e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Gỡ vướng và nâng tầm chuỗi nghiệp vụ chứng khoán sau giao dịch

12:25 | 05/02/2021 Print
- Từ ngày 15/02/2021, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán sẽ theo quy định mới - Thông tư 119/2020/TT-BTC. Trên nền tảng pháp lý đầy đủ, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, VSD sẵn sàng khớp nối với hệ thống công nghệ mới, xử lý thông suốt các hoạt động sau giao dịch. Năm 2021 cũng là năm VSD sẽ chuyển sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Gỡ những phát sinh trong thực tiễn

Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Thông tư 119 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021, kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư số 05/2015/TT-BTC và bổ sung nhiều nội dung để xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, giúp các quy định mới phù hợp với hệ thống, sản phẩm mới của thị trường chứng khoán. Đây cũng là văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định số 155, quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD tin rằng, nền tảng pháp lý mới cùng hoạt động tái cấu trúc thị trường sẽ thúc đẩy TTCK ghi những dấu ấn mới năm 2021

Theo nhà quản lý, Thông tư 119 bổ sung đối tượng áp dụng là thành viên bù trừ để có cơ sở thực hiện khi triển khai bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động đăng ký chứng khoán, cấp mã chứng khoán, chuyển quyền sở hữu chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán.

Cụ thể, Thông tư 119 bổ sung quy định về cấp mã chứng khoán cho các loại cổ phần do doanh nghiệp phát hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do hệ thống mới của VSD có thể cấp mã, theo dõi, quản lý chi tiết thông tin từng loại cổ phần như cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi biểu quyết… Trong tương lai, các loại cổ phần này có thể được giao dịch theo Bảng riêng trên hệ thống giao dịch của các Sở giao dịch chứng khoán.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán được thực hiện tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam như trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán có liên quan đên việc ủy thác tài sản của nhà đầu tư, chuyển quyền sở hữu chứng khoán để góp vốn vào doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu chứng khoán do chuyển nhượng vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đầu tư theo phương thức dựng sổ theo quy định của pháp luật, chuyển quyền sở hữu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau trong trường hợp đã đạt mức tối đa về tỷ lệ sở hữu nước ngoài…. Đồng thời bổ sung các trường hợp hủy đăng ký chứng khoán đối với các loại chứng khoán là công cụ nợ của Chính phủ, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng quyền có đảm bảo, cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa không phải là công ty đại chúng bị hủy niêm yết, hủy đăng ký giao dịch…, phù hợp với các văn bản pháp lý mới được ban hành.

Không cho phép lùi thời hạn thanh toán, loại bỏ thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán thiếu tiền

Trong hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư bổ sung các quy định mới về nguyên tắc bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; sửa đổi, bổ sung quy định về sửa lỗi sau giao dịch và xử lý lỗi giao dịch tự doanh. Theo đó, quy định sửa lỗi giao dịch cụ thể đối với thành viên bù trừ và lỗi tự doanh của công ty chứng khoán phù hợp với hệ thống mới.

Theo Luật Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là cơ quan cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán trên toàn TTCK Việt Nam

Cùng với đó là quy định xử lý các trường hợp mất khả năng thanh toán phù hợp với hệ thống mới theo hướng không cho cho phép lùi thời hạn thanh toán, loại bỏ không thanh toán với giao dịch thiếu tiền sau khi đã thực hiện bù trừ và xác định nghĩa vụ thanh toán của các thành viên bù trừ.

Văn bản mới bổ sung cơ chế xử lý trường hợp thiếu tiền như sử dụng tài sản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, sử dụng khoản đóng góp vào quỹ bù trừ, bán các chứng khoán hiện có và chứng khoán chờ về, sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ và các nguồn vốn hợp pháp khác của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD sẽ chuyển sang hoạt động với mô hình của Tổng công ty, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Cùng với đó, quy định mới bổ sung thêm biện pháp khắc phục đối với giao dịch thiếu chứng khoán như mua vào bắt buộc đối với chứng khoán thiếu, lùi thời hạn thanh toán và thanh toán bằng tiền thay cho chứng khoán thiếu.

Bổ sung quy định về quản lý, sử dụng quỹ bù trừ; sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán phù hợp với cơ chế đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường chứng khoán cơ sở. Theo đó, quy định về quản lý quỹ bù trừ về cơ bản dựa trên các quy định về quản lý quỹ hỗ trợ thanh toán trước đây và bổ sung một số quy định phù hợp trên cơ sở tham khảo việc quản lý quỹ bù trừ hiện đang áp dụng đối với thị trường chứng khoán phái sinh.

Đối với quy định về quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán trong 12 tháng kể từ ngày chính thức triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ sử dụng duy nhất quỹ hỗ trợ thanh toán tương tự như quỹ bù trừ để hỗ trợ thanh toán cho thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán. Trường hợp thành viên lưu ký, thành viên bù trừ đăng ký mới trong giai đoạn này sẽ phải đóng quỹ hỗ trợ thanh toán và chưa thiết lập quỹ bù trừ. Sau giai đoạn 12 tháng, quỹ bù trừ được thiết lập thay thế cho quỹ hỗ trợ thanh toán.

Năm Tân Sửu, chờ nền tảng công nghệ mới vận hành

Gói thầu công nghệ thông tin kết nối toàn TTCK Việt Nam do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) chủ trì xây dựng, đang chờ ngày hoàn tất. Ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành HOSE cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, các bên sẽ tiến hành chạy khớp thử hệ thống toàn thị trường. Ông Trà khẳng định, HOSE sẽ nỗ lực tối đa cho mục tiêu hệ thống mới sẽ vận hành năm 2021.

Từ thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 với kỳ vọng, TTCK năm mới sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hay vi mô về hoạt động doanh nghiệp, điểm chờ đợi nhất là hệ thống công nghệ mới trên TTCK sẽ sớm vận hành, mở ra cơ hội để triển khai các sản phẩm tài chính mới, cũng như nâng hạng thị trường.

Chia sẻ với nhà đầu tư đại chúng, các chuyên gia của VNDirect cho rằng, với việc áp dụng mô hình thanh toán bù trừ mới, Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “yêu cầu kiểm tra phải có đủ tiền trước khi giao dịch” như tại thời điểm hiện tại, từ đó gỡ được nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE. Hệ thống giao dịch chứng khoán mới kỳ vọng sẽ góp phần triển khai thành công các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, và các sản phẩm phái sinh mới, từ đó thu hút thêm dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Về sản phẩm mới, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 01/01/2021 đã mở rộng định nghĩa về chứng khoán. Theo đó, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Các chuyên gia tin rằng, triển khai được các sản phẩm mới này sẽ rộng đường cho vốn ngoại chảy vào các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại hoặc đã hết room ngoại.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tin rằng, dù phải chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh quốc tế và trong nước, nhưng nền tảng pháp lý mới sẽ thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc thị trường, trong đó có với việc ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, từ đó thúc đẩy TTCK ghi những dấu ấn mới năm 2021./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư