e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Phát triển kinh tế ban đêm giúp nền kinh tế phục hồi “hậu” COVID-19

09:53 | 04/08/2020 Print
- Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam - vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt – thể hiện một bước tiến mới trong tư duy về kinh tế của Chính phủ.

Để có cái nhìn rõ hơn về phát triển KTBĐ, phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có buổi trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

PV: Bà vui lòng cho biết KTBĐ khác gì so với hoạt động kinh tế mà mọi người thường hiểu?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Như tên gọi, KTBĐ hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm. Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào định nghĩa, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Dù theo định nghĩa nào, KTBĐ gắn với một cách nhìn nhận mới: khung giờ đêm là một không gian cho hoạt động kinh tế, gắn với sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, việc làm, thu nhập và giá trị cho xã hội, chứ không chỉ là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc. Tất nhiên, đi với khung giờ ban đêm thì các hoạt động kinh tế có thể tập trung với một số lĩnh vực đặc thù hơn, chẳng hạn như ăn uống, mua sắm, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…

KTBĐ không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Sự hình thành và phát triển ấy được minh chứng qua những số liệu cụ thể: tại Vương quốc Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ KTBĐ đạt 66 tỷ Bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm; hay tại Australia, quy mô doanh thu từ KTBĐ ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ đôla Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này, và tạo việc làm cho 1,1 triệu người. Dù vậy, chỉ đến khi Trung Quốc – nền kinh tế đang phát triển lớn nhất – chủ trương nghiên cứu định hướng phát triển KTBĐ, mô hình này mới nhận được sự quan tâm từ các nước châu Á khác.

Phát triển KTBĐ cũng không còn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của riêng cơ quan quản lý. Sau một ngày làm việc, người dân ở các thành phố, đô thị lớn có thêm nhu cầu về giao lưu, nghỉ ngơi thông qua hoạt động đi mua sắm, ăn tối, hay nghe nhạc, xem phim…

Các doanh nghiệp, nhà cung ứng dịch vụ cũng có động lực để đáp ứng các nhu cầu này, Ngay cả việc đo lường, thống kê liên quan đến KTBĐ có thể xuất phát từ chính các doanh nghiệp, chứ không còn dựa hoàn toàn vào nỗ lực và/hoặc nguồn lực của các cơ quan quản lý.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể ra báo cáo riêng về chi tiêu của khách hàng trong khung thời gian ban đêm và ban ngày. Tương tự, nếu có hợp tác phù hợp, các công ty thẻ tín dụng quốc tế có thể chia sẻ thống kê về giao dịch của khách hàng theo khung giờ.

PV: Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam được phê duyệt trong bối cảnh COVID-19. Nhiều người cho rằng, Đề án này sinh ra “không hợp thời” bởi du lịch đang bị tê liệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhận định này có đúng không, thưa bà?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2020 – thời điểm đất nước đang theo dõi, đánh giá từng phút giây về diễn biến dịch COVID-19 mới. Có thể sẽ có băn khoăn về khả năng thực thi Đề án ngay tại thời điểm này, khi không ít thành phố du lịch đang quan ngại về khả năng phòng chống dịch, còn khách du lịch thì có xu hướng hoãn, hủy chuyến.

Dù vậy, Đề án đã được “thử lửa” ngay từ giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, nhất là từ giai đoạn tháng 3 và tháng 4 gắn với giai đoạn phòng chống dịch và giãn cách xã hội của cả nước. Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 không làm giảm sự quan tâm đối với việc xây dựng, tham vấn về định hướng phát triển KTBĐ. Chính trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 vừa rồi, chúng tôi vẫn nhận được nhiều ủng hộ, chia sẻ, góp ý thực chất từ các chuyên gia, đơn vị trong và ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Đề án theo hướng khả thi.

Nói như vậy để thấy, ngay cả việc xây dựng và hoàn thiện Đề án đã đi giữa những luồng ý kiến trái chiều về tính cần thiết trong bối cảnh “bình thường mới”. Cá nhân tôi cho rằng, việc ban hành Đề án càng thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế. Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương phòng chống dịch hiệu quả nhưng không lơ là nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc thực hiện Đề án sẽ là minh chứng sống động cho quyết tâm khơi thông hoạt động kinh tế. Sự quan tâm của không ít bộ, ngành, địa phương chính là cở sở để tin tưởng mô hình thí điểm về KTBĐ sẽ sớm được triển khai và nhân rộng.

Sẽ còn nhiều điều phải làm để cụ thể hóa chính sách phát triển KTBĐ trên thực tế. Quá trình này có thể bị ảnh hưởng, song không dừng lại ngay cả khi ngành du lịch nước ta gặp khó vì đại dịch COVID-19. Cần lưu ý, KTBĐ đã có tương tác không nhỏ với các mô hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số… Chẳng hạn, hoạt động giao đồ ăn qua mô hình kinh tế chia sẻ đã rất phổ biến trong khung thời gian của KTBĐ. Khai thác những tương tác này có thể bù đắp động lực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

PV: Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam, thì “cánh cửa” chính danh của KTBĐ đã được mở. Xin bà cho biết, những điểm mới, đột phá của Đề án?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam, sau một thời gian khẩn trương nghiên cứu và tham vấn các Bộ, ngành, địa phương. Như vậy, Đề án được hoàn thiện chỉ trong 1 năm từ khi có chủ trương, và khoảng 9 tháng từ khi giao việc chính thức cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng, Đề án này không chỉ có sự quyết liệt về tiến độ, mà quan trọng hơn là tư duy mở nhất có thể.

Thứ nhất, khung thời gian cho KTBĐ được mở rộng nhất, từ 6 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Gắn với khung thời gian này là tư duy hướng tới hoạt động kinh tế liền mạch nhất, gắn với một nền sản xuất 24 giờ trong một “xã hội 24 giờ”. Dù hoạt động KTBĐ được giới hạn ở một số lĩnh vực dịch vụ (văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, du lịch), tính lan tỏa đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cũng là yếu tố được tính đến.

Thứ hai, bản thân đơn vị soạn thảo Đề án – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cũng nhìn nhận khá đầy đủ, thậm chí đi kèm với tranh luận, về cả lợi ích và rủi ro từ KTBĐ. Đồng thuận càng khó hơn khi chạm đến những hoạt động dịch vụ có tính “nhạy cảm” thường có trong khung giờ ban đêm.

Tìm kiếm bằng chứng cụ thể để cân đo lợi ích, chi phí là không dễ, bởi chính các bộ, ngành và địa phương cũng không có nhiều thông tin, thống kê đủ chi tiết và hệ thống. Chính ở đây, tư duy mở thể hiện ở chỗ Đề án vẫn đề xuất cho thí điểm hoạt động KTBĐ ở một số địa phương, chứ không dè dặt hay đòi hỏi phải chờ “đánh giá đủ” rủi ro – điều thường gặp phải trong tư duy quản lý nhà nước truyền thống.

PV: Việt Nam đã và đang thực hiện là tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng, đặc biệt thông qua các mô hình kinh tế mới. Vậy, việc ban hành Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam cho thấy Chính phủ coi KTBĐ là một động lực mới cho phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19. Xin bà cho biết quan điểm của mình về Đề án?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Dù có không ít thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình”. Để xử lý rủi ro này, một định hướng quan trọng mà Việt Nam đã và đang thực hiện là tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng, đặc biệt thông qua các mô hình kinh tế mới. Rủi ro từ khai thác thị trường nước ngoài cũng buộc Việt Nam phải cân nhắc những định hướng mới hơn nhằm khai thác thị trường trong nước. Không khó nhận thấy sự lưu tâm của lãnh đạo Chính phủ đối với phát triển KTBĐ ở Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều người để ý rằng, Chính phủ đã chủ trương nghiên cứu phát triển KTBĐ ngay từ tháng 7/2019 – thời điểm Việt Nam còn đang chứng kiến những số liệu khá tích cực về tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng...

Theo quan điểm của chúng tôi khi soạn thảo Đề án, nếu có chính sách chủ động phát triển KTBĐ ở mức độ phù hợp, đi kèm với phòng ngừa, xử lý hữu hiệu những rủi ro phát sinh từ KTBĐ, nước ta có thể có thêm cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như đã đề cập ở trên, phát triển KTBĐ có thể cùng với các mô hình kinh tế mới khác bổ sung đáng kể động lực cho tăng trưởng ở Việt Nam. Những động lực ấy có thể phát huy nhanh hoặc chậm, song việc “phát huy” tối đa những động lực ấy thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tôi tin tưởng rằng khi thực hiện Đề án, các bộ, ngành, địa phương sẽ mạnh dạn để có những bước đi cụ thể, có thể chưa xa nhưng thật vững chắc./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư