e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Thủ tướng đồng ý cho Formosa chủ động nhập khẩu than

23:04 | 10/01/2017 Print
- Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp than cho sản xuất điện.

Tại văn bản, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tính toán nhu cầu than cần thiết cho sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại và tương lai (bao gồm cả nguồn than trong nước và nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể bảo đảm đủ nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy).

(Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khác (đã được cấp phép khai thác, sản xuất kinh doanh than) có tham gia khai thác than, rà soát, tính toán năng lực cung ứng than (kể cả sản xuất trong nước, nhập khẩu than) cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ tiêu thụ khác để xây dựng kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu bảo đảm cung cấp đủ và ổn định than cho các nhà máy nhiệt điện.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, TKV và các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tính toán tiềm năng các nguồn than khác đang được nghiên cứu thăm dò khai thác (trong đó có nghiên cứu Bể than Sông Hồng…) để có các phương án, giải pháp bảo đảm than đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khác) làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định lâu dài đáp ứng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của EVN theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chủ động nhập khẩu than phục vụ riêng cho hoạt động Nhà máy nhiệt điện của Công ty.

Trước đó, thông tin từ TKV, đơn vị chuyên cung cấp than để sản xuất điện cho biết, kế hoạch cấp than cho sản xuất điện năm 2016 của Tập đoàn là 27,6 triệu tấn, cao hơn 5 triệu tấn so với mức 22,6 triệu tấn cấp cho ngành điện trong năm 2015.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần của Tập đoàn, nếu cộng thêm phần của Tổng công ty Đông Bắc tham gia cấp than cho ngành điện thì tổng lượng than sẽ là 32,2 triệu tấn trong năm 2016.

Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện vẫn khó có nguồn than đảm bảo để hoạt động. Điển hình như PVN. Tập đoàn này được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 6 nhà máy nhiệt điện công suất mỗi nhà máy 1.200 MW. Việc phải đảm bảo nguồn than cho tổng nhu cầu của 6 nhà máy nhiệt điện, trên 20 triệu tấn/năm đang thực sự thách thức rất lớn đối với PVN. Hiện nay, chỉ có hai nhà máy nhiệt điện của PVN dùng than trong nước là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, còn bốn nhà máy nhiệt điện: Long Phú 1, Long Phú 3, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 đã phải dùng than nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, năm 2017 dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than cho sản xuất điện và sẽ tăng dần lên khoảng 70 triệu tấn vào năm 2030.

Mặc dù, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió, mặt trời…), song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện và là giải pháp chủ đạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn (cụ thể, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 40 - 43% và sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2030).

Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện, doanh nghiệp trong nước thay vì chọn than trong nước đã trực tiếp nhập khẩu than từ nước ngoài. Đây là một nghịch lý, bởi trong khi than trong nước tồn kho lớn, nhiều loại than có hiệu năng tương tự thì sản xuất bị ngưng trệ do không có đầu mối tiêu thụ, thì than nhập từ nước ngoài lại ùn ùn vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, than nhập khẩu về Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, tăng gấp gần 4 lần so với kế hoạch và tăng hơn 20 lần so với lượng than nhập cả năm 2015.

Than nhập khẩu đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt giá than từ Trung Quốc có giá cao ngất ngưởng. Đáng chú ý dù Trung Quốc là nước cung cấp than ít nhất cho Việt Nam (đứng thứ 4 trong số 4 nước cung cấp than cho Việt Nam sau Úc, Nga và Indonesia), tuy nhiên, giá than của Trung Quốc trung bình cao hơn nhiều so với các nước trên.

Việc giá than Trung Quốc cao bất thường so với giá bình quân của các loại than trên thế giới đã và đang là mối lo lớn bởi hiện đang có 3 nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1, 2 và 3 đều do tổng thầu Trung Quốc hoặc có vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tham gia.

Ngoài ra, với việc Thủ tướng cho Formosa được phép chủ động nhập than để phục vụ sản xuất. Trong khi, doanh nghiệp này đã tiến hành nhập than từ Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế đang đặt dấu hỏi về hiện tượng này có phải là một hình thức của chuyển giá hay không bởi nếu nhập từ Trung Quốc, với mức giá cao như trên doanh nghiệp sẽ không có lãi?!./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư