Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày 07/07/2015

21:53 | 07/07/2015 Print
Hỗ trợ Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh thủy sản; Việt Nam tham gia dự án khu vực do UNIDO tài trợ; Xây dựng Đề án thành lập Sở Du lịch Hà Nội; Xây dựng Quy chế cung cấp thông tin tờ khai hải quan DLĐT; Không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước công ty Cấp nước Kon Tum; Ưu tiên mua tạm trữ muối tại địa phương tồn đọng lớn là những chỉ đạo, điều hành mới công bố của Chính phủ ngày 07/07/2015.

Hỗ trợ Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ninh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2015, dịch bệnh thủy sản trên toàn tỉnh diễn ra phức tạp, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng trên tôm nuôi tại thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên và huyện Tiên Yên. Toàn tỉnh đã có 598 ha nuôi tôm có tôm bị chết của hơn 793 hộ.

Để phòng, chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã thường xuyên cử các đoàn công tác đi xuống cơ sở hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương và cùng các đơn vị, cơ sở sản xuất triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Tính đến ngày 21/6/2015 các địa phương đã sử dụng hơn 51 tấn hóa chất để xử lý các ổ dịch.

Việt Nam tham gia dự án khu vực do UNIDO tài trợ

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam tham gia Dự án khu vực "Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)".

Dự án trên do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UNIDO hoàn thiện, ký văn kiện Dự án với đại diện các bên tài trợ và triển khai thực hiện theo quy định.

Dự án trên có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện Công ước Stockholm, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, việc thực hiện Dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và kinh nghiệm môi trường tốt nhất để giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định từ các ngành công nghiệp Việt Nam là hoàn toàn thiết thực.

Xây dựng Đề án thành lập Sở Du lịch Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xây dựng Đề án thành lập Sở Du lịch, Đề án kiện toàn Sở Văn hóa, Thể thao, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định pháp luật.

Với vị trí là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Việc thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách ra từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ góp phần giúp Hà Nội khai thác, phát huy được thế mạnh này và để hoạt động xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách đến thủ đô Hà Nội ước đạt 10.030.783 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 8,8%; khách nội địa đạt gần 8,5 triệu lượt, tăng 3%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.438 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2014.

Xây dựng Quy chế cung cấp thông tin tờ khai hải quan DLĐT

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về Đề án "Cung cấp thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử cho các cơ quan".

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc cung cấp, trao đổi, sử dụng thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện các quy định tại Khoản 9 Điều 25 và Điều 109 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Tại Khoản 9 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan quy định: "Tờ khai hải quan điện tử có giá trị sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán quan ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng tờ khai hải quan điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu người khai hải quan cung cấp tờ khai hải quan giấy. Cơ quan hải quan có trách nhiệm cung cấp thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm trang bị các thiết bị để tra cứu dữ liệu trên tờ khai hải quan điện tử".

Và tại Khoản 2 Điều 109 Nghị định số 08/2015/NNĐ-CP quy định: "Việc trao đổi, cung cấp thông tin hải quan ở dạng điện tử được thực hiện thông qua kết nối mạng máy tính hoặc thông qua hệ thống mạng di động dưới hình thức thư điện tử hoặc nhắn tin từ các địa chỉ, số điện thoại được cơ quan hải quan công bố chính thức".

Như vậy, Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã quy định về giá trị pháp lý cũng như việc cung cấp, sử dụng thông tin hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử của các cơ quan. Tuy nhiên, thông tin trên tờ khai hải quan có liên quan đến trách nhiệm xử lý của nhiều cơ quan, cần có sự phối hợp trong cung cấp, trao đổi, sử dụng để thực hiện các quy định trên của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cho thống nhất. Do vậy, thay vì xây dựng Đề án "Cung cấp thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử cho các cơ quan", Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc cung cấp, trao đổi, sử dụng thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử.

Không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước Công ty Cấp nước Kon Tum

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Kon Tum.

Theo kế hoạch trước đó, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum sẽ được chuyển giao từ UBND tỉnh Kon Tum về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, UBND tỉnh Kon tum thấy rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của loại doanh nghiệp trong lĩnh vực này chịu sự giám sát của Nhà nước nhằm bảo đảm lợi ích của nhà cung cấp nước sạch cũng như người dân sử dụng nước, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước cho người nghèo và các khu vực đặc biệt khó khăn.

Thực tế hiện nay, tỉnh Kon Tum đang triển khai các dự án phát triển khu đô thị, xây dựng khu trung tâm hành chính và các khu dân cư mới. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Kon Tum từ UBND tỉnh Kon Tum về SCIC.

Xét đề nghị của UBND tỉnh Kom Tum, ý kiến thống nhất của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục là chủ sở hữu nhà nước đối với Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Kon Tum và thực hiện cổ phần hóa Công ty này trong năm 2015 theo quy định hiện hành.

Ưu tiên mua tạm trữ muối tại địa phương tồn đọng lớn

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2015 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc sử dụng nguồn vốn nhà nước tại Công ty mẹ để thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2015. Tổng Công ty có thể trực tiếp mua hoặc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chức năng kinh doanh muối thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối từ nguồn vốn nhà nước nêu trên.

Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường, giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Tổng Công ty tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước dùng để sử dụng vào mục tiêu dự trữ lưu thông sau khi tiêu thụ xong lượng muối tạm trữ. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2015 theo đúng thời điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước theo quy định.

Đồng thời tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp được phân giao nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm việc sử dụng muối nhập khẩu đúng mục đích và không trao đổi kinh doanh thương mại; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cụ thể lượng muối mua tăng thêm đưa vào dự trữ quốc gia năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối niên vụ 2015 tăng cao; cân đối 4 tháng đầu năm tồn dư khoảng 490.000 tấn; trong khi đó, giá muối giảm mạnh từ 250 - 400 đồng/kg (giảm nhất tại Ninh Thuận). Do vậy, việc mua tạm trữ muối sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ muối, giải quyết khó khăn cho diêm dân./.

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư