Điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp

10:48 | 04/07/2019 Print
- Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh.

Mới có 21 bộ, ngành và 39/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố đang diễn ra ngày hôm nay, 4/7/2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 27/6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được báo cáo quý II về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của 21 Bộ, ngành và 39/63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo của các Bộ (gồm Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tư pháp, VCCI,…) có hàm lượng thông tin tốt, đánh giá chi tiết, bám sát nội dung theo yêu cầu.

Tuy vậy, một số Bộ có các yêu cầu cải cách quan trọng (như Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo,…), nhưng nội dung báo cáo thiếu cụ thể, kết quả không rõ ràng.

Bộ trưởng Dũng cho biết, nhờ sự chủ động, tích cực và quyết liệt, một số bộ, ngành đạt được kết quả rõ ràng như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương (vấn đề Tiếp cận điện năng của Tập đoàn điện lực Việt Nam)… Trong khi đó, ở một số ít Bộ, ngành khác (như Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo,…) chưa dành sự quan tâm, chỉ đạo đủ mức cần thiết để đảm bảo thực thi thực chất và hiệu quả các nhiệm vụ.

Ở cấp địa phương, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ hiện tượng, một số bộ chậm ban hành tài liệu hướng dẫn và công tác tập huấn chưa được quan tâm nên các địa phương lúng túng và khó khăn khi xây dựng Kế hoạch hành động cũng như triển khai.

“Thực tế là các địa phương vẫn phải ban hành Kế hoạch hành động và báo cáo kết quả để đảm bảo đúng hạn, nhưng nội dung không sát với yêu cầu; kế hoạch và báo cáo mang tính hình thức hơn là đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực thực thi. Vì vậy, báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố chưa bám sát yêu cầu, chủ yếu liệt kê các nhiệm vụ, nhưng thiếu các bằng chứng và kết quả cải cách cụ thể”, Bộ trưởng lý giải nguyên do.

Đến hết quý II năm 2019, về cơ bản các Tài liệu hướng dẫn đã được ban hành, nhưng chỉ có một số ít bộ triển khai hoạt động tập huấn, hướng dẫn (gồm Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp).

Trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá

Theo báo cáo kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đa số các Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2018.

Tuy nhiên, có một số bộ đề xuất sửa đổi riêng từng Nghị định, nhưng đến nay vẫn còn Nghị định chưa được ban hành, như: Giao thông vận tải (03 dự thảo Nghị định); Tài chính (01); Tư pháp (01);….

Nghị quyết số 02 cũng yêu cầu các Bộ “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”, nhưng đến nay mới chỉ có 02 Bộ (gồm Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu này. Ví dụ như trong tháng 6 năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cắt giảm và dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Điều đáng nói là hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về nội dung cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này.

Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh.

Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy, điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.

Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa có chuyển biến

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, trong quý II năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

“Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Đáng chú ý là các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

“Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

8 giải pháp cần thực hiện

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 8 giải pháp.

Một là, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, giám sát sát sao việc thực hiện Nghị quyết số 02.

Hai là, yêu cầu các bộ đầu mối và bộ chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần đăng tải đầy đủ Tài liệu hướng dẫn lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan (hoàn thành trước tháng 8/2019).

Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (căn cứ theo hướng dẫn của các Bộ, ngành) rà soát lại Kế hoạch hành động và thực hiện điều chỉnh (nếu cần) để đảm bảo bám sát nội dung yêu cầu.

Ba là, về phía các bộ, cơ quan, Bộ trưởng nêu yêu cầu tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; Hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương, đơn vị liên quan và doanh nghiệp về những cải cách điều kiện kinh doanh (thực hiện trước tháng 8/2019); Đề xuất và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt;

“Thực hiện cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; cắt gỉảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bốn là, yêu cầu Bộ Công thương rà soát, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong quy định về kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, giấy phép bổ sung về phân phối rượu.

Năm là, yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả thực chất, tránh hình thức, lãng phí.

Sáu là, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để cho phép người dân, doanh nghiệp nhận và chi trả thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau (nhất là trong thực hiện thanh toán dịch vụ như điện, nước, chi trả trợ cấp,…); đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4.

Bảy là, yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết ở cả trung ương và địa phương cũng như trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

“Yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh giải phá thứ tám./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư