Người tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký

23:39 | 15/08/2017 Print
- Vừa qua, việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông đã tạo một làn sóng trái chiều. Bởi, theo quy định của pháp luật, thì việc xử phạt là đúng.

Nhưng, với những chủ xe có thế chấp tại ngân hàng, thì việc ngân hàng thu giấy đăng ký xe bản chính cũng không có gì sai.

Như vậy, do những quy định không tương thích trong luật đã khiến người dân bị mắc kẹt.

Không có giấy đăng ký bản chính: Dân mắc kẹt

Về việc việc xử phạt với các chủ xe sử dụng bản phô tô công chứng khi tham gia giao thông có đúng hay sai, Cục Cảnh sát Giao thông đã vừa có văn bản số 2916/C67-P9 khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác.

Theo nội dung văn bản này thì “Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc thế chấp tài sản: Bên thế chấp giữ được bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Như vậy, việc Cảnh sát giao thông xử phạt người tham gia giao thông không có bản chính của phương tiện giao thông là có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên trên thực tế những xe mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng. Quá trình làm thủ tục người thế chấp chỉ sử dụng bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng cho đến khi trả hết số tiền đã vay ngân hàng.

Bởi, ngân hàng cần có cách để quản lý rủi ro, công an cũng vậy, để dung hòa quyền lợi các bên phải làm việc lại với nhau để ra được văn bản gỡ rối.

Thực tế, khi thực hiện các thủ tục cho vay mua ôtô, giữa ngân hàng và bên thế chấp luôn có thỏa thuận dân sự, cho phép bên nhận thế chấp (phía ngân hàng) giữ giấy tờ bản chính. Thỏa thuận này căn cứ theo Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Đã vậy, nếu ngân hàng không giữ được bản chính đăng ký xe sẽ có rất nhiều rủi ro không thể lường trước. Có giấy đăng ký xe trong tay, khách hàng có thể tự động mua bán, cho thuê, cầm đồ... mà ngân hàng không thể biết được. Đưa bản chính cho chủ phương tiện đang thế chấp giống như “thả gà ra đuổi”.

Trước những lý lẽ trên, người tham gia phương tiện nếu không có giấy đăng ký xe bản chính lo sợ bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Điều này gây sự bất an cho người dân, nhất là đối với người vay mua ôtô, họ đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính.

Phó Thủ tướng đưa cách giải quyết

Trước diễn biến trên, ngày 15/08/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có có văn bản đồng ý cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành Công an; Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Thanh tra giao thông vận tải và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo trên đây của Thủ tướng Chính phủ trong thực thi công vụ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, trong tháng 8/2017 ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp 01 bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017./.

An Nhi (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư