e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Còn nhiều bất cập trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

16:28 | 14/10/2019 Print
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng nay (14/10), tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn/ Ảnh: Lê Tiên

Khó tiếp cận vốn, đất đai…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã (HTX) thành lập mới đạt 1.598, giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 2 liên minh HTX. Tính đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó có 22.649 HTX đang hoạt động. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù khu vực kinh tế hợp tác, HTX đạt được nhiều thành tựu, song thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế này gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo bà Lưu Thị Chỉ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thái Bình, việc thực hiện Điều 6 Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP… các HTX còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, tài sản thế chấp vay ngân hàng không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, việc điều hành và minh bạch tài chính còn nhiều bất cập, có khoảng 9,2% số HTX kiểm toán độc lập, chủ yếu là HTX phi nông nghiệp và Quỹ tín dụng nhân dân; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn yếu; tư tưởng của một bộ phận thành viên HTX nông nghiệp chuyển đổi còn tư duy nhỏ lẻ, giữ đất… làm kìm hãm sự phát triển của HTX, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường, chưa phát huy được tiềm năng…

Đồng tình với bà Lưu thị Chỉ, ông Hà Trọng Tấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Môi trường thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hầu hết các HTX thiếu vốn để hoạt động nhưng chưa tiếp cận được với các nguồn tín dụng, kể cả tín dụng ngân hàng và các nguồn vốn tín dụng khác.

“Việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn chậm, thiếu đồng bộ. Nhiều HTX chưa tiếp cận được các chính sách đã ban hành, như: Các chính sách ưu đãi về thuê đất, ưu đãi thuế HTX khó tiếp cận” ông Tấn cho biết.

Chưa có sự quan tâm của các cấp các ngành

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu trong Nghị quyết 13 là đưa kinh tế tập thể thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và đóng góp nhiêu hơn cho GDP.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh Lê Tiên

“Hiện nay, kinh tế tập thể đã thoát ra khoải tình trạng yếu kém kéo dài, bằng chứng là tốc động tăng trưởng hiện nay, 57% số HTX có hiệu quả, HTX phi nông nghiệp cao nhất là 80% hoạt động có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX thời gian vừa qua mà đầu tiên chính là ở việc nhận thức không đầy đủ cũng như quan tâm không đồng đều “phần lớn chúng ta hay nhắc đến kinh tế hợp tác, HTX và cùng lắm có nhắc đến liên minh HTX mà quên mất Tổ hợp tác…

“Hiện vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp với HTX, giữa HTX cũ và mới. Do đó, không thể chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Đồng thời, vì đây là tổ chức tự nguyện nên nếu áp đặt hành chính thì chắc chắn không thành công, địa phương nào buông lỏng thì càng không hiệu quả” – Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng phê bình các bộ, ngành không cử lãnh đạo tham dự Diễn đàn.

"Tôi rất phê bình mấy bộ, đặc biệt các bộ có liên quan đến các chính sách mà Nghị quyết TW 13 về kinh tế tập thể mà không cử Lãnh đạo bộ tham dự, như: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Bởi đây là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ là kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, tam nông, chất lượng, đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể, trung ương nhận thức rõ, nhưng chúng ta không nhận thức rõ vấn đề này" - Phó thủ tướng nói.

Cần xử lý ngay các vướng mắc hiện hữu

Phó Thủ tướng cho rằng, qua phát biểu của các hợp tác xã, còn rất nhiều những tồn tại hạn chế cần xử lý.

Theo Phó Thủ tướng, đối với việc sửa Luật HTX, cần nghiên cứu về phạm vi điều chỉnh, mở rộng phạm vi. Nghiên cứu các quy định về tài sản không chia, giá trị gia tăng huy động nguồn lực cho tài sản không chia, tỉ lệ góp vốn...

“Tập trung xử lý vướng mắc, như nhiều trường hợp HTX nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được, nguyên nhân do tồn đọng các khoản nợ. Do đó, cần có cơ chế chính sách thích đáng xử lý tồn đọng để chuyển giao” Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, chính sách cần tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh Nhà nước buông lỏng, nhưng cũng tránh xu hướng chờ đợi hỗ trợ từ Nhà nước.

Về đất đai, phải có vùng chuyên canh lớn, gắn với khoa học công nghệ. Nhưng làm sao để HTX có đất làm trụ sở, kho bãi, xây dựng tài sản lớn như vậy dùng quyền để thế chấp, đi vay ngân hàng.

Vấn đề thuế, cần ở mức phù hợp, bằng doanh nghiệp siêu nhỏ. Kết hợp chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, với cơ quan đầu mối là Liên minh HTX, khi hiện nay trình độ sơ cấp chỉ hơn 40%, còn lại 60% cán bộ chưa được đào tạo.

“Thực hiện tốt chính sách chuyển giao công nghệ, thương mại và mở rộng thị trường, kéo các doanh nghiệp về khu vực nông thôn. Kinh nghiệm là có doanh nghiệp chống lưng, gắn với HTX thì mới phát triển được, HTX cũng cần doanh nghiệp làm đầu ra, HTX cũng cần doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị”, Phó Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm.

“Tới đây cần phải có đầu mối chuyên trách, chịu trách nhiệm về kinh tế tập thể, HTX, địa phương phải củng cố tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư