e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ ngày 23/07/2015

18:53 | 23/07/2015 Print
Bố trí kinh phí đẩy nhanh xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; Bổ sung kinh phí mua vắc xin Quinvaxem; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án lớn; Phấn đấu vận hành đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 vào đầu năm 2016; Chế tạo trong nước nhiều thiết bị nhà máy nhiệt điện là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ ngày 23/07/2015.

Bố trí kinh phí đẩy nhanh xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bố trí kinh phí năm 2015 để đẩy nhanh thực hiện dự án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ứng trước 182 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Đầu tư nâng cấp Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin tại Viện Công nghệ sinh học” của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đồng thời bố trí vào kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 để thu hồi vốn ứng trước của Dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp dự án trên vào phương án ứng vốn chung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định có liên quan đối với dự án trên; quản lý và sử dụng số kinh phí thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.

Bổ sung kinh phí mua vắc xin Quinvaxem

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí Dự án Tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế là 24,695 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự toán chi sự nghiệp y tế của ngân sách trung ương năm 2015 để mua vắc xin Quinvaxem và vắc xin OPV (vắc xin bại liệt).

Việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ Y tế chủ động sắp xếp và sử dụng nguồn dự toán đã được giao của Dự án Tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế năm 2015 và số kinh phí bổ sung nêu trên để bảo đảm vắc xin Quinvaxem và vắc xin OPV phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng hiệu quả, kịp thời; chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc mua vắc xin theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chi còn lại và bảo đảm vắc xin ngay trong những tháng đầu năm 2016 theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án lớn

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Công an, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm được nâng cao, đã kéo giảm 3,32% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2014; mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét, phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 76,1%.

Ban Chỉ đạo 138 các cấp đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án được đẩy nhanh; phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ở nhiều địa phương tiếp tục được đổi mới với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng.

Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự và hoạt động của tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp, làm nhân dân lo lắng; công tác phòng ngừa tội phạm vẫn là khâu yếu, trong đó phòng ngừa xã hội hiệu quả chưa cao; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở cơ sở nhiều nơi chưa được sâu rộng, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Còn để xảy ra nhiều vụ trọng án ở nhiều địa phương.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và địa phương tiếp tục chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, dư luận quan tâm; bảo đảm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong các hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, giam giữ can phạm nhân.

Đồng thời tập trung lực lượng, có phương án cụ thể bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các sự kiện quan trọng của đất nước.

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông tại cộng đồng; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm hiệu quả bền vững, các cá nhân điển hình, tiên tiến ở đơn vị, địa phương.

Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam và các nước ASEAN.

Phấn đấu vận hành đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 vào đầu năm 2016

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai, hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư nhằm đưa Dự án đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 vào vận hành trong quý I/2016.

Dự án đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 có chiều dài gần 120 km đi qua địa bàn nhiều địa phương. Thời gian chuẩn bị và thi công Dự án ngắn (8 tháng) trong điều kiện mùa mưa Tây Nguyên. Để Dự án hoàn thành trong quý I/2016 đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất của dự án thủy điện Xekaman 1, cần phải có sự hỗ trợ của các địa phương.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao UBND 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho Chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án, đáp ứng mục tiêu đưa dự án đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2 vào vận hành trong quý I năm 2016.

Đồng thời, UBND 2 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND và Hội đồng bồi thường của các địa phương có đường dây đi qua phải đẩy nhanh và sớm hoàn thành các thủ tục về phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, kê kiểm, lập và phê duyệt phương án bồi thường phù hợp với tiến độ thi công của Dự án; tích cực phối hợp và hỗ trợ Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định; không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã được thỏa thuận.

Chế tạo trong nước nhiều thiết bị nhà máy nhiệt điện

Qua gần 3 năm thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện (Quyết định 1791), các doanh nghiệp cơ khí đã thực hiện chế tạo nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện.

Trong đó, Viện Nghiên cứu cơ khí NARIME đã hoàn thành thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt được Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), Hệ thống cung cấp than (CHS), Hệ thống thải tro, xỉ (AHS). Có thiết bị nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được, ngoài NARIME, Công ty tư vấn xây dựng điện 2, LILAMA chế tạo được Hệ thống lọc bụi tĩnh điện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã tổ chức lại sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực và thiết bị với công nghệ hiện đại để có thể thực hiện công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điện đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá cạnh tranh; điển hình Tổng công ty CP Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và nhiều máy móc thiết bị để thực hiện thiết kế, chế tạo các máy biến áp lực điện áp 500 kV, công suất lên đến 700 MVA.

Đồng thời, chủ đầu tư của các dự án điện đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn giao cho các nhà thầu trong nước thực hiện thiết kế, chế tạo một số thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện. Các Tổng thầu EPC, trong đó có nhiều nhà thầu nước ngoài, cũng đã giao các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực hiện các gói thầu chế tạo thiết bị theo hình thức nhà thầu phụ; đã thực hiện các hình thức Tổng thầu EPC mới, trong đó có sự tham gia của các nhà thầu Việt Nam, như tại các dự án Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1, Long Phú 1, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần mang lại hiệu quả chung của các dự án.

Đánh giá toàn diện, cụ thể kết quả thực hiện Quyết định 1791

Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và cố gắng của bản thân các doanh nghiệp cơ khí trong nước, thì ngành cơ khí không những khó phát triển mà còn có thể để mất thị trường ngay trên sân nhà.

Để đảm bảo sự thành công của Chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì tổ chức đoàn công tác, mời các chuyên gia cơ khí có kinh nghiệm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, đi khảo sát thực tế, rà soát đánh giá cụ thể, chi tiết năng lực của các doanh nghiệp cơ khí để tổng hợp khả năng tham gia chế tạo các hạng mục thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện; đề xuất việc đầu tư bổ sung, nâng cấp các máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm và đào tạo thêm nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá toàn diện, cụ thể kết quả thực hiện Quyết định 1791, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 8 năm 2015.

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, đề xuất bổ sung các thiết bị có thể thiết kế, chế tạo trong nước ở nhà máy nhiệt điện; bổ sung các doanh nghiệp cơ khí khác có năng lực và các dự án nhà máy nhiệt điện dự kiến thực hiện thí điểm. Thực hiện các thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định 1791.

Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn, doanh nghiệp đề xuất dự án thực hiện theo các gói thầu riêng lẻ, không theo hình thức Tổng thầu EPC. Đề xuất cơ chế, trong đó có cơ chế thuê tư vấn nước ngoài để hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý dự án chịu trách nhiệm về giao diện kết nối giữa các thiết bị./.

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư