1988 đến 2010, hoạt động M&A chủ yếu là giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau, bởi vì quy mô của doanh nghiệp trong nước chưa đủ lớn, nên nhà đầu tư quốc tế, chủ yếu là các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) chưa quan tâm đến thị trường M&A nước ta.

Từ năm 2011 đến nay, M&A trở thành phương thức thu hút FDI ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện.

Từ năm 2011 đến 2013, các tập đoàn của Nhật Bản tham gia thị trường M&A Việt Nam với số vốn 2,5 tỷ USD vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Tiêu biểu là Vietcombank phát hành 15% cổ phần cho Mizuho; Bảo Việt và Vietinbank với Sumitomo Life và UFJ Mishubishi Bank.

Năm 2014, Việt Nam có 313 thương vụ M&A với giá trị 4,2 tỷ USD; năm 2015 có 341 thương vụ với 5,2 tỷ USD; năm 2016 có 611 thương vụ với 5,8 tỷ USD. Những thương vụ tiêu biểu có thể kể đến, như: Tập đoàn TCC mua lại hệ thống Siêu thị Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD; Tập đoàn Central Group mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và thông qua công ty con Power Buy mua 49% cổ phần Công ty NKT – sở hữu Siêu thị Nguyễn Kim.

M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng khá sôi động. Asset cùng AON, BGN mua Keangnam Landmark với giá 723,82 triệu USD; Mapletree Investments mua lại Dự án Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Kumho Industrial và Asiana Airlines với giá 215 triệu USD; New Life RE mua lại Khách sạn Duxton Hotel từ Low Keng Huat với giá 49,2 triệu USD.

Năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 9,89 tỷ USD thông qua hoạt động M&A, tăng 59,89% so với 2017, chiếm 27,78% vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và mua cổ phần; chiếm 51,78% vốn thực hiện. Đây là một tỷ lệ khá ấn tượng.

Có thể thấy, hoạt động M&A đã trở nên sôi nổi hơn, một phần do Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, do nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xu thế này đang tiếp diễn, dự báo Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường M&A lớn trong khu vực.

Phương thức đầu tư mới

Đầu tư thông qua biên giới không góp vốn là phương thức FDI mới đã được thực hiện ở Việt Nam và sẽ nhanh chóng trở thành phương thức quan trọng đối với thu hút FDI. Chiến lược thương mại và đầu tư của TNCs được thực hiện bằng nhiều phương thức: trực tiếp hoặc thông qua chi nhánh tại một số quốc gia để thực hiện những dự án mới; M&A để nắm giữ cổ phần đến mức có thể tham gia quản trị doanh nghiệp theo một trong ba hình thức đầu tư chủ yếu: liên doanh, 100% vốn nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, robot thay thế một phần lao động của con người, công nghệ thông tin với big data, trí tuệ nhân tạo… đã tạo ra cuộc cách mạng về quản trị doanh nghiệp, do đó các hình thức đầu tư truyền thống có xu hướng giảm dần. Một số hình thức, phương thức đầu tư mới đã xuất hiện và đang trở nên phổ biến nhằm tiếp cận thị trường đầu tư có hiệu quả hơn. Cụ thể, trong thời đại kỹ thuật số, thông qua FDI, TNCs hướng đến mục đích lợi nhuận cận biên thông qua tìm kiếm thị trường tiềm năng mà không cần góp vốn, đây được gọi là phương thức đầu tư nước ngoài không sử dụng vốn chủ sở hữu (Non Equity Mode - NEM), hoặc hình thức đầu tư mới (NFI) - đã được thực hiên ở nhiều nước khi dịch chuyển từ chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. NEM cho phép các TNCs điều phối hoạt động chuỗi cung ứng sản phẩm, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; khoản “đầu tư” của nhà đầu tư nước ngoài, thường bao gồm: việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh... Một số điển hình như: Tập đoàn Apple (Mỹ) thuê Inventec (Đài Loan) sản xuất một số loại linh kiện thông qua hợp đồng gia công; thương hiệu và hệ thống quản lý Hyatt điều hành khách sạn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nepal; Intel (Mỹ) ký hợp đồng thuê ngoài với Wipro (Ấn Độ) để phát triển phần mềm... Mặc dù NEM mới được một số nước thực hiện, nên chưa có số liệu thống kê toàn cầu, nhưng UNCTAD ước tính, doanh số hàng năm từ phương thức đầu tư này có thể cao hơn 2.000 tỷ USD.

Tóm lại, hiện nay FDI được thực hiện qua 2 hình thức: thông qua góp vốn đầu tư và không góp vốn. Phương thức FDI góp vốn và NEM không loại trừ nhau, mà bổ sung cho nhau. Một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thực hiện hình thức FDI truyền thống, trong khi ngày càng nhiều TNCs chuyển sang áp dụng NEM và sau một thời gian nhận thấy doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, cần mở rộng kinh doanh, thì TNCs góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc tăng thêm vốn đầu tư. Các khoản đầu tư theo NEM đang có xu hướng gia tăng vì đưa lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nước tiếp nhận FDI. Chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô, 30% linh kiện và phụ tùng được sản xuất theo hợp đồng nhập khẩu, tạo ra khoảng 25% số việc làm của ngành này.

Ở Việt Nam trong những gần đây, một số tập đoàn kinh tế nước ta đã chủ động tiếp cận và thực hiện NEM. Vinfast và Vsmart hai thương hiệu của Vingroup là điển hình cho NEM.

Chiến lược FDI thế hệ mới do Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Cục Đầu tư nước ngoài hợp tác xây dựng đã lưu ý về việc Việt Nam cần quan tâm đến NEM: “Tầm quan trọng của phương thức này đang ngày càng được công nhận rộng rãi. Khi Việt Nam dịch chuyển theo hướng tăng giá trị gia tăng và tăng hội nhập với các chuỗi giá trị toàn cầu, NEM đóng vai trò nòng cốt bằng cách cho phép các tập đoàn đa quốc gia điều phối các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước, nhờ đó giúp tăng cường liên kết giữa nhà cung ứng Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu”.

Những vấn đề đặt ra

Năm 2018, Chính phủ đã tổng kết 30 năm thu hút FDI, đánh giá cao thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động với thu nhập ngày càng tăng, góp phần xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP và thu ngân sách nhà nước... Trên cơ sở đó, đề ra định hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút FDI trong giai đoạn mới.

Đối chiếu với định hướng mới, thì ngoài những vấn đề, như: môi trường, chuyển giá, trốn thuế, doanh nghiệp ngừng hoạt động, tranh chấp lao động..., năm 2018 còn nổi lên vấn đề năng lượng cho tương lai, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất, tận dụng lợi thế đất nước về năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo.

Trên thực tế, việc thu hút thêm nhiều dự án nhiệt điện than không những gây lo ngại cho cư dân xung quanh nhà máy (điển hình là Nhà máy Vĩnh Tân đã gây ô nhiễm môi trường đến mức cộng đồng dân cư phản đối bằng biểu tình, mà còn gây ra tình trạng thiếu than phải nhập khẩu khối lượng ngày càng lớn.

Nhược điểm của ngành điện là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, độc quyền tự nhiên, chậm chuyển hướng theo thị trường cạnh tranh, nên thiếu biện pháp khai thác tiềm năng to lớn của nước ta về năng lượng gió, điện mặt trời, điện tái tạo. Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo về tình trạng thiếu than, nên một số nhà máy điện không khai thác hết công suất hoặc phải tạm dừng hoạt động, sẽ thiếu điện, buộc phải cắt điện; thì tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo Bộ Công thương và EVN rằng, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện vì đích thân Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo bằng văn thư; nếu cắt điện, thì các vị phải chịu kỷ luật (!).

Từ khi Chính phủ đề ra chính sách khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước, nhất là giá mua điện cao và EVN phải mua hết điện của dự án, năm 2017 và 2018 đã có khá nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo được cấp phép, riêng điện mặt trời có công suất 12.000MW chủ yếu tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Vốn đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng gia tăng nhanh chóng: USAID đã ký kết hỗ trợ phát triển Dự án điện mặt trời Tịnh Biên công suất 210 MW trị giá 193 triệu USD; Fujiwara của Nhật Bản được tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án điện mặt trời 100MW trị giá 64 triệu USD; Tập đoàn SY Group của Hàn Quốc dự kiến triển khai dự án điện mặt trời tại Bạc Liêu 300MW trị giá 450 triệu USD; B. Grimm Power chi 35,2 triệu USD để mua 80% cổ phần trong dự án điện mặt trời ở Phú Yên 257MW, ký thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Cầu để xây dựng và vận hành Nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh với công suất 420MW.

Vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là:

(1) Giá mua điện chỉ có hiệu lực đến ngày 30/06/2018, đây là nguyên nhân chủ yếu của cuộc đua xin cấp phép và xây dựng để hoàn thành đưa vào vận hành trước thời hạn đó. Kiến nghị Chính phủ nên dựa trên tính chi phí và hiệu quả không chỉ từ các yếu tố trực tiếp hình thành giá thành điện, mà còn cả các yếu tố liên quan đến giảm khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu, tác hại của thiên tai để có chính sách giá mua điện dài hạn, bảo đảm lợi nhuận thỏa đáng cho nhà đầu tư;

(2) Tỷ giá hối đoái và ngoại tệ chuyển đổi từ nguồn thu bằng Việt Nam Đồng để bảo đảm các khoản thanh toán quốc tế, kể cả vốn đi vay, lợi nhuận chuyển về nước;

(3) Thi hành nghiêm túc hợp đồng bán điện cho EVN, bảo đảm hệ thống truyền tải, đấu nối với lưới quốc gia của dự án khi hoàn thành.

Để biến tiềm năng to lớn, chậm được khai thác về năng lượng sạch trở thành nguồn điện năng quan trọng của đất nước, thì cần có tư duy phát triển hiện đại, giảm dần nguồn năng lượng hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ, chuyển sang năng lượng tái tạo, sạch, bảo đảm xây dựng nền kinh tế xanh cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Triển vọng 2019

Mối quan hệ Mỹ - Trung, trong đó có cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này, đang được cả thế giới quan tâm. Theo SSI Research, tác động ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chủ yếu là gián tiếp, thông qua sự mất giá của đồng Nhân dân tệ, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vốn và tâm lý giá xuống trên thị trường chứng khoán. Việt Nam vẫn đang phát triển, nhưng quy mô sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20, do đó Việt Nam đủ nhỏ để “đứng ngoài” cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn, không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều trong ngắn hạn. Đồng tiền Việt Nam vẫn diễn biến tốt so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, chỉ mất giá 2,5% so với USD kể từ đầu năm. Việc VND mất giá hôm 23/07/2018 sau nhiều năm ổn định có thể là do chỉ để điều chỉnh cho phù hợp với các quốc gia khác trong khu vực hơn là đứng đơn độc.

Tuy vậy, cảnh giác không bao giờ thừa khi kim ngạch thương mại của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu. Theo dõi cập nhật thông tin, dự báo kịp thời, chủ động đề ra giải pháp đồng bộ khắc phục mọi tình thế là nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành ở Trung ương.

Đối với FDI, hiện đang có nhiều nhà đầu tư Mỹ và châu Âu chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba, mà Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu. Mặt khác, khi Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc, thì buộc doanh nghiệp nước này tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ. Việt Nam là nước láng giềng, có tiềm năng lớn nên sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiến cơ hội để mở rộng quy mô thương mại hai chiều, đồng thời tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu để nhận biết thách thức và cơ hội mới, có đối sách thích hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc theo hướng lựa chọn, sàng lọc bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ngoài ra, trong bối cảnh quốc tế và khu vực, việc cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, với một số FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, trên cơ sở định hướng, chính sách mới về FDI, thì triển vọng năm 2019 và 2020 rất sáng sủa:

Thứ nhất, đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước EU vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, R&D với nhiều dự án lớn đã và đang được đàm phán sẽ được triển khai.

Thứ hai, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vẫn gia tăng ở những ngành thâm dụng lao động, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ tư vấn, nhưng sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư những dự án quy mô hàng tỷ USD trong công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Thứ ba, dự án FDI vào các địa phương được thu hút phù hợp với trình độ phát triển của từng tỉnh, thành phố với chính sách ưu đãi phù hợp với danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Đổi mới toàn diện quá trình thu hút FDI từ xúc tiến đầu tư, đến thẩm định cấp giấy đăng ký, triển khai dự án theo hướng chính phủ điện tử với bộ máy được cơ cấu có hiệu năng, đội ngũ công chức mẫn cán và năng động sẽ là những nhân tố quyết định Việt Nam trở thành điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trong thời gian tới./.

GS, TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư