Năm 2021, sẽ xây Chiến lược phát triển TTCK đến 2030

12:32 | 04/01/2021 Print
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021, ngành chứng khoán sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp phát triển TTCK - thị trường vốn về dài hạn. So với quy mô GDP Việt Nam năm 2020, tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đã đạt trên 37%.

Dù được ghi nhận là TTCK có sức chống chịu và tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020, nhưng đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều chỉ tiêu được được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao tại Quyết định số 242/QĐ-TTg về tái cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 chưa thể về đích. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu toàn TTCK Việt Nam đạt 84,3% GDP, chưa về đích so với mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020. Cũng theo mục tiêu Thủ tướng giao, quy mô thị trường trái phiếu đến năm 2020 phải đạt 47% GDP và đến năm 2025 phải đạt 55% GDP. Đây là những mục tiêu cần có giải pháp mạnh để thực thi trọn vẹn trong thời gian tới.

Một mục tiêu cũng chưa hoàn thành năm 2020 là đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên TTCK, khi đến cuối năm, mảng việc này vẫn còn dang dở. Điểm sáng của TTCK năm 2020 là sự tăng trưởng về thanh khoản, quy mô vốn hóa và số lượng nhà đầu tư tham gia. Đến cuối năm 2020, TTCK có trên 2,7 triệu tài khoản được mở, thực hiện mục tiêu số lượng 3% dân số tham gia TTCK vào năm này. Cùng với đó, thị trường tiếp tục có bước tiến trong cải thiện chất lượng quản trị công ty, định hình khung pháp lý mới tiến tới nâng hạng thị trường và thúc đẩy tính hiệu quả, bền vững của thị trường về dài hạn.

Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên TTCK là một trong những giải pháp tăng quy mô, cải thiện vị thế TTCK

Trên nền tảng TTCK năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa giao 6 nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2021. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tập trung nỗ lực tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu của năm mới.

Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của nhà đầu tư và thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh.

Thứ hai, đẩy nhanh việc cơ cấu lại TTCK theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Thứ ba, đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên TTCK để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.

Thứ năm, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK - thị trường vốn về dài hạn.

Ghi nhận có sức chống chịu và tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 mới đạt trên 37% GDP

Tại sự kiện khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 tổ chức ngày 4/1/2021 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo ngành tài chính cho biết, năm 2020, thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước; trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp huy động được khoảng 400.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, đạt khoảng 14,7% GDP. Trên thị trường cổ phiếu, tổng mức huy động vốn qua TTCK đạt 384.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 qua cả 3 kênh trên đạt trên 1.017.000 tỷ đồng.

So với quy mô GDP Việt Nam năm 2020, tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đã đạt trên 37%. Đây là những con số quan trọng cho việc định hình TTCK trong 10 năm tới để sao cho kênh huy động vốn dài hạn qua TTCK có sự phát triển phù hợp và có vị thế xứng đáng so với kênh dẫn vốn ngắn hạn qua hệ thống ngân hàng (hiện khoảng 130% GDP)./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư