Đến năm 2025, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngang tầm các nước tiên tiến

10:46 | 06/05/2016 Print
- Đó là một trong những mục tiêu cụ thể được nêu rõ trong Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đề án nêu rõ phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục (bao gồm các trường, khoa, ngành sư phạm) được đào tạo đạt chuẩn về trình độ trở lên theo quy định và được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin.

Đồng thời, phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng nghề nghiệp tương ứng; 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công tác tại vùng dân tộc sử dụng được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác.

Đặc biệt, đến năm 2025, bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án nhấn mạnh đến một số giải pháp cụ thể, như: hoàn thiện hệ thống văn bản, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, công tác truyền thông về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, tiến hành nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Trước đó, ngày 04/11/2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kí ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.

Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Để đạt được mục tiêu đổi mới đó, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Do vậy, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, không thể thiếu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư