Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Phải khơi gợi được sức mạnh con người Việt Nam”

23:43 | 30/01/2019 Print
- Chúng ta có thể làm chủ, có thể chủ động quyết định, hoạch định tương lai, con đường đi, của thế hệ sau này. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhưng người dân phải có khát vọng, tinh thần dân tộc, chăm chỉ hơn… quốc gia sẽ thịnh vượng, người dân sẽ hạnh phúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh quan điểm này tại “Chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019” ngày 30/01/2019. Đây là sự kiện thường niên diễn ra vào dịp sát Tết nguyên đán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng/ Ảnh: Lê Tiên

Đất nước đang ngày càng lớn mạnh

Bộ trưởng cho biết, sau 30 năm Việt Nam từ nước một nước lạc hậu, trên 80% dân số sống ở nông thôn, đến nay Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội làm thay đổi diện mạo đất nước, vươn lên nước có thu nhập trung bình.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trên trường quốc tế với những thành quả đạt được rất lớn và quan trọng. Việt Nam từ một nước lạc hậu với trên 80% dân số sống ở nông thôn đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội và làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước để vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Về kinh tế, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,8%, mức cao ở trong khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế tăng gần 39 lần (từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 244,9 tỷ USD năm 2018). GDP bình quân đầu người tăng gấp 27,4 lần (từ 94 USD năm 1989 lên 2587 USD năm 2018). Tuy nhiên, nếu so với một số nước trong khu vực thì quy mô của chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Năng suất lao động còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Nguy cơ tụt hậu so với thế giới và khu vực vẫn luôn hiện hữu.

Ở khía cạnh xã hội, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam đã xây dựng cách tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ sự phân biệt trong xã hội nhằm tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi công bằng từ thành quả tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam được coi là quốc gia hình mẫu thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, đạt kết quả ấn tượng, hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước thời hạn, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục.

Đạt được kết quả này là nhờ có sự chung tay của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của toàn dân và nhất là sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng cả ý chí, quyết tâm của chính những người nghèo. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Do vậy, chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải chăm lo đến công tác xã hội để hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng, thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Về vấn đề xây dựng các đô thị thông minh, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh được xem là phương thức phát triển tất yếu để giải quyết các vấn đề do tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời là động lực giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại các cơ hội phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2025 có thể lựa chọn 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Song, phía trước vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu so với các nước khác trong khu vực còn khiêm tốn. Đơn cử, năm 2017 GDP Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,4 lần, Hàn Quốc gấp 6,8 lần.

Riêng về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 37,4 lần, từ 94 USD/người năm 1989 lên 2.587 USD/người năm 2018.

“Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Bình quân đầu người hiện nay đứng thứ 136/188 quốc gia, lãnh thổ. Mức này chỉ ngang bằng Malaysia năm 1990, Thái Lan năm 2003, Indonesia năm 2009, Hàn Quốc những năm 1980”, ông Dũng nói.

Do đó, với mục tiêu phấn đấu từ thu nhập bình quân 2.587 USD/người/năm hiện nay lên 10.000 USD/người/năm, tức là mức thu nhập trung bình cao, theo Bộ trưởng còn khó khăn.

Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra rất nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong phát triển kinh tế, như: ô nhiễm môi trường, rác thải, úng ngập, tắc nghẽn giao thông..., tác động lên tăng trưởng và sức khỏe con người.

Mặc dù Việt Nam được coi là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn, với việc giảm được từ 40 triệu người nghèo, xuống chỉ còn khoảng 5,3 triệu hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều, nhưng số lượng người nghèo, người yếu thế còn rất nhiều.

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sỹ khiếm thị/ Ảnh: Đức Trung

Phải biến được những thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực

Chia sẻ ước mơ, khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho mọi người dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2019, không chỉ ước mơ, khát vọng về một năm bứt phá phát triển trên mọi lĩnh vực mà còn về cả một chặng đường dài phía trước, vượt qua mọi chông gai, khó khăn, thách thức, nắm bắt mọi cơ hội để giải phóng sức sản xuất, khơi thông được mọi nguồn lực, tìm kiếm được những động lực mang tính đột phá mới của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải biến được những thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực.

“Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi tốc độ chúng ta cần đạt được trong những năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn so với chính mình và đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, nền kinh tế phải đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao”, Bộ trưởng dẫn dắt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam giai đoạn tới cần phải dựa trên nền tảng cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực.

Khẳng định rằng, cơ hội và thách thức luôn tồn tại song hành như nhau, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, chúng ta cần nhận thức nó bất kỳ ở đâu, thời gian nào.

Cứ cơ hội không phải tự nhiên nó đến, cả thách thức và cơ hội không phải tự nhiên mà do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta có thể tạo ra cơ hội và chính thách thức, nhận diện và quyết định. Phải xét yếu tố do chính chúng ta”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Nhận định rằng, cơ hội thách thức của quốc gia này lại là cơ hội thách thức của quốc gia khác và ngược lại, Bộ trưởng cho rằng, cần tận dụng cơ hội, chắt chiu, tận dụng, và tránh được thách thức. Quốc gia nào tận dụng được hết các cơ hội sẽ thành công. Cơ hội là bình đẳng như nhau, ai biết nắm thì thành công”, Bộ trưởng khẳng định.

Trên nguyên lý đó, phân tích về Cách mạng Công nghiệp 4.0, Bộ trưởng khẳng định, cũng luôn tồn tại 2 mặt cơ hội thách thức.

“Nếu chúng ta không nhạy bén, kịp thời, coi đây là một cơ hội vô cùng quý báu để tận dụng nó, chúng ta sẽ mất đi cơ hội. Nếu không đi kịp chuyến tầu này, thì khoảng cách chúng ta càng rõ rét, bởi người ta không đợi mình”, Bộ trưởng lý giải.

Hay như thương mại, đầu tư, đang có những biến động chuyển dịch đầu tư, thông qua các hiệp định thế hệ mới, cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nếu không tận dụng thì lại có mặt trái, đánh mất cơ hội, biến cơ hội thành thách thức.

Bộ trưởng cùng các thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ đặc biệt có mặt tại Chương trình

Người yếu thế cũng bình đẳng trong đóng góp cho đất nước và hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển

Chúng ta cũng có trên 1,5 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật nặng, 98.000 người đơn thân nuôi con cận nghèo, phải nhận trợ cấp xã hội…”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Vì thế, theo Bộ trưởng, chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế còn chăm lo xã hội, hướng tới xã hội công bằng, thực hiện thành công nghị sự về phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để ai lại phía sau, mọi chính sách đều phải hướng tới sự hạnh phúc của người dân.

Cho biết, tại buổi “Chương trình chia sẻ tầm nhìn 2019” có sự tham gia của các “nghệ sĩ” khiếm thính, khiếm thị Bộ trưởng đón chào sự có mặt, trân trọng sự vươn lên và xúc động trước những thành quả do sự nỗ lực của họ mang lại.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, sự có mặt của nhóm người yếu thế hôm nay thể hiện quyền bình đẳng của họ trong việc tiếp cận các cơ hội, bình đẳng trong đóng góp cho đất nước và hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển.

Mọi người làm được thì những người thuộc cộng đồng yếu thế cũng làm được”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

“Để vươn tới đất nước ngày càng giàu mạnh, chúng ta phải khẳng định mọi người dân đều có khát vọng vươn lên, có tinh thần dân tộc mãnh liệt. Chúng ta có truyền thống, cũng không còn là một nước nhỏ bé nữa, khác với trước đây trước đây rất nhiều. Chúng ta đã lớn mạnh, đang lớn mạnh và sẽ lớn mạnh. Nhưng cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chính con người Việt Nam, khơi thông sức mạnh con người Việt Nam, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, phục cho con người, cho xã hội, cho đất nước”, Bộ trưởng nói.

Hiện tại, Việt Nam đang có 94 triệu dân. Với gần 100 triệu người, thì không còn là một nước nhỏ. Trong đó, hơn một nửa là 55,4 triệu người lao động, gần 60% dân số cả nước (trên 15 tuổi) , chúng ta đang ở cuối thời kỳ dân số vàng.

Việt Nam lực lượng la động dồi dào, có lợi thế rất lớn về lao động, theo Bộ trưởng, đây chính là cơ hội, là nguồn lực quan trọng, nhưng cũng là thách thức rất lớn.

Chúng ta mới có ưu thế về số lượng, chất lượng chưa cao, trình độ, kỹ năng còn thấp. Sức sáng tạo của con người còn hạn chế”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Các quốc gia đều trải qua thời kỳ dân số vàng, đều xác định đây là cơ hội lớn, nếu không tận dụng sẽ trôi qua, khi dân số già quá thì lại là thách thức rất lớn trong xã hội. Như vậy, việc tận dụng hết cơ hội là việc cần thiết.

Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động để quyết định tương lai của mình, không còn bị động, định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau, tương lai có một đất nước thịnh vượng. Một đất nước phải có chăm chỉ hơn, đồng tâm hiệp lực, cùng gánh vác, khát vọng, sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mạnh mẽ./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư