e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Dòng đầu tư F0: Cần nuôi dưỡng cho tương lai cùng lớn mạnh

09:47 | 23/02/2021 Print
- Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB Trần Hải Hà đặt câu hỏi: “Nếu nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, liệu có đi ngược xu hướng phổ cập hóa kênh đầu tư chứng khoán hay không?”. Nếu phải thực thi nâng lô, nhà quản lý cần truyền tải thông điệp, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, khi hệ thống mới vận hành, lô giao dịch tối thiểu sẽ ở mức tương đương các thị trường khác.

Để đầu tư chứng khoán thành công trong ngắn hạn cần mức độ chuyên nghiệp cao, nhưng về dài hạn thì hoàn toàn không khó. CEO MBS khuyên nhà đầu tư hãy mua thêm khi thị trường định giá thấp và cần kiên nhẫn nắm giữ một danh mục cổ phiếu chất lượng. Với tỷ suất sinh lời như 1 thập kỷ qua thì trung bình sau 10 năm, nhà đầu tư có thể gấp 4 lần số tiền ban đầu và đạt gần tới hơn tới mục tiêu tự do tài chính.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Đối diện với tình trạng TTCK có thể bị nghẽn lệnh khi thanh khoản tăng lên, một số ý kiến cho rằng, nhà quản lý nên tính việc nâng đơn vị lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu. Trên cương vị Tổng giám đốc công ty chứng khoán có trên 100.000 nhà đầu tư mở tài khoản, ông có ủng hộ quan điểm này không?

Là một trong những công ty chứng khoán có số lượng nhà đầu tư cá nhân lớn nhất thị trường, chúng tôi nhận thấy từ năm 2020 thị trường đã đón nhận sự tham dự mạnh mẽ chưa từng có của lớp nhà đầu tư mới mà báo chí đại chúng thường gọi là “F0”, thể hiện ở những con số tài khoản mở mới cao kỷ lục (86.107 tài khoản cá nhân chỉ trong 1/2021). Đặc điểm chung của lớp nhà đầu tư cá nhân là họ đang tìm hiểu về thị trường chứng khoán, muốn làm quen với một kênh đầu tư hiệu quả và thanh khoản mới trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đi xuống, các kênh đầu tư truyền thống khác như bất động sản giá trị đầu tư tương đối lớn và thanh khoản chưa cao.

Số tiền đầu tư ban đầu của nhà đầu tư mới là khá thấp, rất nhiều tài khoản chỉ có số tiền đầu tư chỉ 10 hay 20 triệu đồng. Với lô cổ phiếu là 100 cổ phiếu như hiện tại, những nhà đầu tư này vẫn có thể tiếp cận những công ty đại chúng hàng đầu, tương đối an toàn, lợi suất sinh lời ổn định. Tuy nhiên, nếu lô giao dịch lên tới 1.000 cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ cần tới 100 triệu đồng để có thể đầu tư vào các cổ phiếu như VNM, VCB. Đây là số tiền khá thách thức với nguồn lực đầu tư ban đầu của nhiều nhà đầu tư F0.

Thứ hai, cũng cần nhìn nhận lại, các thị trường quanh chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì lô tối thiểu cũng đã duy trì là 100 cổ phiếu, những thị trường đi sau như Campuchia hay Myanmar để thu hút nhà đầu tư không có lô tối thiểu, nhà đầu tư có thể bắt đầu mua bán từ 1 cổ phiếu.

Thứ ba, hệ thống công nghệ mới trên TTCK có khả năng tải lệnh lớn hơn sẽ có thể hoạt động trong hơn nửa năm nữa, một thời gian không quá dài. Liệu chúng ta có nên đi ngược lại xu hướng phổ cập hóa kênh đầu tư chứng khoán với việc nâng lô tối thiểu lên không? Chúng tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý nên tiếp tục quản lý chặt các nội dung hiện tại như yêu cầu dừng các lệnh tự động, lệnh từ thuật toán robo, chẻ lệnh tự động. Khi đó, số lệnh sẽ được giảm xuống trong khi phần lớn nhà đầu tư F0, một lực đẩy quan trọng cho sự thành công của thị trường chứng khoán năm 2020, vẫn tiếp tục tiếp cận được kênh đầu tư cổ phiếu. Còn nếu chúng ta bắt buộc phải tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu thì tại sao không xây dựng một hệ thống giao dịch riêng cho lô lẻ cho nhà đầu tư hoặc xem xét đến yếu tố phân bảng giao dịch khi SGDCK Việt Nam đã được Thủ tướng phê chuẩn thành lập; sự khác biệt giữa 2 sàn HNX, HSX như hiện nay không còn nhiều ý nghĩa nữa. Quan trọng hơn nữa, chúng ta cần truyền tải thông điệp, đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn và các cơ quan quản lý sẽ đưa lô tối thiểu trở lại những mức thấp hơn tương đương các thị trường khác khi hệ thống mới hoạt động ổn định.

Nếu nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu, sẽ có hàng trăm nghìn lệnh giao dịch phải chuyển sang hình thức giao dịch lô lẻ. Theo ông, áp lực có dồn lên công ty chứng khoán không, nếu có, giải pháp cho vấn đề này là gì?

Các công ty chứng khoán hiện nay phần lớn đều hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ, MBS không là ngoại lệ. Tuy nhiên, với giao dịch lô lẻ, công ty chứng khoán vẫn phải gom mua cổ phiếu lẻ từ nhà đầu tư, sau đó bán lại T+2 nên đơn vị trung gian (CTCK) sẽ phát sinh rủi ro về giá mua và giá bán. Và quan trọng nhất, điều này vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi là khả năng tài chính của nhiều nhà đầu tư F0 sẽ không cho phép họ tiếp cận các cổ phiếu tốt trên thị trường khi lô tối thiểu tăng lên 1.000 cổ phiếu.

Ngoài giải pháp dự kiến là nâng lô, mong ông gợi mở thêm những giải pháp có thể giảm tải tình trạng nghẽn lệnh?

Chứng chỉ quỹ cũng là một giải pháp tốt, giúp cho nhà đầu tư thay vì mua nhiều lô cổ phiếu riêng lẻ, sẽ chỉ cần đặt mua một lô chứng chỉ quỹ bao gồm các cổ phiếu yêu thích. Với bản chất là mua và nắm giữ một rổ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cũng sẽ có độ biến động ít hơn, qua đó nhà đầu tư sẽ giảm rủi ro, giảm giao dịch ngắn hạn và thay vào đó nắm giữ dài hạn. Do đó, chúng ta càng có nhiều chứng chỉ quỹ đa dạng, đáp ứng nhiều yêu cầu đầu tư khác nhau sẽ càng tốt cho nhà đầu tư.

Tất nhiên, chứng chỉ quỹ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư. Nhiều nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm tới một mã cổ phiếu, như MBB, vì định giá rẻ hay cổ tức cao chẳng hạn, thay vì quan tâm tới toàn bộ rổ cổ phiếu ngành ngân hàng với các mức định giá và tiềm năng tăng trưởng khác nhau.

Chứng quyền có bảo đảm cũng là một sản phẩm nhà đầu tư nên quan tâm. Với thị giá thấp chỉ khoảng vài nghìn một chứng quyền thì ngay cả khi lô tối thiểu có lên tới 1.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, đa số nhà đầu tư vẫn tiếp cận được chứng quyền. Tất nhiên, đây là một sản phẩm đầu tư cao cấp, thời hạn đầu tư ngắn, mức độ đòn bảy cao, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi quyết định đầu tư.

Song song với việc TTCK Việt Nam nâng cấp nền tảng công nghệ mới, tại công ty ông, hoạt động đổi mới công nghệ, để mang đến những sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn cho nhà đầu tư, đang và sẽ được thực hiện như thế nào?

Là một công ty có thế mạnh về khách hàng cá nhân, các hoạt động chuyển đổi số của MBS luôn hướng tới một mục tiêu lớn nhất là mang tới trải nghiệm giao dịch số hóa tốt nhất, tiện lợi với nhà đầu tư. Với từng nhà đầu tư thì trải nghiệm tốt nhất có thể hiểu theo các hướng khác nhau, có nhà đầu tư thì giá rẻ nhất là tốt nhất, có nhà đầu tư thì tư vấn hiệu quả là tốt nhất nhưng cơ bản đã là đầu tư chứng khoán thì Khách hàng đều muốn tiếp cận chất lượng tư vấn và chăm sóc tốt, trải nghiệm thuận tiện với giá cả hợp lý.

MBS sẽ mang lại các giá trị của một công ty chứng khoán full service (đầy đủ dịch vụ từ tư vấn, chăm sóc, trái phiếu, IB) tới khách hàng với một mức giá hợp lý nhất. Như năm 2020 vừa qua, bên cạnh line môi giới truyền thống, MBS đã triển khai thêm line kinh doanh số để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư muốn giao dịch với chi phí và lãi suất margin cạnh tranh nhất thị trường.

Chúng tôi cũng đã triển khai app giao dịch MBS Mobile mới vào tháng 1/2021 với trải nghiệm thân thiện, tốc độ cao và chỉ trong thời gian ngắn. App giao dịch này đã vươn lên TOP 4 trong ngành chứng khoán. Còn rất nhiều những thay đổi lớn từ số hóa quy trình của bộ phận back office tới các ứng dụng giao dịch mà không thể liệt kê hết tại đây, nên chúng tôi luôn đón chờ nhà đầu tư mới mở tài khoản tại MBS để có thể thực tế trải nghiệm những dịch vụ này.

MBS vừa triển khai app giao dịch MBS Mobile và luôn đón chờ nhà đầu tư mới mở tài khoản, để cùng trải nghiệm câu chuyện đầu tư trên thị trường.

Xin ông chia sẻ kết quả kinh doanh năm 2020 của Công ty và dự kiến mục tiêu cho năm 2021? Thị trường niêm yết, thị trường phái sinh hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mảng nào sẽ là câu chuyện nóng của năm 2021, thưa ông?

Trong năm 2020, với sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ và sự hỗ trợ của Tập đoàn MB, của các cơ quan quản lý và diễn biến thị trường thuận lợi, MBS đã đạt các thành tựu lớn. Doanh thu đạt 1.121 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019 và vượt 56% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 336 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019, vượt 67% so với kế hoạch. So với kế hoạch 720 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã được Đại hội cổ đông thường niên giao phó, thì kết quả kinh doanh ước tính của MBS đã vượt rất xa.

Năm 2021, với nền tảng vĩ mô vững mạnh của Việt Nam và triển vọng phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới sau đại dịch Covid-19, chúng tôi nhận định thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có một năm thành công.

Đầu tư cổ phiếu sẽ tiếp tục sôi động, trong một số phiên đầu năm mới nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng mạnh mẽ cho thấy, không chỉ nhà đầu tư cá nhân trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế đều tin tưởng vào triển vọng dài hạn tích cực của doanh nghiệp Việt Nam sau khi đã vượt qua một năm 2020 đầy thách thức. Với nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt trong khi lạm phát vẫn ổn định, mức định giá tương đối hấp dẫn hiện nay và triển vọng nâng hạng thị trường, chứng khoán sẽ vẫn là câu chuyện nóng trong những năm tới.

Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn. Năm 2021, với việc các cơ quan quản lý sẽ tập trung vào việc xây dựng một thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, tập trung vào các đợt phát hành ra công chúng hơn là phát hành riêng lẻ thì khả năng tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư và thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn rất nhiều.

Như ông vừa chia sẻ, dòng đầu tư mới F0 đến với TTCK tăng mạnh, nhưng để thành công trong đầu tư thì cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam, về dài hạn, đầu tư chứng khoán sẽ cho mức sinh lời vượt trội khoảng 4%-6% mỗi năm so với kênh đầu tư tiết kiệm. Tất nhiên, trong từng thời kỳ thì tùy vào định giá thị trường hay các biến động vĩ mô khó lường như đại dịch Covid vừa qua thì thị trường sẽ có thể sụt giảm, nhưng thực tế cho thấy thị trường sẽ nhanh chóng tăng trở lại. Để đầu tư chứng khoán thành công trong ngắn hạn thì sẽ cần mức độ chuyên nghiệp cao nhưng về dài hạn thì hoàn toàn không khó. Nhà đầu tư chỉ cần kiên nhẫn nắm giữ một danh mục các cổ phiếu chất lượng với tiềm năng tăng trưởng tốt và nếu có thể, hãy mua thêm khi thị trường định giá thấp. Với tỷ suất sinh lời như 1 thập kỷ qua thì trung bình chỉ sau khoảng 10 năm, nhà đầu tư có thể gấp 4 lần số tiền đầu tư ban đầu (so với kênh tiết kiệm sẽ gấp 2) và sẽ có thể đạt gần tới hơn những mục tiêu về tự do tài chính của mình./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư