Năm 2045, thống kê Việt Nam trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới

14:35 | 26/02/2021 Print
- Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Dự thảo Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố xin ý kiến góp ý.

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung và tăng cường năng lực của hệ thống thống kê Việt Nam nói riêng. Sau 10 năm thực hiện từ năm 2011-2020, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được triển khai đồng bộ và nghiêm túc và Thống kê Việt Nam đã đạt được một số thành công như hoàn thiện thể chế cho hoạt động thống kê, dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú, cơ sở hạ tầng cho hoạt động thống kê được bảo đảm tốt hơn rất nhiều so với năm 2010.

Phấn đấu đến năm 2030, thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Ảnh: Minh họa, nguồn: Internet

Theo dự thảo báo cáo tổng kết, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được một số kết quả chính: Hoàn thành 84% số hoạt động trong chương trình hành động của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (CLTK11-20).

Năng lực của Thống kê Việt Nam trong 10 năm qua đã được cải thiện: Chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam đứng thứ 4 (2019); Chỉ số dữ liệu mở của Việt Nam đứng thứ 6 (2020); Mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về GDP đứng thứ 5 (số liệu năm), đứng thứ 3 (số liệu quý); Mức độ đáp ứng yêu cầu của về CPI, PPI đứng thứ 2 (số liệu năm), đứng thứ 3 (số liệu tháng); Mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về SDG đứng thứ 4; Mức độ đáp ứng các chỉ tiêu xã hội (số liệu năm) thấp, chỉ đạt 42,7%, đứng thứ 6...

Tuy nhiên, Thống kê Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Thông tin thống kê được công bố chưa tương xứng với nguồn dữ liệu sẵn; Phương pháp, tiêu chuẩn, quy trình thống kê chưa được hoàn thiện theo chuẩn quốc tế; và việc tư liệu hóa, số hóa các hoạt động thông kê chưa đáng kể.

Dự thảo nêu rõ quan điểm phát triển là công bố và phổ biến thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và dễ dàng tiếp cận, nhằm phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc đánh giá, hoạch định chiến lược, chính sách và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; trước tiên là phục vụ việc giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược đặt mục tiêu Thống kê Việt Nam đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững theo hướng hiện đại với mô hình tổ chức hợp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại; sản xuất và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng tăng lên của xã hội; phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Dự thảo Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như sau:

- Tăng cường sử dụng nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính và các nguồn dữ liệu khác cho hoạt động thống kê; phấn đấu đến năm 2025 thay thế được 30% nguồn dữ liệu điều tra thống kê; đến năm 2030 thay thế được 60%;

- Mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA2008) đạt mức 4/6 vào năm 2025; đạt mức 5/6 vào năm 2030;

- 100% chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo chuẩn mực thống kê Việt Nam vào năm 2025, bao gồm, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã; bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; bộ chỉ tiêu thống kê giới, hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN của Việt Nam. 100% chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số được biên soạn và công bố vào năm 2030;

- Cập nhật đầy đủ, thường xuyên Hệ thống phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS); trên 50% số chỉ tiêu thuộc Hệ thống phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) đảm bảo tiêu chuẩn theo SDDS vào năm 2025; trên 75% vào năm 2030;

- 70% sản phẩm và dịch vụ thống kê được cung cấp cho người dùng đúng hạn vào năm 2025; 100% vào năm 2030;

- Tăng cường cung cấp dữ liệu vi mô theo yêu cầu của người sử dụng thông tin thống kê; phấn đấu đến năm 2025 cung cấp dữ liệu vi mô tăng gấp 3 lần và đến năm 2030 tăng gấp 10 lần so với năm 2020;

- 50% hoạt động thống kê được tư liệu hóa vào năm 2025 và 100% vào năm 2030;

- 50% hoạt động thống kê được chuyển đổi số vào năm 2025 và 70% vào năm 2030;

- Chỉ số năng lực thống kê đạt 90 điểm (thang điểm 100) vào năm 2025; đạt 95 điểm vào năm 2030;

- Chỉ số dữ liệu mở đạt 0,85 vào năm 2025; đạt 0,99 vào năm 2030;

- Tỷ lệ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê đạt 60% vào năm 2025; đạt 75% vào năm 2030;

- Phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động phục vụ cho công tác tổng kết Chiến lược giai đoạn 2011-2020 và tiến hành xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021-2030.

Ngày 17/6/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tổ chức Hội thảo đề xuất Khung Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cơ quan thông tấn, báo chí (người sản xuất và người sử dụng thông tin thống kê).

Ngày 13/7/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 1122/QĐ-BKHĐT ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 16/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển thống kê kinh tế đến năm 2045 với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế (UNESCAP, Cơ quan Thống kê Đan Mạch,…) và các đối tượng sử dụng thông tin thống kê khác.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cũng đã thực hiện tham vấn các đối tượng (cung cấp thông tin thống kê, sản xuất thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê) nhằm xác định các nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tầm nhìn, mục tiêu, chương trình hành động, giải pháp)./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư