Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ được công bố ngày 10/07/2015

20:26 | 10/07/2015 Print
Quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ; Khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản tại Quảng Ninh; Bổ sung 2 hạng mục vào Dự án cải tạo Quốc lộ 20; Sửa Nghị định 67: Bổ sung một số chính sách phát triển thủy sản là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ được công bố ngày 10/07/2015.

Quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ bao gồm: Tiêu chuẩn diện tích sử dụng và định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ.

Theo đó, các biệt thự loại A có diện tích đất từ 450 - 500 m2, diện tích sử dụng là 300 – 350 m2 được bố trí cho các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Biệt thự loại B với diện tích đất tối đa 350 - 400 m2, diện tích sử dụng từ 250 - 300 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên (trừ chức danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư).

Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 1 tại khu vực đô thị, có diện tích sử dụng 140 – 160 m2, được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên đến dưới 10,4.

Tương tự, căn hộ chung cư loại 2 có diện tích sử dụng từ 100 – 115 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Trung tướng, Thiếu tướng trong các lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.

Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 3 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 1 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng từ 80 – 90 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,3; chuyên viên cao cấp (A3); giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Đại tá, Thượng tá, Trung tá trong các lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.

Các căn hộ chung cư loại 4 tại khu vực đô thị có diện tích sử dụng 60 – 70 m2 hoặc căn nhà loại 2 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 55-65 m2 sẽ được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 đến dưới 0,7; chuyên viên chính (A2); giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Thiếu tá, Đại uý trong các lực lượng vũ trang.

Các căn hộ chung cư loại 5 có diện tích sử dụng từ 25 – 45 m2 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 3 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 40 - 45 m2 được bố trí cho các chức danh chuyên viên (A0, A1) hoặc chức danh tương đương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; sĩ quan từ Thiếu úy đến Thượng úy trong các lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp.

Căn nhà loại 4 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 25 - 35 m2 được bố trí cho các chức danh công chức loại B, C, quân nhân chuyên nghiệp; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, Quyết định còn quy định tiêu chuẩn trang bị nội thất nhà ở công vụ. Theo đó, mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho biệt thự, căn hộ chung cư tại khu vực đô thị là từ 120-250 triệu đồng, với căn nhà ở khu vực nông thôn từ 75-120 triệu đồng.

Khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản tại Quảng Ninh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, công bố khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản theo đúng quy định.

Thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành công tác khoanh định danh mục các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm và các khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản gồm: 22 khu vực cấm với tổng diện tích 266.735,92 ha, liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng; an ninh (94 đối tượng, diện tích 49 ha); di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh (105 đối tượng, diện tích 16.048ha); cơ sở tôn giáo (125 đối tượng, diện tích 8,82 ha); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (35 đối tượng, diện tích 158.300,1 ha); hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông (38 tuyến với tổng chiều dài 1.754km, diện tích 2.209 ha); đất hành lang bảo vệ đê điều, kè, cống (232 đối tượng, diện tích 42.238 ha).

3 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 33.990 ha liên quan đến các đối tượng bảo vệ vùng cửa sông Tiên Yên, cảnh quan Đảo Trần và vườn quốc gia Cô Tô; 4 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản có tổng diện tích 17.618 ha.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ và nhận thấy các khu vực cấm, tam thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Quảng Ninh được khoanh định phù hợp với quy định tại Điều 28 Luật khoáng sản.

Bổ sung 2 hạng mục vào Dự án cải tạo Quốc lộ 20

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc bổ sung 2 hạng mục tuyến tránh thành phố Bảo Lộc và nút giao Dầu Giây vào Dự án BT khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung hạng mục xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư Dầu Giây và hạng mục xây dựng mới tuyến tránh thành phố Bảo Lộc vào Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng theo hình thức Hợp đồng BT (Dự án) từ nguồn vốn vay còn dư của Dự án.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, làm rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về việc dư vốn của Dự án; chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện quyết toán dự án; thống nhất và hoàn tất các thủ tục đảm bảo đồng thuận chính thức của các nhà tài trợ vốn vay nước ngoài; tiến hành điều chỉnh Dự án theo đúng quy định; ưu tiên bố trí vốn cho hạng mục xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư Dầu Giây.

Đối với hạng mục xây dựng mới tuyến tránh thành phố Bảo Lộc, trường hợp không đủ vốn đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm bố trí phần vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (Dự án) với tổng mức đầu tư hơn 5.264 tỷ đồng. Đến nay, Dự án cơ bản hoàn thành, thông xe vào 28/4/2015 và còn dư khoảng hơn 1.115 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai Dự án, mặc dù tuyến QL1A đoạn TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết và tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã thông xe góp phần giảm đáng kể lượng xe qua khu vực, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông lại thường xuyên xảy ra tại nút giao Dầu Giây - điểm đầu Dự án; đồng thời, lưu lượng xe trên QL20 đoạn qua thành phố Bảo Lộc tăng nhanh ảnh hưởng lưu thông nội đô và gia tăng ô nhiễm môi trường thành phố Bảo Lộc.

Sửa Nghị định 67: Bổ sung một số chính sách phát triển thủy sản

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là kiên trì theo hướng tổ chức lại sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về đối tượng được hưởng chính sách tín dụng tại Điều 4 Nghị định 67, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung trường hợp gia cố bọc vỏ thép, vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản tài sản, bốc xếp hàng hóa.

Về sử dụng máy thủy cũ: bổ sung quy định theo hướng cho phép sử dụng máy thủy đã qua sử dụng đối với trường hợp nâng cấp máy tàu; Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quy định tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng (máy thủy cũ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc sử dụng và đăng kiểm máy thủy đã qua sử dụng.

Về đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm tại Điều 5 Nghị định 67, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung trường hợp các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia hoạt động khai thác hải sản.

Đối với thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới quy định tại Điều 4 Nghị định 67, Phó Thủ tướng yêu cầu sửa đổi theo hướng tăng thêm 5 năm lên thành 16 năm.

Về hỗ trợ một lần sau đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung theo hướng giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai thí điểm.

Về thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, vật liệu mới: hỗ trợ chi phí thiết kế tàu từ 400CV trở lên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương xây dựng, thẩm định, phê duyệt và công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn trường hợp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh lãi suất cho vay vốn lưu động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; nghiên cứu, hướng dẫn theo hướng khuyến khích các ngân hàng thương mại tự xem xét, quyết định cho vay thương mại đối với phần vốn đối ứng theo quy định./.

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư