Đề xuất nhiều ưu đãi nhằm phát triển hàng hải

21:39 | 30/09/2015 Print
- Theo Dự thảo Quyết định Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực hàng hải được Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, thì lĩnh vực này sẽ nhận được nhiều ưu đãi, như: thuế suất, sử dụng đất, mặt nước, bảo lãnh...

Cụ thể là, về thuế suất: nhà đầu tư thụ hưởng mức giảm thuế suất phù hợp đối với các loại thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, khai thác dự án, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất, nhập khẩu đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định các đề xuất miễn, giảm thuế suất của nhà đầu tư, đảm bảo điều kiện thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Về sử dụng đất, mặt nước: nhà đầu tư được phép đề xuất, thụ hưởng mức miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuê mặt nước đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định các đề xuất về mức miễn, giảm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư.

Về bảo lãnh: nhà đầu tư được phép đề xuất các bảo lãnh cần thiết đảm bảo tính khả thi của dự án liên quan đến sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bảo lãnh, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư: trường hợp nhà đầu tư đã từng tham gia và hoàn thành dự án trong danh sách dự kiến huy động vốn xã hội hóa, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong quá trình đánh giá về tài chính - thương mại khi tham gia đấu thầu các dự án, gói thầu trong lĩnh vực tương tự.

Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn: nhà đầu tư được phép đề xuất tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực hàng hải theo quy định của pháp luật.

Chính sách ưu đãi đối với công tác quy hoạch, bảo trì trong lĩnh vực hàng hải:Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho công tác lập, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện quy hoạch trong lĩnh vực hàng hải; Ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp cho công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải từ giai đoạn 2016 đến 2020.

Chính sách ưu đãi về vận tải. Cụ thể là: Giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương (bao gồm cả tiền công và phụ cấp) của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển tham gia vận tải nội địa; Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động ngành hàng hải tại những vùng có điều kiện khó khăn, vùng biên giới hải đảo; Giảm mức thuế nhập khẩu và mức thuế suất thuế giá trị gia tăng xuống còn 0% đối với hàng hoá là vật tư, thiết bị tàu biển trong thời gian 03 năm; Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận tải nội địa của tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam trong vòng 03 năm.

Ngoài ra, đối với các dự án xã hội hóa nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách nhà nước: Cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn, tạo nguồn thu cho các nhà đầu tư; Ưu đãi không thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Giảm thủ tục hành chính trong việc đăng ký khối lượng tận thu cát, sỏi; Giảm thủ tục hành chính trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tương tự như nạo vét duy tu hàng năm sử dụng ngân sách nhà nước.

Dự thảo cũng cho phép các dự án đầu tư luồng hàng hải công cộng do nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện, thì được: Thu phí hàng hải trên tuyến luồng đó theo tỷ lệ quy định để hoàn vốn; Ưu tiên cấp đất đầu tư xây dựng hoặc kinh doanh hạ tầng dịch vụ cảng biển tại khu vực (dự án khác) và các ưu đãi khác thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư