e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Tác động của mô hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế Việt Nam

08:09 | 15/02/2021 Print
- Cùng với nhiều lợi ích đem lại từ phương thức kinh doanh mới, KTCS đã và đang nảy sinh những khó khăn, thách thức liên quan đến thị trường, cạnh tranh công bằng, năng lực đổi mới sáng tạo và nhất là đối với công tác quản lý nhà nước về thuế, điều kiện kinh doanh, thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm...

Trong những năm gần đây, kinh tế chia sẻ (KTCS) đang nổi lên và phát triển với một tốc độ nhanh trên thế giới. Được coi là mô hình kinh tế mới nhờ tận dụng được lợi thế phát triển của kinh tế số, tiếp cận được một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số, qua đó KTCS giúp tiết kiệm được chi phí giao dịch, góp phần vào sử dụng tài sản, tài nguyên hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền kinh tế.

Kinh tế chia sẻ đang nổi lên và phát triển với một tốc độ nhanh trên thế giới và được coi là mô hình kinh tế mới

Bài viết này tập trung vào phân tích, đánh giá tác động của KTCS tới nền kinh tế nước ta, qua đó kiến nghị một số giải pháp chính sách tiếp tục thúc đẩy mô hình KTCS thời gian tới theo hướng đẩy mạnh và phát huy các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của KTCS tới nền kinh tế.

TÁC ĐỘNG CỦA MÔ HÌNH KTCS TỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Tác động tới huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế

KTCS giúp huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực vận tải trực tuyến ở Việt Nam, trong 2 năm (2016-2018) khi thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) tham gia, đã huy động 36.809 phương tiện, thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, việc thúc đẩy và thu hút đầu tư mới vào kinh doanh theo mô hình KTCS, đặc biệt vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đã góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trong thời gian tới, khi KTCS phát triển mạnh cả về loại hình và quy mô hoạt động kinh doanh, có thể phát sinh nhiều mô hình KTCS trong các lĩnh vực kinh doanh khác (ngoài lĩnh vực vận tải, lưu trú và cho vay ngang hàng như hiện nay), sẽ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào phát triển mô hình KTCS tại Việt Nam.

Khi KTCS phát triển nhanh và mạnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, kéo theo nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số và các lĩnh vực logistics khác, tạo ra hiệu ứng tràn về đầu tư đối với nền kinh tế, nhờ đó nâng cao quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc đầu tư trong một số mô hình kinh tế KTCS có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và “lũng đoạn”. Hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại[1] cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài có thể chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.

Tác động tới thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường

Sự phát triển của các loại hình KTCS thời gian qua đã góp phần vào mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới cùng với kinh doanh theo mô hình truyền thống. Nhờ các tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã giúp cho khách hàng và người cung cấp dịch vụ dễ dàng kết nối với nhau, qua đó tăng các giao dịch trên thị trường.

Mặt khác, do tính hữu ích của nền tảng kết nối, điều hành và sự ưa thích sử dụng sản phẩm dịch vụ chia sẻ của khách hàng (dễ tiếp cận dịch vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí, sau giao dịch người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng kết nối…) dẫn đến tăng cầu kéo theo tăng cung dịch vụ[2].

KTCS cũng giúp đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, ngoài các sản phẩm truyền thống thì nay đã có thêm sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến bằng phương tiện ô tô, sản phẩm dịch vụ vận tải trực tuyến bằng phương tiện xe gắn máy, dịch vụ giao hàng...

Tương tự, trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú cũng đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ chia sẻ phòng ở, căn hộ, nhà ở rất đa dạng. Bên cạnh đó, quy mô (số lượng, khối lượng, giá trị) các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường theo mô hình KTCS đã tăng lên nhanh chóng. Quy mô doanh thu của thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 5 lần từ 0,2 tỷ USD năm 2015 lên 1,1 tỷ USD vào năm 2019 và dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó cho thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này ở Việt Nam còn rất lớn (PCWorld, 2017).

Trong mô hình KTCS, các hoạt động giao dịch trên thị trường có tính chất điển hình là thông qua mạng Internet. Do vậy, trong mô hình này, các chủ thể kinh tế khi thực hiện hoạt động giao dịch trên thị trường không bị giới hạn về phạm vi không gian địa lý, thị trường được mở rộng mà không bị giới hạn bởi phạm vi không gian lãnh thổ. Nhờ các giao dịch xuyên biên giới, thông qua mạng Internet kết nối với các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, KTCS đã giúp mở rộng phạm vi không gian cho thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Tác động tới thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường

Phát triển KTCS góp phần thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Tính cạnh tranh trên thị trường thể hiện rõ nét giữa một bên là các chủ thể kinh doanh theo mô hình KTCS với một bên là các chủ thể kinh doanh theo phương thức truyền thống trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Trên thị trường dịch vụ vận tải, sự gia nhập thị trường và gia tăng thị phần của vận tải trực tuyến (Grab và các nền tảng kết nối khác như Live Taxi, Taxi Chiều về, Uber, Easy Taxi) khiến thị phần của các nhà vận tải truyền thống giảm tương ứng, tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh, dịch chuyển từ kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Nhờ gia tăng tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ được nâng cao và giá dịch vụ cũng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.

Tương tự, trên thị trường dịch vụ lưu trú, nhờ sự xuất hiện và mở rộng thị phần của các mô hình kinh doanh chia sẻ phòng ở theo phương thức mới (như: Airbnb, Luxstay…), đã buộc các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch truyền thống, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ để thay đổi và thích ứng với tình hình mới.

Bên cạnh các tác động tích cực như đã nêu trên, KTCS cũng đưa tới nguy cơ cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống với các loại hình kinh doanh theo mô hình KTCS, nảy sinh bất cập do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS. Điều này xuất phát từ việc cấp giấy phép hoạt động đối với các mô hình kinh doanh chia sẻ còn vướng mắc do một số loại hình không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh hoặc chưa xác định được ngành nghề kinh doanh và đang gây ra nhiều tranh luận. Các quy định pháp lý về tài sản, cũng chưa nhận định rạch ròi giữa tài sản dư thừa và tài sản dùng để kinh doanh. Quy định về chỉ tiêu thống kê để quan sát hoạt động KTCS, thu thập số liệu thống kê chính thức về KTCS phục vụ quản lý nhà nước về KTCS cũng chưa được xây dựng chi tiết và thực hiện.

Tác động tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế

Đến nay, do chưa có số liệu thống kê chính thức về KTCS, nên khó lượng hóa đóng góp của KTCS tới tăng trưởng và chuyển dịch dịch cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các loại hình KTCS tác động thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển các loại hình KTCS góp phần mang lại thu nhập cho các chủ thể kinh tế tham gia kinh doanh, qua đó, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, góp phần tăng tiết kiệm nội địa, tăng tích lũy tài sản, tạo nguồn vốn tích lũy để tăng đầu tư trong nền kinh tế. Không chỉ các bên tham gia mô hình KTCS được hưởng lợi, mà mô hình KTCS còn tạo hiệu ứng lan tỏa và mang lại thu nhập tăng thêm cho nhiều chủ thể kinh tế có liên quan. Chẳng hạn, kết nối và tham gia mạng lưới qua nền tảng Grab, không chỉ mang lại thu nhập cho trên 100 nghìn tài xế xe máy, mà còn mang lại thu nhập cho hàng nghìn chủ cửa hàng đồ ăn, đồ uống, bán hàng tiêu dùng online...

Là mô hình kinh doanh mới, KTCS đã tập trung vào khai thác lợi thế của mạng Internet và công nghệ số để hình thành và phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, nhiều ngành và sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao, bên cạnh việc tạo áp lực rất lớn đối với các ngành nghề truyền thống, không chỉ thúc đẩy cạnh tranh, mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế theo hướng chuyển từ các ngành kém hiệu quả sang các ngành có hiệu quả cao hơn, nhờ đó, KTCS tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số mô hình KTCS chính phát phát triển nhanh, gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống, tạo ra những tổn thất nhất định đối với kinh tế truyền thống. Khi KTCS phát triển càng nhanh trong những lĩnh vực, ngành nghề truyền thống, thì kết cấu kinh tế truyền thống bị phá vỡ càng lớn và thu hẹp nhanh, lượng giá trị mất mát này của kinh tế truyền thống tăng lên, nảy sinh nhiều vấn đề về giải quyết việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong khu vực kinh tế truyền thống.

Tác động tới công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế

Các loại hình KTCS kích thích và thúc đẩy hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ, góp phần nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Ngoài ra, các loại hình KTCS phát triển góp phần nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế với những biến động bất thường, tăng khả năng chống chịu, giảm bị tổn thương trước các biến động đó. Điển hình cho những “cú sốc” này là đại dịch Covid-19.

Tuy đại dịch Covid-19 chưa đi qua và cũng chưa có đủ tư liệu, số liệu để chứng minh, đánh giá toàn diện và cụ thể, nhưng đến nay, có thể sơ bộ nhận thấy, mô hình KTCS có khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn trước các “cú sốc” và ít bị tổn thương hơn trước các biến động từ “cú sốc” đó so với kinh tế truyền thống. Nguyên nhân nằm ở chính trong các đặc tính và các ưu thế của mô hình KTCS so với mô hình kinh tế truyền thống.

Ngoài các tác động tích cực, phát triển các loại hình KTCS có thể làm gia tăng mức độ phụ thuộc vào bên ngoài của nền kinh tế, tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với an ninh, an toàn của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự tương tác giữa cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường “ảo”, tạo ra một hệ thống dữ liệu khổng lồ về thông tin và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gây nguy cơ mất an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Việc phát triển các loại hình KTCS cũng có thể làm gia tăng các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, gây bất lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của các loại hình KTCS, nhất là các loại hình P2P Lending, Fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đã và đang khiến các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý tài chính phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát để phòng chống hiệu quả nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố; đồng thời, kiềm chế và kiểm soát các rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; sử dụng trái phép thông tin cá nhân…

Tác động về thuế và quản lý thuế

Mặc dù hiện nay khung khổ quản lý về chính sách thuế, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS đã tương đối đầy đủ từ đăng ký thuế, chứng từ nộp thuế, kê khai thuế và nộp thuế. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp KTCS có trụ sở ở nước ngoài nhưng đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam chỉ nộp được thuế TNDN theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài.

Ngoài ra, còn thiếu các cơ chế, chính sách về quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Thậm chí, ngay cả khi đã có các quy định bắt buộc về nghĩa vụ thuế, để đảm bảo tuân thủ pháp luật chặt chẽ đúng quy trình thì cũng cần sự tham gia tích cực của các bên kinh doanh theo mô hình KTCS về thực hiện nghĩa vụ thuế, như trong việc kê khai, cung cấp thông tin... Tình hình đó gây ra nguy cơ thất thu thuế và sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các loại hình KTCS ở Việt Nam.

Tác động tới tạo việc làm cho người lao động

Hoạt động của một số loại hình KTCS có tác động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông vận tải, đến năm 2017, tại TP. Hồ Chí Minh đã có tới 25.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu, 96% trong số đó tham gia mạng lưới của Grab; tại Hà Nội, 11.474 xe ô tô (chiếm 90,67% tổng số xe được cấp phép) tham gia mạng lưới của Grab. Điều đó có nghĩa, có khoảng gần 36,5 nghìn việc làm được tạo ra tại Hồ Chí Minh và Hà Nội trong năm 2017 dưới tác động của mô hình KTCS.

Bên cạnh đó, quy mô việc làm trong các ngành dịch vụ không ngừng tăng trưởng, đặc biệt là các ngành vận tải, kho bãi và lao động giản đơn trong khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, cụ thể: tốc độ tăng trưởng việc làm trong ngành vận tải, kho bãi là 3,8%/năm giai đoạn 2017-2019 so với 2,3%/năm giai đoạn 2014-2016. Tương tự, tốc độ tăng trưởng việc làm trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là 5,7%/năm trong giai đoạn 2017-2019, cao hơn 1,5 lần so với giai đoạn 2014-2016.

Bên cạnh tác động tích cực, KTCS đang tiềm ẩn một số rủi ro cho hoạt động quản trị thị trường lao động. Cho đến nay, chưa có một công cụ nào đo đếm, thống kê và quản lý được các đối tượng lao động này. Do đó, mức độ biến động về qui mô, phạm vi và loại việc làm hoặc hình thức làm việc có nhu cầu cao (hoặc có nguy cơ suy giảm, thậm chí biến mất) cũng như kỹ năng nghề nghiệp mà thị trường đòi hỏi diễn ra liên tục sẽ là một thách thức trong công tác thu thập, nắm bắt và cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lao động (cũng như hoạt động dự báo, cảnh báo). Công tác dự báo đòi hỏi phải có độ chính xác cao cả trong phạm vi ngắn/trung/dài hạn. Trên cơ sở đó, các hành vi thị trường của người lao động, người sử dụng lao động cũng như quyết sách tác động/can thiệp của Nhà nước sẽ có hiệu quả cao hơn.

Tác động tới quan hệ lao động trong nền kinh tế

Là một mô hình kinh tế mới, KTCS bao gồm các loại đối tượng chia sẻ khác nhau (như chia sẻ về: vốn nhân lực, vốn vật chất và cả về vốn nhân lực và vật chất...). Trong các mô hình này, một người lao động có thể xác lập quan hệ lao động với nhiều chủ sử dụng lao động khác nhau để tối đa hóa lợi ích, qua đó góp phần củng cố quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, người lao động có thể có thời gian làm việc linh hoạt hơn, có thể cùng lúc làm việc bán thời gian cho nhiều chủ sử dụng lao động và tối đa hóa thu nhập cho bản thân. Đồng thời, các đối tượng lao động trình độ thấp, hoặc đang gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc làm sẽ có thêm cơ hội công việc thông qua các loại hình KTCS.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề quan hệ lao động mới phát sinh khi xuất hiện mô hình KTCS, đòi hỏi pháp luật quan hệ lao động phải nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới khi quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động đang trở lên linh hoạt hơn.

Do quan hệ hợp đồng mới trong kinh tế chia sẻ là quan hệ ba bên hoặc thậm chí là nhiều bên, nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này thay vì xử lý quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây. Nếu không có các quy định rõ ràng có thể dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thông tin. Trách nhiệm của các bên đối với nhà nước cũng cần được qui định rõ hơn, đặc biệt là với các đối tác ở bên ngoài biên giới.

Tác động tới sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường

Mô hình KTCS có tiềm năng đáng kể trong việc giảm tác động môi trường do tăng cường sử dụng sản phẩm hiện có và giảm nhu cầu sản xuất thêm, do đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, việc đi chung xe giúp làm giảm số lượng xe trên đường do đó giảm thiểu ùn tắc giao thông và phát thải khí thải nhà kính. Nhưng, cũng có thể, do phát triển quá nhanh, nên số lượng phương tiện đưa vào lưu thông nhiều hơn, càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là tại các khu vực trung tâm trở lên trầm trọng hơn.

Đối với các mô hình KTCS có mục tiêu chính là giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, thì lợi ích về môi trường thu được là rất rõ ràng. Hiện nay, ở Việt Nam đang có một số ứng dụng hướng tới việc tái sử dụng, tái chế chất thải, chủ nguồn thải có thể sử dụng một số ứng dụng, như: Rada, mGreen, Grac, Ralava để yêu cầu dịch vụ thu gom chất thải có khả năng tái chế đã phân loại tại nguồn. Tính đến tháng 6/2019, với việc triển khai và sử dụng ứng dụng tại 30 toà chung cư tương ứng 3.000 hộ dân và bởi 2.000 học sinh, giáo viên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dự án mGreen đã thu gom được 8 tấn rác tái chế. Đến tháng 12/2019, 450 yêu cầu thu gom (tương ứng với khoảng 410-420 người sử dụng) thông qua Ralava đã giúp 1,6 tấn rác có cơ hội được tái chế. Đến tháng 02/2020, 38 đơn yêu cầu dịch vụ thu gom chất thải điện tử từ các hộ gia đình qua Rada đã được thực hiện.

Bên cạnh ưu điểm, một số hạn chế cần xem xét của KTCS, như dịch vụ vận tải trực tuyến, với hàng chục ngàn phương tiện tham gia, có thể làm tăng lượng thải ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, phương tiện giao thông, và làm gia tăng ô nhiễm không khí ở đô thị. Tương tự, phát triển dịch vụ chia sẻ phòng ở có thể khiến nhu cầu cải tạo, xây dựng nhà ở của người dân tăng lên, dẫn đến tăng tốc độ phát sinh chất thải rắn (CTR) xây dựng và mức độ ô nhiễm không khí. Phát triển du lịch và dịch vụ chia sẻ phòng, đặc biệt ở đô thị, có thể khiến lượng CTR sinh hoạt tăng với tốc độ nhanh hơn. Trên thực tế, việc thu hồi, xử lý, tái chế các loại chất thải chưa được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Tác động tới thể chế quản lý nền kinh tế

Hệ thống thể chế quản lý nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn là thể chế quản lý kinh tế truyền thống, chưa hướng tới quản lý các loại hình KTCS. Vì thế, sự phát triển nhanh của các loại hình KTCS đang đòi hỏi và tạo áp lực rất lớn đối với Nhà nước trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý một nền kinh tế mà trong đó bao gồm cả kinh tế truyền thống và KTCS, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Mô hình KTCS là một mô hình kinh tế mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả các nước khác trên thế giới, với nhiều loại hình KTCS đa dạng, nhiều mô hình kinh doanh chia sẻ đa dạng và còn tiếp tục biến đổi và cả biến tướng so với KTCS truyền thống, do đó yêu cầu về hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế đối với mô hình kinh doanh này đang là nhu cầu bức thiết..

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Nhằm phát huy các tác động tích cực, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực của KTCS tới nền kinh tế nước ta, trong thời gian tới cần lưu ý các giải pháp cụ thể sau:

- Hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý KTCS, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong KTCS, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình KTCS.

- Nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam để xác định lỗ hổng pháp lý và bổ sung (nếu cần thiết).

- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh chia sẻ trên thị trường trong nước.

- Có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của khu vực kinh doanh truyền thống khi bị thu hẹp thị phần trong cạnh tranh với các loại hình kinh doanh chia sẻ, giảm thiểu các xung đột xã hội có thể nảy sinh.

- Chủ động giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong thúc đẩy mô hình KTCS.

- Nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ, phát triển nhanh các công nghệ nền tảng, nhất là các công nghệ nền tảng lớn, giảm dần lệ thuộc của nền kinh tế vào các nền tảng công nghệ lớn ở nước ngoài.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và đảm bảo an ninh mạng.

- Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thị trường lao động liên quan đến phát triển từng loại hình KTCS (quản lý, khai báo về lao động tham gia loại hình KTCS, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm…) để các hoạt động của kinh tế chia sẻ được hoạt động theo đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến quan hệ lao động cả trên phương diện kỹ thuật, lập pháp cũng như trong khâu tổ chức thực hiện.

- Chủ động xây dựng điều chỉnh chính sách thuế và các công cụ của chính sách thuế (như: các biểu thuế, mức thuế suất, cơ sở tính thuế và lộ trình áp dụng các mức thuế suất…) đối với từng loại hình kinh doanh theo mô hình KTCS nhằm giải quyết các tác động ngoại ứng của mô hình KTCS đối với nhu cầu huy động vốn đầu tư từ NSNN cho phát triển nền kinh tế trong tương lai để giải quyết các vấn đề về môi trường.

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến những mất mát hay tổn thất của doanh nghiệp kinh doanh truyền thống do bị cạnh tranh không lành mạnh, hoặc cạnh tranh không công bằng của doanh nghiệp kinh doanh chia sẻ gây ra, dẫn đến thu hẹp tương đối thị trường và lãng phí tài sản đã đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

- Rà soát, đánh giá để mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng trong tham gia thị trường KTCS.

- Nghiên cứu việc sử dụng các công cụ chính sách tiết chế xả thải ra môi trường của hệ thống KTCS, như: thuế, phí, giá cả dịch vụ, quỹ tài chính trong các quy định pháp lý về đăng ký ngành nghề kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh của một số loại hình KTCS có khả năng làm gia tăng phát thải CO2, chất thải xây dựng, chất thải điện tử, như kinh doanh dịch vụ vận tải trực tuyến, kinh doanh dịch vụ chia sẻ phòng ở.../.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định 999/QĐ-TTg, ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

2. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2019). Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2019

3. Lưu Đức Khải (2020). Kinh tế chia sẻ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề đặt ra, Thông tin Khoa học, Hội đồng khoa học các cơ quan đảng trung ương, số 2(45)

4. ASEAN 4.0: What does the Fourth Industrial Revolution mean for regional economic integration

5. Benkler, Y. (2004). Sharing Nicely: On Shareable Goods and the Emergence of Sharing as a Modality of Economic Production, 1st ed. Yale Law J. 2004, 114, 273-358

6. Jeremy, R. The Zero Marginal Cost Society (2015). The Internet of Things, the Collaborative Commons, and the Eclipse of Capitalism, Reprint ed., St. Martin’s Griffin: Manhattan, NY, USA

7. WEF (2017). The Impacts of the Fourth Industrial Revolution on Jobs and the Future of the Third Sector

TS. Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04/2021)



[1] Công ty Goviet gần đây nhất đã được mua lại bởi Công ty Gojek.

[2] Chẳng hạn, theo truy cập tại trang website của Công ty Tima ngày 23/11/2020, tính đến nay đã có trên 8,2 triệu tổng số đơn xin vay vốn trên hệ thống, trong đó trên 6,1 triệu đơn đã được tư vấn. Có tới gần 4,9 triệu người đăng ký vay và trên 46 người cho vay.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư