Một số phân khúc trung cao cấp và các sản phẩm du lịch đã có biểu hiện dư thừa

17:12 | 05/06/2019 Print
- Sáng nay 05/06/2019, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội một số câu hỏi của đại biểu trong cuối buổi chiều 4/6. Trong đó, một số vấn đề về thị trường bất động sản được nêu ra.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) cho biết, trong thời gian vừa qua, giá bất động sản tại một số tỉnh thành tăng rất cao, rất nóng, nóng đến mức không kiểm soát được. Thị trường bất động sản phát triển thực sự chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và Bộ trưởng có giải pháp gì để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách ổn định và bền vững.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội và đại biểu Nguyễn Văn Dành, Bộ Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản hiện nay còn tồn tại một số tồn tại hạn chế. Về thể chế, còn một số quy định chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật về bất động sản và giữa pháp luật về bất động sản với các pháp luật khác. Ví dụ, về giải phóng mặt bằng, về thu tiền sử dụng đất một lần, về thị trường sử dụng đất sơ cấp, quy định về một số loại hình bất động sản mới, chấp thuận đầu tư, lựa chọn đầu tư...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn Quốc hội

Về cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản, tuy hiện nay đã có chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu của thị trường và một số phân khúc trung cao cấp và các sản phẩm du lịch, như: Condotel, resort, villa đã có biểu hiện dư thừa, trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

“Hiện nay, nhà ở xã hội mới làm được 4,8 triệu m2 so với yêu cầu là 12,5 triệu m2 đến năm 2020 và do thiếu nguồn vốn để tiếp tục cho vay. Hiện nay, còn 226 dự án nhà ở xã hội còn đang bị chậm tiến độ, ách tắc”, Bộ trưởng nói.

Về nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản vẫn còn rất thấp. Cơ cấu nguồn lực còn bất hợp lý, chủ yếu là sử dụng vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15%-30% tổng mức đầu tư, chưa có các nguồn vốn dài hạn ổn định cho thị trường.

“Hiện nay, chúng ta cũng chưa có các ngân hàng tiết kiệm nhà ở, các quỹ về nhà chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp để cho bất động sản. Chúng ta chưa có quy định về thế chấp bất động sản để vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết.

Về dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay tính đến tháng quý III/2018, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 479.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% trong tổng dư nợ tín dụng vẫn ở ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cũng cảnh báo, hiện xuất hiện hình thức đảo nợ dưới hình thức chuyển nhượng dự án.

“Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn vốn tín dụng bất động sản cơ bản tập trung vào một số các nhà đầu tư lớn và một số các phân khúc mà bất động sản có nhiều rủi ro. Tình hình trên thị trường bất động sản có dấu hiệu hoạt động không lành mạnh, trong đó có hình thức đảo nợ dưới hình thức chuyển nhượng dự án” Bộ trưởng nói.

Về thuế đối với bất động sản, hiện nay, vẫn còn bất hợp lý. Đất phi nông nghiệp là 0,03% và 0,07% đối với diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức thì những mức thuế suất này cùng với thuế thu nhập cá nhân, khi bán bất động sản hiện nay là 2% tính trên giá mua hoặc 25% trên lợi nhuận.

“Những loại thuế như thế này chưa khuyến khích thu hút được nguồn lực cho bất động sản và chưa có tác dụng để hạn chế tình trạng đầu cơ trong bất động sản”, Bộ trưởng cho biết.

Về nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tiềm ẩn những rủi ro. Theo Bộ trưởng Hà, thứ nhất do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; thứ hai do kiểm soát thị trường bất động sản chưa được chặt chẽ và nguồn lực cho bất động sản còn thấp, tổ chức bộ máy quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời và tính minh bạch của thị trường bất động sản chưa đảm bảo.

“Hiện nay, chúng ta đã có nghị định của Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin về thị trường nhà ở bất động sản nhưng khi thực hiện lại chậm”, Bộ trưởng lý giải.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin còn thiếu nhiều, chưa đồng bộ và các địa phương chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung, cầu hàng hóa, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với yêu cầu của thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp chưa phù hợp với chương trình kế hoạch phát triển nhà ở. Thủ tục hành chính đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, chuyển đổi còn phức tạp và mất nhiều thời gian, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường bất động sản chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Liên quan đến vấn đề giải pháp. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hạn chế rủi ro, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản từ quy hoạch đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành. Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bất động sản. Tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.

“Đây là một số giải pháp cơ bản để phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới” Bộ trưởng nói.

Về nhà ở xã hội, Theo Bộ trưởng, nhà ở giá rẻ chậm phát triển phụ thuộc nhiều yếu tố, như: các địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở, hầu hết địa phương chưa sử dụng khoản vay thu được từ chủ đầu tư nộp lại 10%, 20% khi họ không thực hiện quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án và chưa dành lại nguồn này cho phát triển xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế.

“Hiện nay, mặc dù Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm, cho đến thời điểm này đã bố trí hơn 3.000 tỷ đồng trên 9.000 tỷ đồng yêu cầu, nhưng so với yêu cầu còn rất chậm, cho nên người dân có thu nhập thấp khi không được hỗ trợ lãi suất họ rất khó khăn trong việc mua nhà. Đó là nguyên nhân của việc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ nhưng chậm phát triển”, Bộ trưởng lý giải.

Theo Bộ trưởng Hà, thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để giải quyết căn bản về phương thức giải quyết vấn đề nhà ở xã hội.

“Chính sách nhà ở xã hội của chúng ta hiện nay còn tương đối phân tán, chia ra quá nhiều đối tượng nhà ở xã hội, hiện nay theo luật có khoảng 10 đối tượng và việc huy động nguồn lực nặng về bao cấp, chưa sử dụng các nguồn lực từ đất đai, bất động sản để phát triển nhà ở xã hội”, Bộ trưởng cho biết./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư