Nghị định đầu tiên chống chuyển giá được ban hành

07:00 | 05/03/2017 Print
- Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là căn cứ pháp lý mạnh mẽ giúp Việt Nam chống chuyển giá trong các doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/02/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch đã quy định các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Xác định được giá trong giao dịch liên kết là một trong những khó khăn lâu nay của các cơ quan chức năng Việt Nam. Không xác định được giá trong giao dịch liên kết khiến việc chống chuyển giá của Việt Nam cũng trở nên gian nan hơn.

Theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định tại Nghị định này.

Còn nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Cũng theo quy định tại Nghị định, thì các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp: một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; hay cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp… sẽ được coi là các bên liên kết.

Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại nghị định này. Họ cũng phải có trách nhiệm chứng minh việc lựa chọn phương pháp xác định giá theo quy định tại Nghị định này khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Thậm chí trong trường hợp cần thiết, người nộp thuế phải có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, trong đó bao gồm cả báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao.

Theo quy định tại Nghị định, để thực hiện Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp cung cấp dữ liệu đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về cơ cấu vốn đầu tư tại thời điểm cấp phép và các thời điểm điều chỉnh, sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin liên quan đối với các dự án đầu tư khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra xác định có dấu hiệu chuyển giá để trốn, tránh thuế theo đề nghị của cơ quan thuế. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017./.

A.Đ

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư