Thông tư 30 liệu có “quản” được giá sữa?

22:14 | 23/11/2013 Print
- Thông tư 30 về việc đưa các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0-6 tuổi vào diện hàng bình ổn và quản lý giá của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực từ 20/11, thế nhưng, giá sữa dường như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của quản lý nhà nước.

Khởi đầu nhỏ trên chặng đường dài

Thông tư số 30/2013/TT- BYT ngày 4/10/2013 về việc ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá của Bộ Y tế có hiệu lực từ 20/11, trước mắt sẽ khiến mặt hàng "độc quyền" vào tầm kiểm soát, không thể thích thì tăng giá, hoặc là tăng rồi mới báo cáo.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu, trước ngày 25/11, 6 doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh sữa lớn phải báo cáo rõ việc tăng giá sữa và lý do tăng trong thời gian từ đầu năm đến nay. Đây cũng là điều mong mỏi của người tiêu dùng muốn biết được lý do họ bị các hãng sữa móc túi từ nhiều tháng qua.

Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ theo danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa ban hành, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương hoàn toàn có chức năng kiểm tra các công ty kinh doanh sữa, nếu phát hiện những hành vi thực hiện không đúng quy định giá trong kinh doanh thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khi đưa sữa và các sản phẩm từ sữa vào diện phải quản lý giá của Nhà nước, thì chắc chắn những doanh nghiệp kê khai giá không đúng với cơ cấu giá sẽ được hạn chế. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính kiểm tra việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai giá, nếu không phù hợp, liên bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh theo đúng quy định.

Liệu có quản được?

Có thể nói suốt một thời gian dài bị dư luận phản ứng, nhưng giá sữa vẫn không hề lung lay, thậm chí còn âm thầm tăng lên từng tí một. Theo chuyên gia giá cả Ngô Trí Long, Thông tư 30 mới chỉ chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của Nhà nước bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Còn thực chất để kiểm soát được triệt để và hiệu quả giá sữa, Nhà nước sẽ còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác. Nếu không sau 20/11, giá sữa vẫn có cách để leo thang bất chấp quy định của Nhà nước.

Việc ban hành Thông tư 30, theo các chuyên gia, mới chỉ dừng ở việc quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Còn cơ chế bình ổn giá vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Các doanh nghiệp vẫn được phép tăng giá nếu có báo cáo giải trình cụ thể.

Ví dụ như: doanh nghiệp có thể "vin" vào nhiều cớ, như: thay đổi mẫu mã, bao bì, lương thưởng, giá nguyên vật liệu, chi phí tiếp thị… để đòi được tăng giá sữa. Do vậy, nếu không kiểm tra nghiêm túc và kiểm tra được chi phí kinh doanh của doanh nghiệp thì cũng không xử được việc tăng giá sữa bất hợp lý.

Và nếu chỉ quản lý giá theo cách đăng ký thì vẫn chưa thể giải quyết được sự tăng giá bất hợp lý. Vì các doanh nghiệp có thể kê khai giá sữa nhập cao để "lách" mà cơ quan hải quan khó xử lý được. Nếu không cẩn thận thì tới đây, giá sữa nhập khẩu sẽ trở nên "loạn xạ" không kém giá sữa bán lẻ thời gian qua.

Hơn nữa, một vấn đề mà Bộ Công Thương từng khuyên "người tiêu dùng cần phát huy quyền của mình, phản ánh những sản phẩm bán không đúng giá niêm yết, để cơ quan chức năng xử lý".

Song, điều này cũng thực sự khó khăn, bởi trong những cửa hàng, các doanh nghiệp sữa vẫn bán đúng giá niêm yết. Người tiêu dùng, đa phần cũng chỉ được biết, họ phải trả tiền theo miếng giấy nhỏ tý ghi giá được dán trên hộp sữa mà thôi. Mấy người được biết đến những rắc rối, lòng vòng của giá sữa trước khi tới tay mình.

Cuối cùng, bất chấp việc gọi sản phẩm đó là gì, người tiêu dùng vẫn chỉ biết nó với cái tên "sữa". Và, dù Thông tư 30 đã có hiệu lực, người tiêu dùng vẫn phấp phỏng chờ xem “cái bắt tay” của Bộ Y tế - Công Thương - Tài chính được thể hiện thế nào và liệu có đủ dẹp loạn giá sữa hay không?

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư