e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Năm 2020, phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền

09:43 | 24/12/2020 Print
- Số văn bản này chiếm tỷ lệ 2,38% trên tổng số văn bản được kiểm tra, giảm 0,4% so với năm cuối của nhiệm kỳ trước.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2020, Bộ đã thẩm định 28 đề nghị, các sở tư pháp thẩm định 294 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Toàn ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định.

Năm 2020, toàn ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 VBQPPL (giảm 26,8% so với năm 2019); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỷ lệ 2,38% trên tổng số văn bản được kiểm tra, giảm 0,4% so với năm cuối của nhiệm kỳ trước).

Riêng tại Bộ Tư pháp, năm 2020 đã kiểm tra 2.970 văn bản (giảm 39% so với năm 2019); qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 68 văn bản (06 văn bản của cấp bộ, 62 văn bản của địa phương). Đến nay, có 41/68 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.

Đặc biệt, công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả ấn tượng. Bộ, ngành tư pháp đã tham mưu thực hiện công tác rà soát thường xuyên, định kỳ hằng năm công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực; tổ chức rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực (đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đất đai, y tế…); thực hiện và hoàn thành việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 thống nhất trong cả nước.

Đặc biệt, năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung nguồn lực rà soát gần 8.800 văn bản, tập trung vào 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nhiều kiến nghị hoàn thiện pháp luật để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu. Bộ Tư pháp cũng có Báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ và gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo về kết quả rà soát quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

Thống kê cho thấy, năm 2020, toàn ngành tư pháp đã tập trung rà soát được 32.187 VBQPPL, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 4.765 văn bản; nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát được số lượng văn bản lớn (Bộ Quốc phòng – 2.667 văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường - 805 văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo – 612 văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – 548 văn bản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – 503 văn bản; thành phố Hồ Chí Minh – 1.649 văn bản, Phú Thọ - 1.286 văn bản, Hưng Yên - 1.079 văn bản, Thừa Thiên-Huế - 1.001 văn bản).

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ và ngành tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn cần sớm đề ra giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, chất lượng của một số VBQPPL chưa cao; tính dự báo, khả thi và ổn định của hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, gây nên ý kiến trái chiều của dư luận và các đại biểu Quốc hội. Vẫn còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình nhưng phải xin lùi, rút điều chỉnh. Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tại các Bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục hiệu quả và có xu hướng tăng trở lại trong vài năm gần đây (cuối năm 2018 nợ 04 văn bản, cuối năm 2019 nợ 10 văn bản, cuối năm 2020 nợ 16 văn bản).

Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp thực tiễn vẫn chưa kịp thời. Còn khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung chưa được thực hiện một cách thỏa đáng, chỉ mới ở mức độ rút kinh nghiệm, phê bình, chưa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển chưa cao./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư