Nghị định về điều chỉnh tiền lương sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn

21:49 | 07/12/2015 Print
- Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về việc xây dựng các văn bản liên quan đến tiền lương.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995.

Dự thảo Nghị định này được lưu ý sẽ xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không nhất thiết phải thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để soạn thảo mà có thể trực tiếp tổ chức việc soạn thảo; Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản.

Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm định; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm tra.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Hiện mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ giữa năm 2013 là 1.150 triệu đồng/tháng, theo tính toán mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng) và tính ra mới đạt 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng).
Thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản ở các khu vực, từ ngày 01/01/2016, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh mức lương này. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương mới phải bù được trượt giá và có cải thiện từng bước, phù hợp với tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó đã quyết định: "Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/01/2016.

Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội. Từ ngày 01/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015."./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư